Doanh nhân dạy con kế nghiệp: Thừa kế tài sản khác với kế nghiệp giá trị
Phụ huynh luôn mong mỏi con cái có thể kế nghiệp mình. Tuy nhiên, để định hướng phù hợp cho con, cần phải hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ "kế nghiệp".
Trong buổi tọa đàm "Hướng nghiệp cho con trong thế giới biến động: Kế nghiệp hay lập nghiệp?" diễn ra tại trường Olympia ngày 21/05/2021, sự có mặt của các chủ tịch tập đoàn và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã giúp các bậc phụ huynh có những lời khuyên thiết thực trong việc hướng nghiệp và định hướng con cái kế nghiệp gia đình. Đây là talkshow mở màn cho chuỗi tọa đàm về hướng nghiệp cho con do Olympia tổ chức với sự tham dự của các khách mời nổi tiếng.
Theo chia sẻ của bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, dù là khởi nghiệp hay kế nghiệp, cha mẹ cần xác định với con cái rằng tương lai mỗi đứa trẻ sẽ cần phải lập nghiệp, phải tự tạo ra công việc để thành sự nghiệp của bản thân. Trích từ nghiên cứu của Deloitte, bà Hà Thu Thanh đã tái định nghĩa lại từ kế nghiệp là "kế thừa những giá trị của gia đình, doanh nghiệp". Chuyện thừa kế tài sản khác với kế thừa giá trị nên khi nói về kế nghiệp, đó là kế thừa giá trị để duy trì phát triển chính doanh nghiệp đó hay mang giá trị đó để lập nghiệp. Phụ huynh không nên đặt quá nhiều áp lực cho con cái phải thừa kế sản nghiệp khi khái niệm kế nghiệp mở rộng ra cả những giá trị được tiếp nối qua các thế hệ.
"Dù chọn nghề nào hay các con muốn trở thành ai thì trước hết, các con phải vững vàng trong cuộc sống. Khả năng vững vàng đó phải đến từ niềm tin của con với sự lựa chọn của mình. Chính vì thế, hướng nghiệp trong thế giới VUCA cũng cần thay đổi. Thay vì đặt câu hỏi "Làm thế nào ta biết được sự lựa chọn của con phù hợp với định hướng của mình", hãy hỏi "Làm thế nào ta biết được sự định hướng của mình phù hợp với xu thế của thời đại và của con".
Madam Thanh cho rằng, phụ huynh nên tạo điều kiện cho con có thêm trải nghiệm để hiểu hơn về bản thân và cuộc sống.
Chị Đỗ Thùy Dương - CEO Công ty Hội tụ Nhân tài TalentPool, khẳng định rằng cha mẹ nên để cho con có quyền quyết định con đường tương lai, dù là kế nghiệp hay khởi nghiệp. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc để con một mình với quá trình định hướng tương lai. Quá trình tư vấn định hướng không chỉ giúp con có một cái nhìn rõ ràng hơn trong tương lai mà còn giúp bố mẹ hiểu hơn về con.
"Không phải phụ huynh nào cũng có may mắn sở hữu một sản nghiệp cho con kế thừa nhưng phụ huynh nào cũng có những điều để con có thể kế thừa được."
Thay vì muốn hỏi con cái rằng con thích "làm nghề gì", hãy hỏi "Con muốn trở thành người như thế nào?
Ông Phạm Đình Đoàn - Tiến sĩ Kinh tế, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội Đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam nhấn mạnh rằng cha mẹ chỉ là một trong những yếu tố tác động đến tương lai của con. Cha mẹ cần tham khảo và kết hợp với nhiều nguồn khác như nhà trường, xã hội để định hướng con một cách phù hợp.
Ông Phạm Đình Đoàn đồng ý với việc cha mẹ nên định hướng tương lai cho con cái, không nên phó mặc hoàn toàn cho quyết định của con.
Suy nghĩ của lớp trẻ dù ở bậc phổ thông, đại học hay thậm chí sau khi ra trường vẫn còn có thể chưa chín chắn. Ý thích và suy nghĩ của con là điều giúp chúng ta hiểu hơn về mỗi đứa trẻ nhưng chúng ta cần có cách định hướng phù hợp. Sự thành công phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi cá nhân chứ không chỉ riêng đam mê. Đam mê chỉ là điều kiện đủ chứ cốt lõi phải là năng lực.
"Chúng ta nên tách bạch giữa việc quản trị sở hữu tài sản và quản lý. Không phải đứa trẻ nào cũng có thể kế nghiệp mình khi kỹ năng quản lý và kỹ năng quản lý sở hữu là hai khái niệm khác nhau."
Cùng chia sẻ với vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc học thuật trường Olympia, cho biết trong suốt 15 năm làm việc với rất nhiều học sinh, khoảng trên 50% học sinh đi theo con đường rất khác với định hướng của bố mẹ, từ phổ thông lên đại học. Nhiều bạn thậm chí chuyển ngành trong đại học hay ra trường làm một điều khác.
"Có hai điều theo tôi rất quan trọng trong vấn đề hướng nghiệp. Thứ nhất, hãy tạo điều kiện cho con trẻ được tiếp xúc với nhiều trải nghiệm, kết nối con trẻ với rất nhiều môi trường, con người ở rất nhiều điểm chạm. Thứ hai, giúp trẻ phát triển những năng lực cốt lõi có thể chuyển giao qua rất nhiều các ngành nghề trong tương lai cũng như những giá trị, phẩm chất chúng ta đem trao cho một đứa trẻ."
Đa dạng hóa trải nghiệm và kỹ năng quản lý cảm xúc là điều Tiến sĩ Chí Hiếu đánh giá cao trong hành trang hướng nghiệp với học sinh.
Khép lại vấn đề, bà Hà Thu Thanh cũng đồng ý với quan điểm rằng, việc hướng nghiệp cho con trẻ nên được diễn ra từ rất sớm với sự phối kết hợp của gia đình và nhà trường. Điều quan trọng là bạn muốn con mình trở thành ai và thành công tới đâu, chứ không chỉ là làm công việc gì hay kế nghiệp gia đình như thế nào.
"Thành công không được đo đếm bằng chức vụ và tiền bạc. Thành công đo đếm bằng giá trị. Người ta chỉ có thể đo được người giàu nhất bằng gia sản chứ không thể đo được người thành công nhất."
Tiên phong trong các hoạt động hướng nghiệp trong trường học phổ thông, trường Olympia (Hà Nội) hơn 10 năm qua đã triển khai các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp đa dạng, các cơ hội tiếp xúc với chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giải các bài toán kinh doanh. Học sinh Olympia tốt nghiệp theo học đa dạng các lĩnh vực tại các đại học hàng đầu tại nhiều quốc gia.
Ghé thăm website https://theolympiaschools.edu.vn/ để tìm hiểu thêm