MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietnam Airlines: Năm 2014 sẽ “lãi khủng” so với năm 2013

12-01-2014 - 19:59 PM | Doanh nghiệp

“Năm 2014, Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn nhiều so với năm 2013 dù được xác định là năm nhiều khó khăn” – theo báo cáo vừa được tổng công ty gửi đến bộ Giao thông vận tải.

Lãi từ nguồn… “thu nhập bất thường”

Theo đó, mục tiêu lợi nhuận năm nay của Vietnam Airlines (VNA) sẽ tăng gần 240% so với năm 2013, với lợi nhuận hợp nhất lên tới 969,2 tỉ đồng, trong đó, công ty mẹ lãi 335,4 tỉ đồng, lãi dự kiến của công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) là 31 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, nếu nhìn vào con số (mục tiêu) lợi nhuận năm nay của công ty mẹ (là 335,4 tỉ đồng) thì có thể nói nó “không thật sự khủng” với một đơn vị chủ lực trong ngành hàng không nước nhà. “Số lãi dự kiến nói trên lại không phải là quá lớn nếu đem so với con số doanh thu (dự kiến) năm 2014 là hơn 57.000 tỉ đồng của tổng công ty”, chuyên gia này nhận định.

Vậy nhưng, đặt con số này bên cạnh số lãi thực tế của Vietnam Airlines năm 2013 và năm 2012 thì thấy rõ nó đã tiến theo cấp số nhân. Cụ thể, năm 2012 công ty mẹ VNA lãi xấp xỉ 70 tỉ đồng (tăng 239% năm 2011), năm 2013 lãi 140 tỉ đồng, gấp đôi con số của năm trước.

Để đạt được con số lãi theo kế hoạch đề ra nói trên, VNA tính toán phải thực hiện được song song hai mục tiêu: tăng thu và giảm chi phí. Song, không thể không kể đến một khoản lãi rất đáng chú ý mà VNA thừa nhận là những “khoản thu nhập bất thường” như nguồn thu về từ bán thanh lý hai máy bay Forker70 (dự kiến thu 90 tỉ đồng) và sử dụng khoản 18 triệu USD hỗ trợ tín dụng đến từ Airbus.

Trở lại với khoản lãi từ tiết kiệm chi phí, VNA tính toán với việc tiếp tục áp dụng các biện pháp tiết kiệm đã thực hiện trong năm 2012 và 2013 như chi phí quản lý, chi phí khai thác, cộng với việc tiết kiệm từ đẩy mạnh bán hàng online trong năm nay, tiết kiệm nhiên liệu bay thì tổng công ty sẽ tiết kiệm thêm được được 146 tỉ đồng (năm 2013 đã tiết kiệm được 571 tỉ đồng). Cùng với đó, VNA mong muốn việc chủ động điều hành sản phẩm như duy trì hệ số sử dụng cao, tăng chuyến trong các giai đoạn cao điểm thị trường và tăng cường hoạt động thuê chuyến sẽ đem lại nguồn lợi đáng kể cho mình.

Trong một năm mà chính VNA thừa nhận “nhiều khó khăn”, nhất là thị trường nội địa bị cạnh tranh khốc liệt thì mục tiêu trên của VNA gặp không ít thách thức. Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, dự kiến trong năm 2014 Vietnam Airlines sẽ hoàn thành IPO trong nước và bán cổ phần ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại tổng công ty trong vòng ba tháng sau khi phương án cổ phần hoá được phê duyệt, tiếp đó là kế hoạch xây dựng xong tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng được quyết tâm hoàn tất trong nửa cuối năm 2014, trước khi chính thức tiến hành bán cổ phần cho các đối tác thì mục tiêu lãi ấn tượng nói trên là hoàn toàn dễ hiểu!

“Mục tiêu này (đạt được mức lợi nhuận kế hoạch năm 2014) có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch cổ phần hoá của tổng công ty”, chủ tịch hội đồng thành viên VNA, ông Phạm Viết Thanh cũng thừa nhận.

Vẫn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp

Theo đề án tái cơ cấu được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2013 thì chậm nhất là đến hết năm 2015, Vietnam Airlines sẽ hoàn thành việc thoái vốn ra ngoài doanh nghiệp tại mười đầu mối mà VNA đã đầu tư. Riêng trong năm 2013, VNA đã hoàn thành thoái vốn khỏi ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), thu về gần 370 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo VNA, năm 2013 vừa qua, vẫn có gần 528 tỉ đồng tiếp tục được đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Nếu đem so với tổng số tiền đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng trong năm qua của tổng công ty thì con số này bằng khoảng 6,5%. Trong năm 2014, VNA cho hay kế hoạch đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tăng lên gần 40 tỉ, ở mức 577 tỉ đồng (trong tổng số tiền đầu tư hơn 9.800 tỉ đồng). Nếu so về tỷ lệ phần trăm trên tổng đầu tư thì đã giảm (từ 6,5% xuống 5,7%), nhưng theo VNA, con số này vẫn tăng 8,9% so với ước thực hiện kế hoạch đầu tư (ngoài doanh nghiệp) năm 2013.

Dẫu vậy, song song với đó, trong năm 2014, VNA cũng tiếp tục thực hiện thoái vốn tại tổng công ty cổ phần Bảo Minh, công ty Giao nhận kho vận hàng không, công ty cổ phần Cung ứng dịch vụ hàng không, France Telecom… và khoản thu về từ nguồn này dự kiến khoảng 104 tỉ đồng.

Không cổ phần hoá đúng tiến độ, lãnh đạo phải chịu kỷ luật

Tại buổi tổng kết ngày 9.1 của bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhắc nhở VNA kiên quyết thực hiện thoái vốn ngoài ngành, quyết liệt cổ phần hoá xong trong năm 2014. “Nếu không lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu kỷ luật”, Thủ tướng nói.

Còn bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng thì nói thẳng: “Nếu không hoàn thành đúng tiến độ cổ phần hoá, lãnh đạo “phải đi làm việc khác”!


Theo Chí Hiếu

thanhhuong

Sài gòn Tiếp thị

Trở lên trên