Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng chỉ đạt 670 triệu đồng/tháng, Bách Hóa Xanh còn cách điểm hòa vốn bao xa?
Quý đầu năm, Bách Hóa Xanh lỗ EBITDA khoảng 60 tỷ đồng. Theo tính toán của Công ty chứng khoán HSC, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng hiện chỉ đạt 670 triệu đồng/tháng trong khi để hòa vốn, con số này phải là 800 triệu đồng/tháng.
Hơn nửa năm qua, giá cổ phiếu của Thế Giới Di Động giảm sâu. Từ mức đỉnh khoảng 135.000 đồng, cổ phiếu của công ty có thời điểm xuống dưới 100.000 đồng. Nguyên nhân chính là do nhà đầu tư lo ngại về chuỗi Bách Hóa Xanh của công ty, đồng thời chuỗi điện thoại đã bão hòa.
Trong buổi gặp mặt các nhà đầu tư vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận, chiến lược đưa Bách Hóa Xanh thọc sâu vào các khu dân cư là việc "hơi vội vàng" và chuỗi này chịu lỗ trước thuế, lãi vay và khấu hao khoảng 60 tỷ đồng. Ngoài ra, chuỗi đã phải đóng cửa 3 cửa hàng, ngưng kế hoạch triển khai 7 cửa hàng và giảm chiến lược mở rộng từ 1.000 cửa hàng xuống chỉ còn 500 cửa hàng.
Ban đầu, Bách Hóa Xanh đặt kế hoạch mở thêm các cửa hàng mới tại các khu vực dân cư đông đúc, để khách hàng có thể đi bộ và mua sắm phục vụ nhu cầu hàng ngày. Tuy nhiên, doanh thu bán hàng thực tế tại các cửa hàng cho thấy các bà nội trợ thường mua sắm trên đường từ nơi làm việc trở về, và hiếm khi đến các cửa hàng khi đã trở về nhà. Như vậy, vị trí tối ưu đặt các cửa hàng bách hóa là dọc các tuyến đường lớn dẫn đến các khu dân cư, thay vì bên trong các khu dân cư. Do đó, số lượng các vị trí tối ưu để đặt các cửa hàng mới là ít hơn so với dự kiến ban đầu của Bách Hóa Xanh.
Độ phủ còn thấp và thị trường có quá nhiều đối thủ cạnh tranh như Vinmart+, Satra, Saigon Co.op... khiến Bách Hóa Xanh không đạt được mức doanh thu kỳ vọng 1 tỷ đồng/tháng.
Theo số liệu của Công ty chứng khoán HSC, tính bình quân, doanh thu mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh hiện nay chỉ đạt 670 triệu đồng/tháng và tổng chi phí hoạt động bình quân mỗi cửa hàng là 120 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền thuê mỗi cửa hàng diện tích 150m2 trở lên khoảng 30 triệu đồng, tiền lương cho 6-7 nhân viên là 40 triệu đồng, chi phí điện nước 30 triệu đồng và chi phí khác khoảng 20 triệu đồng.
Với tỷ suất lợi nhuận gộp mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh là 15%, HSC tính toán, chuỗi này sẽ hòa vốn khi doanh thu một cửa hàng đạt 800 triệu đồng/tháng. Hiện nay, 355 cửa hàng Bách Hóa Xanh có thể chia ra 4 nhóm.
- Nhóm 1 là các cửa hàng cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng, đây là các cửa hàng tạo ra lợi nhuận.
- Nhóm 2 là các cửa hàng có doanh thu 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng, là các cửa hàng đang hòa vốn.
- Nhóm 3 có doanh thu 500-800 triệu đồng/tháng, tạm thời lỗ nhưng có thể sẽ sớm hòa vốn.
- Nhóm 4 gồm các cửa hàng có doanh thu thấp hơn 500 triệu đồng, là các cửa hàng đang lỗ và nếu không thể tăng doanh thu để xếp lên nhóm 3 thì sẽ phải đóng cửa.
5 năm vừa qua, Thế Giới Di Động thường đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 40%, bằng với tốc độ tăng trưởng doanh thu. Tuy nhiên chứng khoán HSC nhận định, mức tăng trưởng này sẽ buộc phải giảm xuống khi chuỗi điện thoại đã bão hòa và động lực tăng trưởng chuyển sang mảng hàng tiêu dùng, là mảng có tỷ suất lợi nhuận khoảng 14%, thấp hơn so với mức 17,1% của điện thoại.
Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh cửa hàng bách hóa khó quản lý hơn 2 mảng còn lại do vòng đời thực phẩm, rau quả, thịt cá tươi khá ngắn, tiềm ẩn rủi ro lãng phí.
Trí thức trẻ