Thường vụ Quốc hội đồng ý để lại cho PVN 2.215 tỷ đồng
trong bối cảnh NSNN năm 2013 gặp khó khăn, có xu hướng hụt thu lớn, do vậy, việc Chính phủ đề nghị thực hiện thu 50% số còn lại chưa xử lý (khoảng 2.215 tỷ đồng) sẽ góp phần bảo đảm cân đối NSNN.
Chia đôi khoản lãi 4.430 tỷ đồng
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về xử lý khoản thu chi tiền lãi dầu khí nước chủ nhà được chia từ Liên doanh Việt- Nga và từ các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí nộp tập trung về PVN, PVN đã nộp NSNN 10.000 tỷ đồng trong số lãi dầu, khí chia cho nước chủ nhà từ năm 2006-2011. Bộ Tài chính đã tiến hành các thủ tục theo quy định để ghi thu, ghi chi NSNN số tiền 9.311 tỷ đồng.
Một số ý kiến tại Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của QH đề nghị làm rõ nguồn vốn để lại cho PVN thực hiện việc đầu tư cho các công trình bảo vệ biển đảo. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ Quốc phòng và đã được dự toán trong chi NSNN. Nếu việc đầu tư cho các công trình bảo vệ biển đảo là thực sự cấp bách thì PVN phải nộp nguồn vốn trên về NSNN, sau đó, phân bổ cho Bộ Quốc phòng thực hiện theo đúng chức năng, bảo đảm nghiêm túc theo quy định của Luật NSNN. |
Theo Bộ Tài chính, số tiền lãi dầu, khí năm 2012 tương đương 12.930 tỷ đồng, trong đó Bộ Tài chính đã thực hiện ghi thu, ghi chi NSNN đầu tư trở lại PVN để đầu tư các dự án trọng điểm thuộc Công ty mẹ- PVN năm 2012 số tiền 3.500 tỷ đồng.
PVN đã nộp vào NSNN 5.000 tỷ đồng trong quý I-2013, số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà chưa nộp về NSNN còn lại năm 2012 là 4.430 tỷ đồng.
Chính phủ trình UBTVQH cho phép thực hiện thu vào NSNN số tiền lãi dầu, khí năm 2012 (4.430 tỷ đồng) theo nguyên tắc: Thu trực tiếp vào NSNN 50% và đầu tư trở lại PVN 50% bằng phương pháp ghi thu, ghi chi NSNN để PVN thực hiện một số dự án, công trình quốc phòng trên biển, đảo được Thủ tướng Chính phủ giao.
Với phương án trên, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách (cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ) nhất trí với phương án Chính phủ trình và cho rằng, trong bối cảnh NSNN năm 2013 gặp khó khăn, có xu hướng hụt thu lớn, do vậy, việc Chính phủ đề nghị thực hiện thu 50% số còn lại chưa xử lý (khoảng 2.215 tỷ đồng) sẽ góp phần bảo đảm cân đối NSNN, bảo đảm bổ sung thêm nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi đã được đề ra trong trường hợp thu NSNN không đạt dự toán.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho PVN rất quan trọng, tập trung vào các nhiệm vụ, dự án, công trình trên biển đảo, góp phần thực hiện bảo vệ chủ quyền đất nước, nuôi dưỡng nguồn thu từ hoạt động dầu khí. Do đó, đề nghị cân nhắc bố trí để lại cho PVN ít nhất 50% lợi nhuận từ phần được chia cho nước chủ nhà. Theo đó, sẽ bố trí tiếp cho PVN là 2.965 tỷ đồng bằng phương pháp ghi thu - ghi chi để đầu tư, số còn lại 1.465 tỷ đồng tiến hành nộp NSNN để bảo đảm cân đối NSNN năm 2013.
Kiến nghị tỷ lệ chia 75% - 25% từ năm 2013
Có ý kiến đề nghị cần thu toàn bộ số tiền chưa xử lý vào NSNN, vì cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội về NSNN (năm 2012 chi đầu tư trở lại cho PVN là 3.500 tỷ đồng). Hơn nữa, PVN có nhu cầu đầu tư lớn nhưng các chỉ số tài chính hiện hành vẫn khá tốt, đặc biệt là hệ số vốn chủ sở hữu so với nợ (0,45).
Do vậy, PVN vẫn có thể tự huy động vốn (từ nguồn vốn vay) để tiến hành triển khai các dự án đầu tư. Nguồn vốn chưa xử lý trên huy động vào NSNN sẽ giúp Chính phủ giải quyết một phần khó khăn về NSNN của năm 2013.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Bộ Tài chính phải thực hiện Nghị quyết của QH. Trong điều kiện cân đối ngân sách hiện nay, đề nghị phần lãi sau thuế của nước chủ nhà hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước nên đầu tư trở lại thông qua ngân sách để đảm bảo minh bạch về chính sách.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng kiến nghị, cần làm rõ cơ chế ngay từ bây giờ để không vướng năm 2014. PVN khác các đơn vị khác nên muốn thu phải có ý kiến Thủ tướng để dễ thực hiện và PVN biết để đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, khoản lãi Dầu khí là thuộc về ngân sách, vì đây là DNNN lớn, chủ lực. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, phần chia lãi, cứ theo nguyên tắc 50%- 50% để PVN mở mang các công trình dự án lớn. “Giai đoạn từ năm 2006-2011 thực hiện như thế. Nhưng 2012 đến nay thì khác. Ngân sách năm 2014 trở đi lại quyết định để lại PVN 25%- chuyển về ngân sách 75% thì chưa phù hợp với quy định”, ông Lưu cho hay.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ những khó khăn và khối lượng lớn công việc PVN phải gánh vác, như từ làm điều tra, khảo sát, quy hoạch… tất cả các việc mà các ngành khác nhà nước phải bỏ tiền ra làm rồi mới giao DN đấu thầu, trả tiền và làm.
“Nếu muốn giữ là DNNN là chủ đạo thì phải bỏ tiền vào, không có lý đẻ con ra không nuôi mà tự lớn, còn bắt làm anh cả. Chúng ta phải dành một phần thích đáng, coi như nhà nước đầu tư vào đây (PVN) để tái đầu tư. Có thể coi như 2 việc trong 1 tay, ngành Tài chính thu để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách là việc của Chính phủ, PVN kinh doanh có lãi nộp vào ngân sách cũng là việc của Chính phủ.
Cho nên năm 2012, đồng tình với phương án của Chính phủ nêu, còn năm 2013-2014 tỷ lệ có thể theo nguyên tắc Nhà nước 75%- PVN 25%, tuy nhiên cần phải trình xin ý kiến của Bộ Chính trị”, Chủ tịch QH nêu quan điểm.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ không bằng lòng khi “năm nào Thường vụ QH cũng phải bàn việc chia thế nào cho PVN”, cho nên ông đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng một Nghị định quy định chi tiết về cơ chế thu- chi các khoản lãi cho PVN, để từ đó “ngân sách ổn định và PVN cũng ổn định”, theo như cách nói của Chủ tịch QH.
Báo Hải quan