MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyển dụng nhân sự cấp cao tại các Doanh nghiệp FDI, đâu là rào cản?

04-11-2015 - 08:38 AM | Doanh nghiệp

Một dấu hiệu đáng quan tâm đó là trình độ Tiếng Anh của nhân sự Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Tiếng Anh vẫn là một trở ngại lớn đối với nhân sự quản lý người Việt.

41% người tham gia khảo sát của Navigos Search cho biết trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho Doanh nghiệp mình. Đây không chỉ là bài toán khó ở riêng Việt Nam, mà tình trạng tương tự cũng đã xảy ra tại 2 nước láng giềng Thái Lan và Singapore. Thậm chí ở 2 nước nói trên, tỷ lệ gặp khó khăn đều vượt 50%.

Giữ nhân sự cấp cao còn khó gấp bội, trước sự cạnh tranh gay gắt về mức lương, thưởng từ các công ty “đối thủ”. 56% ý kiến cho rằng họ gặp khó khăn trong việc giữ chân các nhân tài (phải rất khó khăn) mới tuyển dụng được. Tại Thái Lan và Singapore, tỷ lệ cạnh tranh còn gay gắt hơn khi tỷ lệ nói trên lần lượt ở mức 84% và 82%.

Khảo sát được Navigos Search thực hiện về “Những thách thức trong việc tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”. Trước đó, Tập đoàn mẹ của Navigos đã thực hiện các khảo sát tương tự tại Thái Lan, Singapore và Nhật Bản.

Một dấu hiệu đáng quan tâm nữa đó là trình độ Tiếng Anh của nhân sự Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Tiếng Anh vẫn là một trở ngại lớn đối với nhân sự quản lý người Việt.

Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn phải đưa tiếng Anh vào trong Top 3 các yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định nhân sự cấp trung và cấp cao. 31% số người được hỏi cho rằng tiếng Anh là một yếu tố quan trọng đối với quyết định tuyển dụng. Trong 4 nước được khảo sát (Nhật, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) thì Việt Nam là nước duy nhất “coi trọng” tiếng Anh đến vậy – do nhân sự các quốc gia còn lại coi tiếng Anh là một kỹ năng hiển nhiên.

Các điểm hạn chế tương đồng giữa Việt Nam, Thái Lan và Singapore là Tính trung thành với công ty và Khả năng sáng tạo. Trong khi đó, riêng nhân sự Nhật Bản lại có điểm hạn chế là Khả năng thích ứng với sự thay đổi.

Điểm sáng nhân sự Việt

Trong 4 quốc gia được khảo sát, khi được hỏi về các kỹ năng còn thiếu của đội ngũ quản lý, rất đáng mừng, nhân sự cấp cao Việt Nam tỏ ra có lợi thế hơn về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo và mức độ phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Với 3 chỉ tiêu nói trên, lần lượt chỉ có 29%, 22% và 19% số người được hỏi cho rằng nhân sự cấp cao người Việt còn thiếu. Đơn cử, tỷ lệ tương đương ở Thái lan lần lượt là 64%, 50% và 34% - cao hơn rất nhiều.

Tương tự, khi được hỏi về những thách thức khi quyết định tuyển dụng nhân sự cấp cao, ở Việt Nam, 3 chỉ tiêu được nhắc đến là Kinh nghiệm, Tiếng Anh và sự thích nghi văn hóa. Trong đó 3 nước còn lại luôn nổi cộm thách thức về kỹ năng lãnh đạo. Riêng ở Nhật bản, tiêu chí được coi là “khó nhằn” là Kỹ năng giải quyết vấn đề.

Các điểm mạnh tương đồng giữa nhân sự cấp cao Việt Nam và Singapore là Khả năng sẵn sang học hỏi và Làm việc chăm chỉ. Trong khi Nhật Bản, Thái Lan và Singapore có điểm mạnh tương đồng là Kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng liên quan đến kỹ thuật. Đây là điểm mạnh chưa được đánh giá cao ở nhân sự Việt.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên