MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Trực tiếp] ĐHCĐ MCG: Rất tiếc khi phải bán Thủy điện Văn Chấn, nhưng...

14-03-2015 - 12:06 PM | Doanh nghiệp

Các công ty như REE cũng đang đi thâu tóm các DN điện, chúng tôi cũng bám theo đó mà thoái vốn với mục tiêu có tiền. Khó khăn thì phải làm vậy chứ chúng tôi cũng vô cùng tiếc khi bán đi đứa con tâm huyết của mình.

Ngày 14/03/2015, CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (mã: MCG) tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2015.

KQKD 2014 giảm nhẹ do....chiến lược thận trọng

Theo báo cáo của Hội đồng quản trị và Ban điều hành, năm 2014, MCG đạt 1.199,4 tỷ đồng tổng doanh thu  - giảm 7,89% so với năm 2013 và lợi nhuận sau thuế đạt gần 38,4 tỷ đồng – giảm 7,1%.

Lý giải cho sự sụt giảm bày, Ban điều hành cho biết, trong năm 2014, lĩnh vực bất động sản và xây dựng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên MCG đã lựa chọn chiến lược thận trọng, bảo toàn vốn và tập trung vào giải quyết các dự án dở dang còn đang tồn tại.

Bên cạnh đó, một số đối tác như CTCP Đầu tư HD, CTCP Thủy điện Bình Điền, Tổng 4, Công ty Bitexco Nho Quế không có thiến chí thanh toán các khoản công nợ và công ty chưa có biện pháp hữu hiệu để thu hồi công nợ.

Ngoài ra, Ngân hàng đã thắt chặt và cắt giảm hạn mức tín dụng tăng tài sản thế chấp dẫn đến mất cân đối nguồn vốn và kế hoạch tài chính của công ty không đáp ứng kịp.

Năm 2015, doanh thu kế hoạch mảng xây lắp tăng 133%

Năm 2015, MCG đặt kế hoạch doanh thu thận trọng hơn với 846,8 tỷ đồng – giảm 29,75% so với năm 2014, trong đó kinh doanh bất động sản là mảng chính với 284,4 tỷ nhưng con số này chỉ bằng 43,73% doanh thu bất động sản năm 2014. Doanh thu xây lắp kế hoạch là 280,2 tỷ - tăng 132% so với năm 2014 và doanh thu kinh doanh thương mại dịch vụ là 230 tỷ đồng – giảm 45,3%.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế kế hoạch tăng nhẹ 3,5% so với năm 2014, được dự kiến là gần 40 tỷ đồng.

Để thực hiện kế hoạch này, năm 2015, Ban lãnh đạo của MCG cho biết sẽ tập trung điều hành thi công đúng tiến độ công trình hồ chứa nước Bản Mòng (Sơn La) với giá trị ước tính 42 tỷ đồng; Hồ chứa nước Iamor (Gia Lai) với giá trị sản lượng ước tính 45 tỷ đồng; Dự án thủy điện Nậm Hóa 1 (sản lượng ước tính 75 tỷ đồng); Dự án nhà Đồng Phát – Hoàng Mai (Giá trị sản lượng ước tính 100 tỷ đồng).

Công ty cũng tập trung hoàn thành dự án thủy điện Nậm Hóa 2 công suất 8MW phát điện thương mại trong thời gian sớm nhất để thu hồi vốn đầu tư và tiến hành thực hiện dự án thủy điện Nậm Hóa 1 đúng tiến độ để nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Các dư án bất động sản, thủy điện như Dương Nội, Long Hưng, Khánh Khê – Lạng Sơn, Suối Choang – Nghệ An được tiếp tục thu xếp vốn triển khai. Còn các dự án đã hoàn thành phát điện như thủy điện Văn Chấn sẽ được khai thác và có thể thoái vốn.

Đối với Dự án Khu nhà ở và văn phòng 102 Trường Chinh, Ban lãnh đạo của MCG tập trung chỉ đạo hoàn thành toàn bộ dự án và vận hành khai thác khu thương mại dịch vụ đúng tiến độ.

Phát hành 30 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ

Năm 2015, MCG có kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp để bổ sung vốn điều lệ thêm 300 tỷ đồng. Lượng vốn này được sử dụng để đầu tư dự án Thủy điện Nậm Hóa 1 (có tổng mức đầu tư 601,9 tỷ đồng, sử dụng 180 tỷ từ vốn huy động từ phát hành thêm) và dự án Khu đô thị Long Hưng Văn Giang (tổng mức đầu tư 840,6 tỷ đồng, sử dụng 126 tỷ đồng từ vốn huy động phát hành thêm).

Một phương án khác, Ban lãnh đạo dự kiến tăng vốn điều lệ bằng phát hành riêng lẻ.

Tại đại hội, HĐQT trình ĐHCĐ thông qua việc xử lý lỗ lũy kế bằng nguồn vốn thặng dư vốn cổ phần và lựa chọn thời điểm bán cổ phiếu quỹ không thấp hơn 8.000 đồng/cp. Theo báo cáo tài chính năm 2014 (chưa kiểm toán), tính đến thời điểm 31/12/2014, MCG đang có thặng dư vốn gần 33 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2,6 tỷ đồng. Cuối năm 2013, công ty có thặng dư vốn 169,3 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 172 tỷ.

MCG đang nắm 5.460.000 cổ phiếu quỹ với giá trị sổ sách 73,4 tỷ đồng. Giá đóng cửa cổ phiếu MCG ngày 13/03 là 6.600 đồng.

Thảo luận:

1. Trong BCTC năm 2014, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 2,6 tỷ. Tại sao đầu năm còn lỗ lũy kế 179 tỷ mà cuối năm có lãi? Sử dụng phương pháp hạch toán nào?

Trả lời: việc hạch toán không còn lỗ lũy kế là sử dụng thặng dư vốn để bù đắp. Hướng dẫn của Bộ tài chính cho phép sử dụng phương pháp này.

2. Ý định thoái vốn thủy điện Văn Chấn, nếu được thì có lãi nhiều không?

3 năm liền, các cổ đông đều có định hướng giữ “con tàu” của MCG khỏe lại, không thể để mất, tức là bán hết những gì có thể để giữ lại MCG và làm lại từ đầu. Trong 3 năm đó, MCG đã “dò dẫm” đi và đến nay, khi nói bán, tức là người mua muốn mua giá bao nhiêu, chúng ta phải bán giá bấy nhiêu. Nhưng được sự ủng hộ của ngân hàng cùng điều kiện vĩ mô cải thiện, có thể khẳng định MCG đã vượt qua được khó khăn, hết lỗ lũy kế. Nếu hôm nay thông qua các chỉ tiêu này, cuối năm có thể trả cổ tức 5%.

Mảnh đất 102 Trường Chinh là của MCG, không phải đi thuê nữa. Nhà đã được bàn giao cho người mua.

Nhiều năm định hướng phát triển hoạt động cốt lõi là cơ điện và thương mại, cách đây 5 năm đã chọn giải pháp có được 500MW năng lượng điện để có hàng hóa kinh doanh. Đó là ngành nghề lõi. Các địa điêm MCG đầu tư được đánh giá rất tốt. Nhưng giờ Thủy điện Văn Chấn năm nay là năm đầu tiên kinh doanh trọn vẹn, lãi 39 tỷ. Không những trả được nợ vay, đảm bảo thu hồi vốn mà còn có lợi nhuận chia về cho MCG là 50%.

Những năm trước, đúng là chúng ta đã “tham lam”, đầu tư dàn trải và một số dư án phải dừng lại để tập trung cho các dự án trọng điểm như 102 Trường Chinh và Văn Chấn. Còn dự án 100ha ở Hưng Yên đã “ném” vào lượng tiền đáng kể nhưng phải giữ được nó và hưởng thành quả trong vài năm nữa. Sự đầu tư của Vingroup ở khu vực này, sự phát triển cơ cấu hạ tầng nằm trong vành đai 3 và 4 của Hà Nội, và đặc biệt là việc Chính phủ đã khẳng định sẽ xây dựng thành phố ven sông Hồng, thì mặc dù nằm trong Hưng yên nhưng tương lai của dự án rất triển vọng.

2 dự án thủy điện ở Lạng Sơn và Nghệ An phải dừng lại, đã bỏ lượng vốn khá nhiều nhưng giờ phải vận hành để nó hoạt động như Văn Chấn.

Để thực hiện việc đó, phải chọn giải pháp tăng vốn. Trước đây không được phát hành tăng vốn dưới mệnh giá nhưng nay đã được thông qua.

Nhiều năm nay vẫn nói bán nhưng là những sản phẩm chưa hoàn thiện, còn năm nay, sản phẩm đã khác rồi. Chúng ta được quyền lựa chọn. Khi quyết định bán, chúng tôi vẫn phải đảm bảo tinh thần bán sao cho có hiệu quả nhất.

Trên thị trường điện, giá cổ phiếu DN thủy điện đều trên mệnh giá. Thủy điện Thác Bà, so với thủy điện Văn Chấn tất nhiên là có nhiều lợi thế hơn nhưng cũng đang có giá là 26.000 đồng. Các công ty như REE cũng đang đi thâu tóm các DN điện, chúng tôi cũng bám theo đó mà thoái vốn với mục tiêu có tiền. Khó khăn thì phải làm vậy chứ chúng tôi cũng vô cùng tiếc khi bán đi đứa con tâm huyết của mình.

3. Hàng tồn kho lớn và chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Cụ thể là gì?

Chủ tịch HĐQT: Hàng tồn kho chính là giá trị khối văn phòng, thương mại của dự án 102 Trường Chinh do chưa quyết toán.

Kiểm toán: Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chủ yếu là của dự án 102 Trường Chinh. MCG đã khai thác một phần trong năm 2014, còn phần lớn chưa đưa vào quyết toán.

4. Chi phí dự phòng tài chính lớn?

Kiểm toán: Chi phí quản lý năm nay tăng lên nhưng có thể thấy chi phí lương, khấu hao, chi phí chung không biến động so với năm trước. Còn chi phí dự phòng của các công trình thủy điện khó thu hồi như Sông Tranh… phải trích thêm nên đã dẫn đến sự tăng lên của khoản này.

Chủ tịch HĐQT: MCG vốn vẫn được ưu ái về lãi suất, với báo cáo tài chính năm nay, công ty sẽ trở lại hạng A trong bảng xếp hạng tín dụng và sẽ được Vietcombank cho vay với lãi suất thấp nhất có thể.

Bảo Ngọc

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên