MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VNH: Ông Nguyễn Văn Nhựt "cáo ốm', xin từ nhiệm vị trí CEO

03-11-2015 - 06:37 AM | Doanh nghiệp

Từng là cổ đông sáng lập, có thời điểm từng sở hữu 50% vốn tại CTCP Thủy hải sản Việt Nhật sau khi niêm yết, nhưng thời điểm hiện tại ông Nguyễn Văn Nhựt chỉ còn nắm giữ 0,65% vốn điều lệ VNH.

Ngày 31/10/2015, HĐQT Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật (mã VNH-HoSE) đã thông qua việc thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Văn Nhựt.

Nguyên nhân là do ông Nhựt đã có Đơn xin thôi giữ chức Tổng Giám đốc vì lý do sức khỏe.

Ngoài đảm nhận vị trí CEO, ông Nguyễn Văn Nhựt hiện còn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này. Ông Nhựt đồng thời cũng là cổ đông sáng lập và có thời điểm từng sở hữu 50% vốn của công ty này. Nhưng dù ngồi ở vị trí Chủ tịch HĐQT nhưng số cổ phiếu do ông Nhựt hiện nắm giữ chỉ tương đương 0,65% vốn.

VNH được thành lập từ năm 2000 với hoạt động chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu với sản phẩm chủ yếu ban đầu là bạch tuộc ở dạng nguyên liệu đã qua sơ chế. Công ty chính thức niêm yết vào năm 2010 với giá cổ phiếu ngày đầu tiên giao dịch là 19.200 đồng/cổ phiếu. Hơn 6 năm trụ lại trên sàn, giá cổ phiếu VNH hiện chỉ còn loanh quanh ngưỡng 1.100-1.200 đồng/cổ phiếu.

Đi cùng với đó là những biến cố trong hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả kinh doanh không mấy lạc quan khi lỗ lũy kế đến quý III/2015 đã ăn mòn 56% vốn điều lệ.

Lợi nhuận 2 năm sau niêm yết chỉ hoàn thành khoảng 10% kế hoạch năm. Năm 2012, VNH bị lỗ hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân được giải trình là do điều kiện nhập khẩu hàng hóa bị kiểm soát nghiêm ngặt, giá nguyên liệu biến động khiến nhà máy không hoạt động hết công suất, chưa đẩy mạnh được xuất khẩu...

Đến năm 2013, VNH đã phải chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất và tài sản của công ty tọa lạc tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, đồng nghĩa với việc VNH không còn nhà xưởng để sản xuất. Khoản vốn góp tại Đồ hộp Phú Nhật cũng phải thoái, qua đó giúp VNH có lãi năm này.

Năm 2014, VNH lỗ hơn 43 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty này là 80 tỷ đồng. Một trong các nguyên nhân khiến VNH lỗ khủng đến từ việc thực hiện kiểm kê kho nguyên liệu và kho thành phẩm. Việc xử lý hàng kém (mất) phẩm chất khiến VNH ghi nhận tới 35,8 tỷ đồng chi phí.

Tình hình không khả quan hơn trong các quý đầu năm 2015 vì lý do không có đơn hàng xuất khẩu. Như trong quý III, hoạt động sản xuất kinh doanh cảu VNH chỉ đến từ bán nguyên liệu trong nước. Dù doanh thu gần 11 tỷ đồng nhưng lãi gộp từ hoạt động này chỉ vỏn vẹn hơn 77.000 đồng.

Báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2015 cũng bị kiểm toán lưu ý về khả năng hoạt động liên tục. VNH đang vay ngắn và dài hạn hơn 30 tỷ đồng, trong đó công ty có khoản nợ vay 12,5 tỷ đồng quá hạn chưa thanh toán.

Kể từ khi niêm yết, VNH không thực hiện tăng vốn. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông đã xoay chuyển nhiều. Ông Nguyễn Văn Nhựt là cổ đông lớn nhất của VNH từ khi niêm yết với tỷ lệ nắm giữ hơn 50%, năm 2013 ông Nhựt đã thoái đi một nửa số vốn và đến năm 2014 tiếp tục thoái vốn và chỉ còn nắm giữ 0,65% vốn. Những cá nhân liên quan đến ông Nhựt trước đây từng nắm giữ hơn 6% vốn VNH nhưng sau đó cũng đã bán toàn bộ cổ phiếu trong năm 2014 và không còn nằm trong HĐQT VNH.

Hiện VNH không còn cổ đông lớn. Dù có tới 1.132 cổ đông nhưng ngày họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, chỉ có 7 người tới tham dự, đại diện cho 1,48% vốn điều lệ của công ty.

Theo Thanh Thủy

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên