MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

UberX vs Grab “Taxi siêu rẻ”: Gió ở Hà Nội có đổi chiều?

28-09-2015 - 15:54 PM | Doanh nghiệp

Tung ra mô hình “Taxi siêu rẻ” tại Hà Nội, GrabTaxi không che dấu ý đồ cạnh tranh trực tiếp với UberX về phân khúc khách hàng. Quan trọng hơn, việc sao chép cả hình thức hỗ trợ đang khiến cánh lái xe bỏ UberX về đầu quân cho GrabTaxi.

Thời gian qua, không dễ để tìm kiếm được một chiếc UberX tại Hà Nội, dù ngay ở khu vực trung tâm. Đặc biệt trong giờ cao điểm, khách hàng thường xuyên nhận được thông báo cho biết nhu cầu quá lớn nên không có xe phục vụ.

Có phải lượng khách hàng sử dụng UberX đang gia tăng đột biến? Câu trả lời có thể là không. Hữu Nghiệp, một tài xế UberX chia sẻ, nguyên nhân có thể đến từ việc cánh tài xế đang ồ ạt chuyển từ mô hình UberX sang Taxi siêu rẻ của GrabTaxi.

Được GrabTaxi triển khai thử nghiệm vào tháng 5 tại Hà Nội và mới ra mắt được một thời gian, “Taxi siêu rẻ” của GrabTaxi về cơ bản không khác gì UberX. Chi phí cho quãng đường trung bình chỉ 6.000 đồng/km, sử dụng loại xe 4 chỗ giá rẻ như Kia morning, huyndai i10, Toyota Vios,... Thậm chí GrabTaxi còn có phần tiện lợi hơn khi cho phép khách hàng thanh toán bằng tiền mặt (Uber mới chỉ tích hợp tính năng này gần đây).

Xe “Taxi siêu rẻ” cũng không có biển hiệu, nhãn hiệu gì. Nếu gọi xe ở ngoài, hoàn toàn không có sự khác biệt giữa UberX và Taxi siêu rẻ.

Về phía người dùng cuối, hai mô hình này là tương đương về hình thức và giá cả. Tuy nhiên, GrabTaxi lại đang cạnh tranh với UberX rất mạnh theo cách "ngầm" bên trong: Lôi kéo tài xế của UberX chuyển sang lái cho “Taxi siêu rẻ”.

Giới tài xế cho biết, “Taxi siêu rẻ” cũng bắt chước UberX cả về hình thức khuyến mãi, chẳng hạn như hỗ trợ cho tài xế 40.000 đồng cho mỗi chuyến xe, bất kể quãng đường dài hay ngắn.

“Trong khi đó, Uber giờ đã bỏ hình thức khuyến mãi này và chỉ hỗ trợ cho tài xế các chuyến xe trong giờ cao điểm. Vì vậy, không lạ khi nhiều người bỏ UberX để sang đầu quân cho Taxi siêu rẻ”, anh Nghiệp cho biết.

Có thể thấy chiến lược của GrabTaxi rất khôn ngoan. Sau khi Uber bỏ ra cả đống tiền để chạy chương trình khuyến mãi và lôi kéo được một lượng tài xế nhất định, GrabTaxi chỉ cần đến sau và lặp lại mô hình tương tự là đã thu hút được nhân lực về với mình. Những tài xế UberX cũng đã làm quen với mô hình của Uber nên tiếp cận với GrabTaxi dễ dàng.

Riêng với GrabTaxi, việc triển khai mô hình “Taxi siêu rẻ” cũng gây ra hậu quả tiêu cực khi làm mất lòng tin của các đối tác là hãng Taxi truyền thống ở Hà Nội. Không có gì lạ khi tháng 8 vừa rồi, các hãng taxi đồng loạt cấm tài xế của mình cài đặt ứng dụng này. Lý do được các hãng xe đưa ra đó là “GrabTaxi đưa những xe không nhãn mác, không biển hiệu vào làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của các hãng taxi truyền thống”.

Bên cạnh lý do sợ mất thương hiệu, dễ thấy đó là mức ước 6.000 đồng/km của Taxi siêu rẻ thấp hơn nhiều so với các hãng xe khác. Nếu mô hình này trở nên phổ biến các hãng taxi truyền thống sẽ gặp áp lực lớn về giá cước.

Việc tài xế Uber nhanh chóng chạy sang GrabTaxi sau khi nhận được nhiều ưu đãi hơn cũng cho thấy mô hình đi xe này rất dễ dàng để sao chép và sự kém trung thành của những tài xế lái xe. Yếu tố duy nhất lôi kéo cánh tài xế đó là sự hỗ trợ rất lớn của những ứng dụng này, và họ sẵn sàng ra đi khi có nơi khác đưa ra hỗ trợ cao hơn. Hay nói cách khác, cánh tài xế không tìm kiếm lợi ích lâu dài tại Uber hay GrabTaxi.

Dù quảng bá mô hình của mình mang lại những giá trị bền vững cho người dùng lẫn xã hội, nhưng thực tế cho thấy giá trị cả Uber lẫn GrabTaxi mang lại không đủ để níu chân các tài xế - những người lao động trực tiếp cho mình.

Tất nhiên, việc "hút máu" nhân lực của đối thủ là câu chuyện bất kỳ ngành nào cũng có, và các DN luôn phải đối mặt với điều này khi thị trường bất ngờ xuất hiện một DN lớn tiềm lực dồi dào.

Thế nhưng ngoài thu nhập, không có giá trị gì nhiều mà Uber có thể mang lại cho người lao động. Mô hình của Uber không tạo ra sự gắn kết nhiều với tài xế (vì Uber không xem tài xế là những nhân viên chính thức của mình - họ không trả phí, thuế, đóng tiền bảo hiểm,... cho lái xe).

Không có gì bảo đảm trong tương lai, nếu có một Uber hay GrabTaxi “phẩy” đến Việt Nam và triển khai một chiến lược tương tự, những người lái xe không lũ lượt chuyển sang.

Theo Trang Lam

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

Trở lên trên