Doanh nhân 9x Nguyễn Ngọc Cường nhận bằng khen từ Bộ Công Thương
Đào tạo việc làm cho người khuyết tật, Hợp Tác xã Thủ công nghiệp Phú Thắng do chàng trai 9x Nguyễn Ngọc Cường làm Chủ tịch vừa vinh dự được nhận tấm bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Sáng 20/11, Nguyễn Ngọc Cường nằm trong số những người trẻ nhất có mặt tại buổi lễ trao Huân chương Lao động hạng 3 cho Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập. Trong vai trò Chủ tịch Hợp Tác xã Thủ công nghiệp Phú Thắng, chàng trai sinh năm 1992 nằm trong số 5 tập thể và 14 cá nhân thuộc hiệp hội được Bộ trưởng Bộ Công thương trao tặng bằng khen nhờ đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua năm 2018, góp phần và sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Công thương nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Nằm tại tỉnh Thanh Hóa, trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật của Hợp Tác xã Thủ công nghiệp Phú Thắng đào tạo các nghề như đan lát, may mặc và làm các loại mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Được thành lập năm 2009 và đang hoạt động với quy mô không quá lớn, Nguyễn Ngọc Cường nói rằng tấm bằng khen là vinh dự lớn lao và cũng có phần may mắn mà doanh nghiệp của mình được nhận.
Hợp tác xã của Nguyễn Ngọc Cường (thứ 4 từ trái sang) nằm trong số 5 tập thể và 14 cá nhân thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Công thương khen thưởng.
"Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, trường đào tạo nghề của mình có làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và nhận được sự hỗ trợ từ phía Bộ Công thương để có thể xuất khẩu sang Mỹ. Chính nhờ điều đó nên Phú Thắng mới có cơ may được xét duyệt và trao vinh dự lớn lao ngày hôm nay. Có nhiều trường nghề lớn hơn rất nhiều nhưng có thể họ chỉ làm ra các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước nên chưa được biết tới", Nguyễn Ngọc Cường chia sẻ.
Việc xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang Mỹ từng giúp cho trường nghề của Cường có kinh phí để trang trải hoạt động cũng như đầu tư mở rộng quy mô và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 gây tác động nặng nề tới xuất khẩu, trong đó có mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nên hoạt động của cơ sở đào tạo này hiện đang cầm chừng. Kinh phí hoạt động được Cường bù đắp từ các mảng kinh doanh khác của cá nhân.
"Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Công thương nên sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, mình sẽ tập trung đào tạo nghề đan lát cho những người khuyết tật để đẩy mạnh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nó không chỉ mang về nguồn thu cao hơn mà còn tạo công ăn việc làm, đảm bảo tốt hơn cho đời sống cho những người khuyết tật", Cường chia sẻ.
Ở thời điểm hiện tại, việc duy trì trường dạy nghề cho người khuyết tật được Cường mô tả "không phải gánh nặng quá lớn". Nhờ được địa phương tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng nên kinh phí chủ yếu chỉ được dùng để chi trả cho 2 giáo viên kiêm luôn người quản lý của trung tâm. Hoạt động sản xuất hiện đang được duy trì ở mức cầm chừng nhưng các học viên vẫn đủ sống vì ngoài tiền công, họ còn một phần từ các khoản trợ cấp của nhà nước.
"Thông thường, các học viên thường mất 3 tới 6 tháng để thành nghề. Nếu học viên có nguyện vọng, chúng tôi sẽ bố trí việc làm phù hợp. Người lao động sẽ có thu nhập khoảng 3-4 triệu/tháng", Nguyễn Ngọc Cường chia sẻ. Chàng trai 9x cũng nghĩ đến việc mở rộng mô hình hoạt động của mình sang các địa phương khác nhưng cần nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền các địa phương để mô hình này có thể hiệu quả.