Thoái vốn DNNN: Mới ở chặng đầu
Quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN mới được khoảng 30% trong tổng số 21.000 tỷ đồng cần thực hiện. Vì thế, khoảng 230 doanh nghiệp cần cổ phần hóa và trên 16 nghìn tỷ đồng cần thoái vốn là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2015.
Vốn ngoài ngành “nằm” nhiều ở ngân hàng
Đến hết tháng 10/2014, cả nước đã sắp xếp được 96 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa (CPH) 75 doanh nghiệp, dự kiến cả năm nay sẽ CPH được khoảng 200 doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt một nửa kế hoạch đề ra bởi trong phương án sắp xếp, CPH đã được duyệt thì giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ phải thực hiện CPH 432 doanh nghiệp, đó là chưa bao gồm số DNNN tiếp tục rà soát, bổ sung phương án sắp xếp theo Quyết định 37.
Đối với việc thoái vốn, trong báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước, vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, đến hết năm 2013 các công ty mẹ còn đầu tư tại các lĩnh vực:
chứng khoán 957 tỷ đồng; quỹ đầu tư 549 tỷ đồng; bảo hiểm 1.498 tỷ đồng; ngân hàng, tài chính 16.101 tỷ đồng; bất động sản 13.176 tỷ đồng. Đến tháng 10/2014, giá trị thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty ước đạt 2.415 tỷ đồng, ước thực hiện trong tháng 10/2014 là 114,863 tỷ đồng.
Con số tính chung cả năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014 vừa được công bố, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn trên 4.400 tỷ đồng trên tổng số hơn 21.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, giá trị vốn nhà nước cần phải thoái trong năm 2015 là 16.367 tỷ đồng, một thách thức không hề nhỏ nếu so với kết quả đã đạt được thời gian qua.
Trong kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN, như: sửa đổi quy định về bán, giao doanh nghiệp, hoàn thiện chính sách đối với người lao động dôi dư trong doanh nghiệp sắp xếp, chuyển đổi. |
Hoàn thiện chính sách để đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN
Nhận định của Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt. Việc thoái một phần vốn khá lớn trong bối cảnh thị trường chứng khoán, tài chính và nền kinh tế nói chung chưa thực sự khởi sắc cũng là cản trở không nhỏ. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo và triển khai phương án sắp xếp lại DN, thoái vốn.
Để đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN và hoạt động thoái vốn trong năm 2015, một loạt các quy định mới được xem là hành lang pháp lý rộng hơn đã được Chính phủ ban hành. Đơn cử như Nghị quyết số 15/NQ-CP và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn của DNNN- có hiệu lực từ ngày 1/11/2014 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc. Cụ thể như DN được thoái vốn dưới mệnh giá/giá trị sổ sách với điều kiện dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất. Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể giao lại Ngân hàng Nhà nước mua lại hoặc chuyển cho Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.