MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc Tập đoàn CMC: "Thị trường viễn thông cạnh tranh, nhưng thiếu tự do"

26-02-2014 - 10:17 AM | Doanh nghiệp

Trên thực tế chúng ta đã thấy giá cước 3G và chất lượng của nó. Việc tăng giá mà không kèm theo nâng cao chất lượng thì không một người tiêu dùng nào muốn.

Xung quanh đề án tái cơ cấu VNPT vốn được bàn luận nhiều hiện nay, không ít băn khoăn về các doanh nghiệp viễn thông nhỏ và khách hàng, những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đề án nói trên, nếu được triển khai. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trung Chính - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán CMG).

- Ông đánh giá thế nào về thị trường viễn thông hiện nay và tác động của nó đối với các doanh nghiệp viễn thông mới?

Ông Nguyễn Trung Chính: Có ý kiến cho rằng thị trường viễn thông Việt Nam rất cạnh tranh, rất tích cực, nhưng theo quan điểm của tôi còn thiếu chữ “tự do” và chưa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, thể hiện như: các doanh nghiệp lớn có quy mô trên 30% thị phần ỷ vào vị thế thống lĩnh thị trường; cạnh tranh dưới giá thành; vi phạm luật cạnh tranh… Vì vậy nếu chiểu theo luật canh tranh là vi phạm, là thiếu lành mạnh.

Giá cước viễn thông hiện nay của Việt Nam tương đối rẻ, nhưng chưa tuân theo quy luật thị trường. Vậy theo ông, nếu có thị trường cạnh tranh đúng nghĩa về viễn thông, người tiêu dùng có phải chịu mặt bằng giá cao hơn hiện nay?

Ông Nguyễn Trung Chính: Rẻ chưa chắc đã tốt và lành mạnh, nếu rẻ mà chất lượng kém thì là điều không tốt, trong nền kinh tế thị trường không cho phép doanh nghiệp có vị thế độc quyền được quyền bán dưới giá thành mà phải chịu sự quản lý về giá của cơ quan quản lý nhà nước. Trên thực tế chúng ta đã thấy giá cước 3G và chất lượng của nó. Việc tăng giá mà không kèm theo nâng cao chất lượng thì không một người tiêu dùng nào muốn. Khi thị trường cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng luôn là người được hưởng lợi, ai cung cấp được sản phẩm với chất lượng và giá cả tốt nhất cho người tiêu dùng, người đó sẽ chiến thắng, đó là quy luật của kinh tế thị trường.

Theo đề án tái cơ cấu được chờ Thủ tướng chính phủ phê duyệt, ông có cho rằng Mobifone sẽ bị suy yếu khi phải gánh quá nhiều "xương xẩu" của VNPT? Vậy thì khi đó, việc cổ phần hóa Mobifone có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo một thị trường cạnh tranh, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Chính: Nhìn trên lợi ích tổng thể, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong đó có VNPT phải thỏa mãn được các điều kiện: vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân; tuân thủ theo pháp luật Việt Nam và luật chơi quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Việc tái cấu trúc thị trường viễn thông phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, trong đó tôn trọng cạnh tranh tự do và phát triển vì lợi ích của người dân. Với mục tiêu như vậy, việc giảm bớt tỷ lệ % doanh nghiệp nhà nước (hiện chiếm 94%), từng bước xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp (02 doanh nghiệp chiếm 95%) là điều cần tính tới để thị trường ngày một lành mạnh hơn. Việc cổ phần hóa Mobifone hay Vinaphone để đạt được mục tiêu này một cách khả thi, nhanh chóng và hiệu quả thì nên là phương án lựa chọn.

Ông có thể nói rõ hơn về cơ hội đối với CMC và các doanh nghiệp viễn thông nhỏ trước khả năng mở rộng thị trường viễn thông?

Ông Nguyễn Trung Chính: Trong thị trường mà 02 doanh nghiệp nhà nước chiếm 95%

CMC hiện chưa có ý định đầu tư trực tiếp vào mảng thoại không dây, tuy nhiên sự phát triển mạnh mẽ của 4G và những công nghệ di động mới sẽ là xu thế phát triển trong tương lai của Việt Nam...

thì cơ hội hợp tác và phát triển là rất khó khăn. CMC hiện chưa có ý định đầu tư trực tiếp vào mảng thoại không dây, tuy nhiên sự phát triển mạnh mẽ của 4G và những công nghệ di động mới sẽ là xu thế phát triển trong tương lai của Việt Nam và thế giới, khi đó các doanh nghiệp như CMC hoàn toàn có đủ điều kiện, khả năng và cơ hội tham gia vào các cuộc chơi này. Vì vậy một môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ là điểm tựa để cho các doanh nghiệp CNTT bình đẳng tham gia đầu tư và phát triển.

Ông có thể cho biết thành quả bước đầu của việc sáp nhập CMC TI và CMC Telecom? CMC tính toán như thế nào để tránh lâm vào vết xe đổ của một số doanh nghiệp trước như HT mobile, Gtel, Beeline...

Ông Nguyễn Trung Chính: Việc cấu trúc lại doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông của chúng tôi – CMC, đã thu được kết quả hết sức tích cực, tăng trưởng 40% so với trước khi tái cấu trúc. Chúng tôi đã trở thành công ty viễn thông có hạ tầng Internet đứng thứ 4 trên thị trường, đồng thời đã sử dụng được sức mạnh cạnh tranh cốt lõi của toàn Tập đoàn công nghệ CMC – với nhiều giải pháp công nghệ, nhất là trong lĩnh vực phần mềm, tích hợp và nội dung số. Chính vì vậy, không chỉ lĩnh vực viễn thông có mức tăng trưởng cao mà lĩnh vực tin học truyền thống của Tập đoàn cũng vì thế mà phát triển mạnh mẽ và vững chắc.

[Xem thêm: Tái cơ cấu VNPT, những vấn đề còn bỏ ngỏ]

Minh Thư (thực hiện)

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên