MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xóa nợ thuế: Kẻ mừng, người lo

18-09-2015 - 14:00 PM | Doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, bất cứ một cơ chế chính sách nào đưa ra cũng phải có căn cứ, quy định pháp lý rõ ràng và trên cơ sở bình đẳng để tránh sự hiểu lầm và ý kiến trái chiều trong dư luận.

Theo một Chi cục Phó Chi cục Thuế Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, trong những năm qua do tình hình kinh tế khó khăn, số DN nợ thuế, chậm nộp thuế tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu và ngân sách thành phố.

Ngoài những DN kinh doanh thua lỗ, thậm chí phá sản đóng cửa không thể thực hiện nghĩa vụ thuế còn có những DN phải “cõng” thêm tiền chậm nộp thuế đáng kể do những lỗi không đáng có như chưa thực hiện đúng quy định của luật thuế mới, thậm chí có trường hợp không cập nhật những khoản nợ do chậm được thông báo dẫn đến nợ mới chồng nợ cũ khiến DN dây dưa kéo dài. Cá biệt có những DN tiền “phạt” chậm nộp đôi khi còn cao hơn nhiều so với khoản nợ thuế ban đầu.

“Mặc dù tất cả các khoản nợ thuế của DN đều được thông báo đến các DN, tuy nhiên nhiều DN “mải mê” kinh doanh mà quên mất nghĩa vụ phải làm, trong khi cơ quan thuế cứ tự động mà tính tiền chậm nộp theo từng ngày với mức tính là 0,05%/ngày. Với những DN có số thuế phải nộp lớn cũng đồng nghĩa với việc tiền chậm nộp tăng lên theo số ngày chậm nộp” – vị Chi cục phó Chi cục Thuế Quận 10 phân tích.

Được biết, những DN có nợ thuế lớn, kéo dài đa số là DN thuộc diện truy thu và phạt chậm nộp, khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản thì giá trị tài sản không lớn, không có tài sản để cưỡng chế hoặc đã rời bỏ địa điểm kinh doanh và không xác minh được.

Đây cũng chính là một trong những đối tượng có khả năng sẽ được xem xét xóa nợ thuế theo như chủ trương mà Bộ Tài chính vừa kiến nghị lên Chính phủ xóa khoản tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế cho 2 loại đối tượng là DNNN có các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2013 gặp khó khăn khách quan và đã nộp nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015 hoặc các hộ kinh doanh cá thể, DN tư nhân (tư nhân nợ thuế nhưng đã giải thể, phá sản không đúng quy trình và không thể xác minh với tổng số tiền dự kiến lên đến 10.000 tỷ đồng).

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian gần đây, chính sách thuế đã có nhiều cải cách theo hướng thuận lợi hơn cho các DN.

Việc xóa nợ thuế mà Bộ Tài chính đưa ra gần đây dù có nhắc đến các DN tư nhân, hộ kinh doanh cá thể đang rất cần hỗ trợ, song đây lại là các DN đã "chết", giải thể lâu ngày nên việc làm này chỉ còn có ý nghĩa về mặt sổ sách kế toán chứ không có tác dụng vực dậy, mở lối thoát cho những DN đang tồn tại cần cứu cánh khi gặp khó khăn. Còn lại các DNNN mới chính là đối tượng mà chính sách này hướng đến.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, bất cứ một cơ chế chính sách nào đưa ra cũng phải có căn cứ, quy định pháp lý rõ ràng và trên cơ sở bình đẳng để tránh sự hiểu lầm và ý kiến trái chiều trong dư luận.

Nhất là vừa qua hàng loạt các DN, trong đó có nhiều DN tư nhân đã bị truy thu, "bêu" tên vì nợ thuế, trốn thuế. Vì vậy, việc xóa nợ dựa trên những căn cứ, điều kiện tiêu chuẩn ra sao, có sự phân biệt giữa DNNN, DN tư nhân và DN liên doanh, nước ngoài hay không, việc xóa nợ thuế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn thu, ngân sách quốc gia... Tất cả những vấn đề đó cần phải đặt lên bàn cân, tính toán cẩn trọng, công khai, minh bạch.

Theo Nhật Minh

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên