MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếc cho ông Bi!

13-05-2014 - 09:38 AM | Doanh nghiệp

Từ một xí nghiệp nhỏ chuyên sản xuất axit, mì ăn liền và bánh phồng tôm, ông Bi đã cùng với cán bộ công nhân viên đưa Vifon trở thành một đơn vị dẫn đầu cả nước ở lĩnh vực thực phẩm ăn liền.

Ông Nguyễn Bi, nguyên Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty Vifon (Công ty Cổ phần Kĩ Nghệ Thực phẩm Việt Nam) bị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Khi biết tin ông bị tuyên án đến 22 năm tù, rất nhiều người từng biết ông trước đó tỏ ra tiếc nuối. Bởi không thể ngờ một người từng góp phần xây dựng và phát triển một doanh nghiệp nhà nước trở thành một công ty đứng đầu cả nước về chế biến thực phẩm, cuối đời lại lâm vào vòng lao lý…

Ngày 24/3, vừa qua, phiên tòa phúc thẩm được mở nhưng Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn xử vụ án tham ô tại Vifon, vì bị cáo Nguyễn Bi phải nhập viện điều trị căn bệnh tuổi già. Đến ngày 12/5, phiên tòa đã được mở trở lại. Theo dõi vụ án suốt hơn 5 năm qua và ở phiên tòa sơ thẩm với mức án được tuyên như vậy khiến những ai biết ông, từng kề vai sát cánh cùng ông đưa ngành chế biến thực phẩm ăn liền “ra biển lớn” đều cũng có tâm trạng tiếc nuối.

Học Đại học ngành cơ khí ở Tiệp Khắc, ông Bi về nước năm 1974 và nhanh chóng được đề bạt làm Trưởng ngành Cơ khí sửa chữa ở Nhà máy đường 19/5 Sơn tây. Năm 1986, ông được điều về làm Giám đốc Nhà máy Bột ngọt Tân Bình ( tiền thân của Vifon ngày nay ), kiêm Phó Tổng giám đốc XNLH Bột ngọt – Mì ăn liền. Năm 2003, ông là Tổng Giám đốc kiêm luôn vị trí Chủ tịch Công ty cổ phần Vifon nhờ những dấu ấn sâu sắc khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Mì của Vifon chiếm 75% thị phần ở thị trường Slovakia. Năm 2011, trong chuyến đi thăm quốc gia này, ông Nguyễn Bi (bìa phải) được Tổng thống Slovakia Rudolt Schuster tiếp đón

Trong giai đoạn đổi mới đất nước, những người gánh vác nhiệm vụ đứng đầu mỗi đơn vị như ông Bi chịu áp lực rất lớn. Không những phải cố gắng hoàn thành trọng trách được nhân dân giao phó mà còn phải tạo ra nguồn lực để nuôi sống đơn vị, bản thân. Nhưng trong bối cảnh này, đơn vị mà trước khi ông Bi tiếp quản chỉ sản xuất sản phẩm axit và bánh phồng tôm. Đánh giá đúng tình hình và dám đưa ra những ý tưởng táo bạo, ông Bi mạnh dạn liên doanh và đưa công nghệ nước ngoài về nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho sản phẩm chính là mì ăn liền và bột ngọt. 

Ông Nguyễn Bi trong lần đi kiểm tra hệ thống bán hàng của Vifon tại chuỗi siêu thị Auchan tại Cộng hòa Séc

Đầu tiên, ông tổ chức liên kết với Xí nghiệp Lương thực quận 5 sản xuất mì ăn liền. Từ đây mới có mì Miliket, nguồn gốc từ chữ mì “liên kết” mà ra. Mì Miliket sau khi ra đời đã thống trị thị trường trong nước trong thời gian dài, trước khi có các sản phẩm ngoại nhập những năm đầu thế kỉ 21. Được đà thắng lợi, ông liên doanh với nhiều đơn vị khác như với Công ty lương thực Hà nội, mở rộng liên doanh ra Vinh. Rồi liên doanh Ajinomoto, Acecook (Nhật) hay Orsan lần lượt ra đời có lực lượng lao động lên đến hàng nghìn người. Giai đoạn từ khi ông về tiếp quản năm 1986 cho đến năm 2000 được đánh giá là thời kì rực rỡ nhất của Vifon. Hoạt động liên doanh là sáng kiến táo bạo và đem lại thành công lớn cho một doanh nghiệp nhà nước đi đầu như Vifon. Bởi ý tưởng này không chỉ giúp Vifon nâng cao công nghệ sản xuất (từ Nhật Bản), cho ra đời nhiều loại sản phẩm tiên tiến, mà còn có tác dụng huy động vốn hỗ trợ sản xuất trong giai đoạn kinh tế nước nhà còn khó khăn nhiều mặt.

Từ một xí nghiệp nhỏ chỉ có vốn 24 tỉ đồng chuyên sản xuất axit, mì ăn liền và bánh phồng tôm, ông Bi đã cùng với cán bộ công nhân viên đưa Vifon trở thành một đơn vị dẫn đầu cả nước ở lĩnh vực thực phẩm ăn liền. Giai đoạn hoàng kim, thị phần Vifon luôn chiếm khoảng 60-70% toàn thị trường. Không chỉ vậy, sau khi thoái vốn ở các liên doanh, Vifon còn tạo lợi nhuận cho nhà nước 127 tỉ đồng. Nếu so với con số đầu tư, hiệu quả thu về khá cao. Hai liên doanh Ajinomoto và Acecook VN mà Vifon tiên phong hợp tác, hiện tại đã trở thành doanh nghiệp “khủng”, hàng năm đóng góp ngân sách trên 1.000 tỉ đồng/doanh nghiệp, với hơn 10.000 lao động làm việc ổn định tại các nhà máy khắp nước và tiêu thụ một sản lượng lớn hàng nông sản trong nước.

Nhưng thành công ấn tượng nhất của ông Bi là tạo tiếng vang trên thế giới với sản phẩm Phở ăn liền. Vifon đã nhập công nghệ từ Trung Quốc mang về sáng tạo thiết kế cho hoàn thiện với giá thành rẻ và tiếp tục phát triển cho đến ngày hôm nay. Sau nhiều năm không ngừng cải tiến, Vifon đã đưa món quốc hồn quốc túy của Việt Nam là Phở lọt vào danh sách top 10 giải thưởng thực phẩm toàn cầu. Trong đó, Phở Vifon đứng hạng 5 của Giải Thưởng Thực Phẩm Toàn Cầu (Global Food Award).

Nhìn về người tiền nhiệm đáng kính cả mặt “tâm và tầm” này, bà Bùi Phương Mai – Phó Tổng giám đốc Vifon nói: “Tầm nhìn của anh Bi vào thập niên 90 như mở lối thoát cho ngành công nghệ chế biến thực phẩm Việt Nam ra biển lớn, đặc biệt là những sản phẩm đầu tiên ăn liền của Vifon đã trở thành chủ lực tìm đươc thị trường xuất khẩu ra nước ngoài và mang về lượng lớn ngoại tệ cho ngành thương mại. Các thị trường châu Âu, Đông Âu, Mỹ đều có dấu ấn của anh ấy. Tiếng tăm của các sản phẩm Vifon đã không cần chi phí tiếp thị lớn bởi khách hàng chỉ cần nhìn qua hồ sơ, giới thiệu đã đặt hàng mà không cần gặp mặt trực tiếp để chào bán.”

Công lao của ông Bi là khó phủ nhận. Thực tế ấy đã được chứng minh khi ông được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng 3 cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Có người khuyên ông nên làm hồ sơ để được xét nhiều phần thưởng cao quý hơn nữa nhưng ông Bi khiêm tốn nói rằng, “bấy nhiêu đã đủ” cho ông rồi. Ông Nguyễn Văn Chức – Chủ tịch Công đoàn Vifon cho biết, thời điểm tiếp quản Vifon khi ấy đang là một xí nghiệp nhà nước đang đối mặt nguy cơ phá sản do thiếu nguyên liệu, công nghệ lạc hậu…nhưng để giải vây nạn đói cho gần 600 cán bộ công nhân viên, ông Nguyễn Bi đã nghĩ ra cách cứu đói cho anh em bằng việc tăng gia sản xuất và gửi công nhân viên qua các xí nghiệp khác làm việc. Đồng thời, nghĩ đến chuyện cải tiến công nghệ, liên doanh với nước ngoài để tiếp nhận chuyển giao chất xám và biến Vifon thành một đơn vị đứng đầu cả nước trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, không phải chuyện mà ai cũng làm được. Chẳng thế mà khi phiên tòa sơ thẩm tuyên án ông đến 22 năm lao lý, hơn 2.000 công nhân viên Vifon đã cùng nhau kí tên xin giảm án cho ông Bi, đồng thời xin xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các bị cáo trong vụ án này. Nếu ông Bi là một lãnh đạo không có tâm và tầm, liệu có nhiều người đến thế lên tiếng vì ông lúc ông hoạn nạn không?

Ở phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 12/5 này, những người yêu mến ông Bi kỳ vọng vào sự khoan dung, công bằng của pháp luật.

Nguyên Khôi

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên