Trao quyền tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá: Doanh nghiệp lo nhiều, mừng ít
Từ trước đến nay, các doanh nghiệp đã quá quen với việc tuân thủ từ những quy định của các cơ quan cấp bộ, ngành đưa ra chứ chưa bao giờ tự mình đưa ra các quy định cho bản thân.
- 24-04-2015Thép không gỉ nhập khẩu là hàng rủi ro về xuất xứ
- 27-11-2014Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
- 01-11-2014Nấm Trung Quốc sao ghi ‘xuất xứ Việt Nam’?
Doanh nghiệp sẽ thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ ngày 5/10 tới đây trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, theo Thông tư số 28/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp đang ở tâm thế nào khi được "trao quyền" chủ động này?
Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là việc doanh nghiệp được "quyền" tự khai trên hóa đơn thương mại của chính mình, thay cho chứng nhận C/O mẫu D từ cơ quan chức năng cấp như trước đây. Thoạt nhìn sẽ thấy cơ chế thí điểm nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nội địa khi xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn từ doanh nghiệp.
Mừng có mừng, lo vẫn lo
Với nhiều điểm yếu, bất lợi được bộc lộ trong thời gian qua trước ngưỡng hội nhập từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), không phải doanh nghiệp nào cũng lạc quan đón nhận cái quyền chủ động này. Bởi vì lo ngại sẽ đối mặt với rủi ro nếu việc công bố thông tin tự chứng nhận sai, không đúng sự thật, dẫn đến khả năng cơ quan hải quan các nước nhập khẩu có thể trả hàng, từ chối nhập khẩu, hoặc bị phạt nặng.
Đó là chưa kể từ trước đến nay, các doanh nghiệp đã quá quen với việc tuân thủ từ những quy định của các cơ quan cấp bộ, ngành đưa ra chứ chưa bao giờ tự mình đưa ra các quy định cho bản thân.
Thông tư số 28/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương được ban hành cuối tháng 8/2015 cho thấy sẽ tập trung vào các quy định thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giữa các nước thành viên Bản ghi nhớ về dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ mà Việt Nam tham gia, bao gồm: Lào, Philippines, Indonesia, Thái Lan.
Theo quy định của Bản ghi nhớ, Bộ Công Thương xác định các tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ: Thứ nhất là nhà sản xuất đồng thời là người xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất. Thứ hai là không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký. Thứ ba, kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD. Thứ tư, có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp.
Nhìn vào các quy định trên, có thể thấy không ít doanh nghiệp làm ăn không chân chính sẽ khó đáp ứng được. Bởi thực tế có những doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất mà chỉ mang sản phẩm từ nước ngoài vào, bóc nhãn mác sau đó dán mác sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu sang nước khác.
Với loại doanh nghiệp kiểu này sẽ phải đối mặt với lực lượng hải quan khi đến kiểm tra doanh nghiệp về số lượng lao động, thiết bị dây chuyền, qua đó sẽ phát hiện doanh nghiệp có sản xuất hay chỉ đưa hàng hóa vào Việt Nam rồi xin xuất xứ để xuất khẩu.
Một vấn đề cũng đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp hiện nay là giấy chứng nhận doanh nghiệp đủ điều kiện xuất xứ hàng hóa có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định như: không đủ khả năng cung cấp sự đảm bảo về xuất xứ hàng hóa; lạm dụng sự ủy quyền tự cấp giấy chứng nhận; gian lận xuất xứ hàng hóa… Nếu vi phạm các quy định này, ngoài việc bị thu hồi giấy phép đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự nếu nghiêm trọng.
Ngoài ra, theo bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại VCCI, cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn chưa thực sự sẵn sàng đối với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Qua khảo sát, các doanh nghiệp cảm thấy lo lắng là do nhận thức về quy tắc xuất xứ hàng hoá chưa đầy đủ, họ vẫn cần sự hướng dẫn của các cơ quan, các bộ, các ngành về vấn đề này.
Còn theo ông Vương Đức Anh thuộc Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), vì đây là dự án thí điểm nên doanh nghiệp vẫn chần chừ do lo ngại rủi ro có thể bị cơ quan hải quan từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan.
Bà Lê Thị Hồng Ngọc, Phó trưởng phòng Cục Giám sát quản lý, Tổng Cục Hải quan, cũng cảnh báo rằng, bên cạnh việc tự chứng nhận xuất xứ giúp doanh nghiệp linh hoạt, cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí hành chính, có những rủi ro là doanh nghiệp có thể bị phạt nếu tuyên bố sai về xuất xứ hàng hoá do mắc lỗi, hiểu biết không đầy đủ quy tắc xuất xứ, hay cố ý gian lận.
"Tập dượt" cho hội nhập
Nhận định về động thái thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây chính là bước "tập dượt" quan trọng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính muốn khơi thông xuất khẩu khi các hiệp định thương mại có hiệu lực. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải nắm rõ được "quyền" chủ động tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá của mình và sớm tận dụng.
Thế nhưng, đến giờ các doanh nghiệp trong nước cũng còn rất lơ mơ về thông tin các nội dung về tự chứng nhận xuất xứ, theo khảo sát sơ bộ trong khi các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là từ khu vực ASEAN từ lâu đã quá quen thuộc. Sự lơ mơ của doanh nghiệp rõ ràng là có lỗi của các cơ quan chức năng khi yếu từ khâu được cung cấp thông tin, chưa thực sự nhiệt tình giúp doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho cơ chế mới này.
Doanh nghiệp sẽ thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ ngày 5/10
Theo VCCI, hệ thống tự chứng nhận xuất xứ là mới đối với Việt Nam nhưng đã trở nên khá phổ biến trên thế giới. Với việc một loạt các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán với các đối tác đều sử dụng cơ chế này, trong tương lai, khả năng lớn là nó sẽ được áp dụng tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động ngay từ bây giờ để tìm hiểu về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nhằm có những sự chuẩn bị cần thiết cho việc tận dụng các FTA này một khi được ký kết.
Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, cho biết: "Trong cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN, chỉ một số nhà xuất khẩu được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra đủ điều kiện mới được tự chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, trong một số FTA sắp áp dụng như TPP thì không có cơ chế tương tự như ASEAN, do đó cơ quan hải quan phải tăng cường kiểm tra và đánh giá rủi ro, đưa ra đối tượng trọng điểm cần kiểm tra".
Từ thực tế trên, có thể thấy doanh nghiệp còn nhiều rất nhiều việc phải điều chỉnh, củng cố quy trình sản xuất và quy tắc xuất xứ theo "luật chơi" mới của "cái quyền" tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá.
Bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại VCCI
-------------------------------
Đứng trước thềm việc doanh nghiệp được trao quyền tự chứng nhận xuất xứ, tôi có cảm nhận doanh nghiệp vẫn chưa thực sự sẵn sàng đối với cơ chế này. Chúng ta cần phải tuyên truyền hơn nữa tới các doanh nghiệp để họ có nhận thức đầy đủ và sâu rộng hơn về quy tắc xuất xứ hàng hoá.
Thời báo kinh doanh