MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Vedan muốn được “bảo vệ”?

25-08-2015 - 15:06 PM | Doanh nghiệp

Công ty Vedan thấy rằng mặt hàng mì chính từ Trung Quốc thậm chí Indonesia đang được nhập khẩu rất nhiều về Việt Nam do đó muốn áp dụng biện pháp tự vệ, bà Phạm Châu Giang, Trưởng Phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết.

Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh đã nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu (nhóm hàng hoá bột ngọt hay còn gọi là mì chính và các sản phẩm tương đương có mã HS 2922.4220) của CTCP hữu hạn Vedan Việt Nam.

Để phục vụ quá trình xem xét và đánh giá hồ sơ vụ việc trước khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ra Quyết định điều tra, Cục này đề nghị các doanh nghiệp sản xuất trong nước cung cấp các thông tin về tổng sản lượng sản xuất mặt hàng mì chính.

Đồng thời, Cục cũng đề nghị các doanh nghiệp cho ý kiến về quyết định việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối này, đồng ý hay phản đối hay không có ý kiến đối với vụ việc.

Trao đổi với chúng tôi,bên lề cuộc Tọa đàm "Xử lý và sử dụng hiệu quả các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại trong khi doanh thời hội nhập" do Công ty Luật SMiC phối hợp với Trade Remedies Consulting tổ chức, bà Giang cho biết, Công ty Vedan cho rằng mặt hàng mì chính từ Trung Quốc, thậm chí Indonesia nhập khẩu về Việt Nam nhiều nên muốn áp dụng biện pháp tự vệ.

"Theo quy định để có thể đưa ra quyết định điều tra đối với các mặt hàng đại diện các bên nộp hồ sơ phải chiếm 25% thị phần sản xuất trở lên. Trong hồ sơ Vedan đã chứng minh trên 25% thị phần tuy nhiên để thẩm tra số liệu của Vedan có đúng hay không Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị các doanh nghiệp sản xuất bột ngọt gửi đơn về và xác minh", bà Giang thông tin.

Cũng theo vị Trưởng phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại, trên thực tế sản xuất mì chính tại Việt Nam có 4 doanh nghiệp lớn là Ajnomoto, Miwon, Aone, Vedan tuy nhiên, Cục vẫn đề phòng có doanh nghiệp nhỏ sản xuất khi nhận được thông tin có thể lên tiếng.

Theo quy định trong WTO, tự vệ thương mại là một trong các biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước trước ảnh hưởng của hàng hoá nước ngoài mà WTO cho phép áp dụng.

Khác với chống bán phá giá, tự vệ thương mại được tiến hành điều tra và áp dụng khi hàng hoá của một quốc gia khác nhập khẩu vào gia tăng một cách đột biến, bất thường. Sự gia tăng lớn ồ ạt về số lượng phải được chứng minh gây thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất trong nước.

Nếu ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại thì mì chính nhập khẩu sẽ bị tăng thuế nhập khẩu lên một mức nhất định.

Theo NGUYỄN THẢO

BizLIVE

Trở lên trên