MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nhân Đỗ Minh Phú gây ấn tượng bằng câu chuyện chuyển đổi số của TPBank

28-12-2020 - 15:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Doanh nhân Đỗ Minh Phú gây ấn tượng bằng câu chuyện chuyển đổi số của TPBank

Muốn thực hiện được trách nhiệm huyết mạch của nền kinh tế, hỗ trợ chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, bản thân các ngân hàng phải có thực lực. Chuyển đổi số là một trong những con đường “sống còn” để nâng cao năng lực bản thân, thực hiện trách nhiệm với đất nước.

Thông điệp đó của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Đỗ Minh Phú được truyền tải qua câu chuyện xây dựng chiến lược ngân hàng số thành công của TPBank đã được nhiều đại biểu tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tán thưởng.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do cơn đại hồng thủy Covid-19 gây ra, và hậu quả của các đợt thiên tai tàn phá các tỉnh miền Trung vẫn chưa được khắc phục. Điều đó đòi hỏi các ngân hàng, với vai trò là "huyết mạch" của nền kinh tế, sẽ phải đóng góp, hỗ trợ nhiều hơn cho xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Điều này quan trọng tới mức người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi tới tham dự hội nghị chỉ quan tâm các ngân hàng đã chia sẻ với người dân, doanh nghiệp và xã hội như thế nào trong năm 2020 và năm 2021, thay vì hỏi về lợi nhuận.

Trọng trách lớn của các ngân hàng

Doanh nhân Đỗ Minh Phú gây ấn tượng bằng câu chuyện chuyển đổi số của TPBank - Ảnh 1.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank phát biểu tại Hội nghị : "Chuyển đổi số là một trong những con đường "sống còn" để nâng cao năng lực bản thân, thực hiện trách nhiệm với đất nước."

Là một trong những đại diện các ngân hàng có bài phát biểu nhận được sự chú ý đặc biệt tại hội nghị, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, đồng tình rằng thời điểm này là lúc các ngân hàng phải thể hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn.

Trong suy nghĩ của vị doanh nhân kỳ cựu đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước và vượt qua nhiều thách thức của nền kinh tế, ông Phú cho rằng:"Các ngân hàng thương mại chúng ta không những phải phấn đấu vươn lên để sánh vai ngang tầm với các ngân hàng trong khu vực mà còn có trách nhiệm hỗ trợ sẻ chia với gần 700 nghìn doanh nghiệp, với hàng triệu hộ kinh doanh vượt qua khó khăn thách thức của dịch bệnh, thiên tai... Một đất nước hùng cường thì quốc gia đó chắc chắn phải hưng thịnh về kinh tế. Và vai trò của các ngân hàng thương mại trong mục tiêu này vô cùng quan trọng".

Nhưng làm thế nào để các ngân hàng Việt Nam có thể sánh vai cùng các ngân hàng trong khu vực, chia sẻ cùng Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và người dân vượt qua khó khăn thách thức?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu tại hội nghị đã thẳng thắn đưa ra nhận xét rằng các ngân hàng Việt Nam nói chung vẫn ở một vị thế thấp hơn so với các ngân hàng trong khu vực. Một số ngân hàng vẫn trong quá trình tái cơ cấu và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Người Việt có câu: "Có thực mới vực được đạo." Nếu các ngân hàng không có thực lực, trách nhiệm sẻ chia, hỗ trợ cùng cộng đồng doanh nghiệp và xã hội sẽ khó mà thực hiện được.

Ngân hàng mở trong kỷ nguyên số

Một trong những con đường ngắn nhất để các ngân hàng có một thực lực lớn mạnh chính là chuyển đổi số. TPBank đã chứng minh đó là hướng đi đúng đắn. "Ngay từ khi bắt tay vào tái cơ cấu, chúng tôi đã xây dựng chiến lược phát triển TPBank trở thành ngân hàng công nghệ và ngân hàng số," ông Phú kể lại.

Chính vì kiên định một chiến lược ngân hàng số toàn diện, số hóa từ mọi quy trình hoạt động bên trong tới các kênh giao tiếp với khách hàng, TPBank đã duy trì được mức tăng trưởng bình quân 42% trong suốt quá trình 2012-2019. Từ một ngân hàng mất một nửa vốn điều lệ, chỉ còn 1.500 tỷ đồng, đến nay ngân hàng đã có vốn chủ sở hữu gần 18.000 tỷ đồng, tăng 12 lần sau 8 năm. Cùng quãng thời gian này, tổng tài sản của ngân hàng tăng 15 lần, từ hơn 13.000 tỷ đồng lên 200.000 tỷ đồng.

Khi đã có thực lực lớn mạnh, việc hỗ trợ sẻ chia với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội cũng trở nên dễ dàng hơn mà vẫn không làm suy giảm đà tăng trưởng của ngân hàng. Trong năm 2020, dù cùng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TPBank đã miễn giảm lãi cho trên 10.000 khách hàng với số tiền là 213 tỷ đồng, tổng dư nợ được giảm lãi là hơn 40.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 11% nhờ biết ứng dụng công nghệ và đã tiết giảm được chi phí. Bên cạnh đó, cùng với Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI, hai đơn vị đã hỗ trợ tổng cộng gần 30 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, hỗ trợ các tỉnh miền Trung gặp thiên tai lũ lụt và đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại bởi hạn hán.

Doanh nhân Đỗ Minh Phú gây ấn tượng bằng câu chuyện chuyển đổi số của TPBank - Ảnh 2.

Nhìn lại quãng đường 12 năm thành lập và phát triển, TPBank đã từng có lúc rơi vào tình thế khó khăn, nhưng với một chiến lược đi đầu về ngân hàng số, TPBank giờ đây là một trong 10 ngân hàng lớn mạnh nhất hệ thống.

Chắc chắn nếu không nhờ thực hiện chiến lược ngân hàng số toàn diện để "lột xác" từ ngân hàng yếu kém, xếp hạng 42/42 ngân hàng năm 2012, thành một trong 10 ngân hàng lớn nhất hệ thống chỉ sau 8 năm, TPBank sẽ khó có được nguồn lực để thực hiện trách nhiệm xã hội, triển khai các hoạt động an sinh xã hội một cách mạnh mẽ như vậy.

TPBank của doanh nhân Đỗ Minh Phú đã chứng minh chuyển đổi số có thể giúp các ngân hàng lật ngược thế cờ, biến điều tưởng như bất khả thi thành khả thi, qua câu chuyện về thành công chuyển đổi số của TPBank. Câu chuyện vô cùng thuyết phục đó đã gây ấn tượng mạnh với những đại biểu tham dự hội nghị, truyền lửa và tiếp thêm nguồn cảm hứng, thôi thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở các ngân hàng.

Thực tế, nhu cầu chuyển đổi số đối với các ngân hàng đã có từ mấy năm trở lại đây. Sự xuất hiện của các fintech, sự thay đổi về thói quen chi tiêu và giao dịch ngân hàng của khách hàng dựa nhiều vào công nghệ hơn cho thấy mô hình ngân hàng truyền thống không còn phù hợp nữa. Nhưng quá trình số hóa ở nhiều ngân hàng vẫn diễn ra chậm, thậm chí có những ngân hàng còn chưa bắt đầu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đã yêu cầu các đại diện các ngân hàng phải nghiên cứu về ngân hàng số và nêu TPBank như là một ví dụ "ứng dụng ngân hàng số rất thành công."

Giờ đây, TPBank đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển đổi số đó là Đổi mới số hay Sáng tạo số. Tất cả các hoạt động của ngân hàng đều được đặt trong mục tiêu Sáng tạo số. Nó không còn mang ý nghĩa cách mạng mà Sáng tạo số đã thấm nhuần và trở thành tư duy hành động, tác nghiệp thường nhật của toàn hệ thống tại TPBank.

Và khi đã tiên phong đi trước, những kinh nghiệm của ngân hàng đã thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số đã thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu tại hội nghị.

"Chuyển đổi số cần phải được xây dựng trên chiến lược bài bản căn cơ, và cấp cao nhất phải có quyết tâm máu lửa để truyền đạt xuống toàn ngân hàng, coi chuyển đổi số là mục tiêu sống còn của ngân hàng trong phát triển dài hạn," vị doanh nhân chia sẻ.

Đồng thời, ông cũng đưa ra nhiều kiến nghị nhằm giúp các ngân hàng có điều kiện chuyển đổi số tốt hơn, như kiến nghị Chính phủ ban hành quy định cơ chế thử nghiệm Sandbox, đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, hay kiến nghị NHNN hoàn thiện quy định bảo mật giao địch, an ninh thông tin và quy định về chữ ký điện tử.

Dĩ nhiên, khi đã ở một bước cao hơn của chuyển đổi số, TPBank sẽ có thực lực tốt hơn nữa trong năm 2021 để vừa đảm bảo sự tăng trưởng bền vững vừa thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Và với vai trò của người tiên phong, câu chuyện về thành công ở giai đoạn trước đó của ngân hàng sẽ là kinh nghiệm, nguồn cảm hứng để các ngân hàng nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên