MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp còn được lợi?

08-01-2015 - 14:38 PM | Doanh nghiệp

Khi tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, giá xăng bán lẻ trong nước sẽ không giảm mạnh bằng giá xăng dầu thế giới và do đó, mức độ hưởng lợi của người tiêu dùng cuối cùng sẽ ít hơn mức lẽ ra được hưởng.

Từ ngày 07/01/2015, Thông tư số 03/2015 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu (quy định tại nhóm 27.10 Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi) chính thức được áp dụng.

Theo đó, thuế suất nhập khẩu đối với các loại xăng, dầu tăng từ 7 – 11%. Cụ thể, xăng tăng từ 27% lên 35%; Thuế suất nhập khẩu dầu diesel tăng từ 23% lên 30%; Thuế suất nhập khẩu dầu hỏa tăng từ 26% lên 35% và thuế suất nhập khẩu dầu mazut tăng từ 24% lên 35%.

Từ tháng 7/2014 đến nay, giá dầu thế giới đã giảm rất mạnh. Hiện tại, giá dầu thô chỉ còn dưới 50 USD/thùng. Việc này đem đến cho người tiêu dùng trong nước một cái lợi là giá xăng đã liên tục giảm và hiện tại, giá xăng Ron92 ở mức 17.570 đồng/lít. Trong năm 2014, giá xăng dầu đã điều chỉnh 24 lần trong đó có 19 lần giảm.

Có thể nói việc Bộ Tài chính tăng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu từ ngày 7/1 không phải là điều bất ngờ.

Trước đó, ra tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã ước tính, khi giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu 1.000 tỷ đồng và nếu như trong năm 2015, mặt bằng giá dầu giảm còn trên dưới 80 USD/thùng, Ngân sách nhà nước theo đó sẽ ghi nhận hụt mất 20.000 tỷ đồng.

Sau đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, nếu giá dầu thanh toán trung bình năm 2015 là 60 USD/thùng thì thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô sẽ hụt 37.000 tỷ đồng so với dự toán (tương ứng 4% tổng thu ngân sách nhà nước) và giảm 47% so với ước thực hiện của năm 2014.Giả định các mức thuế nhập khẩu và phí xăng dầu giữ nguyên như đầu năm 2014 thì với giá dầu như trên, thu ngân sách sẽ hụt thêm 6.000 tỷ đồng. Tổng mức hụt ngân sách nhà nước từ xuất khẩu dầu và thuế, phí nhập khẩu dầu vào khoảng 43.000 tỷ đồng.

Tóm lại, việc giá dầu thô giảm đặt các nhà quản lý trước mối lo hụt thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu là một động thái nhằm bù đắp phần thu bị hụt từ xuất khẩu dầu thô trong tình hình giá dầu đi xuống. Động thái này, tuy có thể bù đắp lại phần nào cho ngân sách nhà nước nhưng đã làm giảm việc hưởng lợi của nền kinh tế khi giá xăng dầu thấp.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Thăng Long – Trưởng phòng Phân tích của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, với việc tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, giá xăng bán lẻ trong nước sẽ không giảm mạnh bằng giá xăng dầu thế giới và do đó, mức độ hưởng lợi của người tiêu dùng cuối cùng sẽ ít hơn mức lẽ ra được hưởng.

Theo ông Long, những doanh nghiệp kinh doanh trong ngành xăng dầu gần như đã được định biên tỷ suất lợi nhuận ở một tỷ lệ cố định. Vì vậy, việc tăng thuế nhập khẩu do không muốn hạ giá xăng dầu bán lẻ sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến người tiêu dùng trực tiếp trong đó có những Doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu đầu vào là xăng dầu.

Dù vậy, nhờ giá xăng đã giảm khá nhiều so với thời gian trước nên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ít nhiều cũng có sự cải thiện do giảm được chi phí đầu vào.

Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược của công ty chứng khoán MB (MBS) tính toán, việc giá xăng dầu giảm giúp cho nền kinh tế được hưởng lợi 85.000 tỷ đồng. Con số này được tính dựa trên giá trị ròng giữa xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu thành phẩm của Việt Nam. Theo ông Sơn, khi tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, dù khó tính toán cụ thể nhưng MBS ước tính nền kinh tế vẫn được hưởng lợi. Trong đó, các doanh nghiệp sử dụng đầu vào là xăng dầu như Vận tải, nhựa đường, dầu mỡ nhờn, xơ sợi tổng hợp, săm lốp … sẽ là những đối tượng được lợi.

>> Tăng mạnh thuế nhập khẩu xăng dầu từ ngày 7/1

>> Giá dầu thô giảm mạnh và lợi ích cho nền kinh tếicon photo

Bảo Ngọc

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên