Đọc chia sẻ của nhà báo Pháp để thấm tận cùng nỗi đau khi Nhà thờ Đức Bà bùng cháy: "Trái tim chúng tôi rỉ máu vì Notre Dame yêu dấu"
Một chia sẻ ngắn gọn nhưng gói trọn mọi nỗi đau của người Pháp lúc này. Với họ, Notre Dame hay Nhà thờ Đức Bà Paris, không chỉ là tòa kiến trúc lộng lẫy mà còn là chứng nhân lịch sử, nơi chốn bình yên từng xoa dịu tâm hồn người dân thủ đô suốt mấy thế kỉ thăng trầm.
- 16-04-2019Cách đây 188 năm, nhà văn Victor Hugo đã dự đoán chính xác về đám cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris trong tác phẩm cùng tên
- 16-04-2019Sửng sốt với 8 bí mật về Nhà thờ Đức Bà Paris: Điều thứ 3 khiến không ít người nổi da gà!
- 16-04-2019Trước khi sụp đổ một phần vì vụ cháy chấn động, Nhà thờ Đức Bà ở Paris từng là biểu tượng bình yên của cả nước Pháp
* Dưới đây là những chia sẻ của nhà văn, nhà báo từ Paris - Christine Ockrent. Bài viết đăng trên The Guardian có tựa đề "Our hearts bleed for our beloved Notre Dame" (Trái tim của chúng tôi rỉ máu vì Notre Dame yêu dấu).
Khi chóp tháp đứt gãy và rơi xuống, chúng tôi cảm giác như mũi nhọn của nó xuyên thẳng vào tim mình. Với tất cả chúng tôi ở Paris và trên toàn nước Pháp, dù có theo Thiên chúa giáo hay không, dù đức tin nằm ở đâu thì Notre Dame vẫn luôn có ý nghĩa nhiều hơn một tòa tháp Gothic lộng lẫy.
Nó chính là "lỗ rốn" của đất nước, là trung tâm cả về giá trị lịch sử lẫn địa lí. Mọi con đường của chúng tôi đều bắt nguồn từ đây, dù sẽ dẫn về đâu. Nó chính là giao điểm, là vạch xuất phát. Chúng tôi nhóm họp xung quanh Notre Dame vào những thời khắc mang tầm vóc quốc gia: để hân hoan, để than khóc. Thật khó tìm thấy một khoảnh khắc vĩ đại nào của lịch sử thủ đô mà thiếu vắng hình bóng Notre Dame.
Trong kí ức rất gần đây, hàng ngàn người đã trú ngụ dưới mái vòm của Nhà thờ vào tháng 11/2015 khi những kẻ tấn công khủng bố vấy máu Paris.
Quần chúng bên ngoài Nhà thờ Đức Bà sau sự kiện khủng bố ở Paris tháng 11/2015 (Ảnh: Getty, CNN)
Nhưng còn hàng thế kỉ trước cái thời khắc đen tối ấy, Notre Dame luôn là một biểu tượng tự hào của quốc gia, là định mệnh của dân tộc. Tại chính Notre Dame này đã diễn ra Lễ đăng quang của Hoàng đế Napoléon Bonaparte, lễ phong chân phước của nữ anh hùng Jeanne d'Arc và cả những đám tang với hàng ngàn người đưa tiễn của cựu Thủ tướng Charles de Gaulle và cựu Tổng thống François Mitterrand.
Nhà thờ đã đứng đây, sừng sừng trước dàn pháo binh "Grosse Bertha" trong Thế chiến thứ nhất, và còn đứng vững đầy thách thức trong suốt thời gian chiếm đóng của phát xít Đức.
Từ Lễ đăng quang của Napoléon Bonaparte đến lễ phong chân phước của nữ anh hùng Jeanne d'Arc...
Tang lễ trang trọng của cựu Thủ tướng Charles de Gaulle và cựu Tổng thống François Mitterrand đều diễn ra ở Notre Dame (Ảnh: Wikipedia, Getty)
Victor Hugo đã viết nên kiệt tác "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris", trong đó thằng gù Quasimodo đem lòng yêu nàng Esmeralda cũng ở chính nơi đây. Và câu chuyện đó, thật đáng buồn là cũng giống như thực tại tàn khốc diễn ra vào hôm Thứ hai: Nhà thờ đã chìm vào ngọn lửa hung tàn.
Bầu trời Paris nhuốm màu xanh thẫm và đen, như từng có một bầu trời như thế ở New York ngày 11/9. Lần này, sự nhẹ nhõm duy nhất giữa nỗi bàng hoàng là đã không có ai thiệt mạng. Và sau đó chúng ta cũng biết rằng, các bức tường đá của Nhà thờ vẫn kiên cường trụ vững.
Những khối đổ nát hoang tàn của Notre Dame rồi sẽ được xây lại, như chúng đã từng trải qua bàn tay tái thiết của "kiến trúc sư gây tranh cãi" Eugène Viollet-le-Duc vào 150 năm trước. Nước Pháp sẽ không dễ dàng để cho biểu tượng của lịch sử hào hùng biến thành tàn tro, cũng như sẽ chống lại mọi "thuyết âm mưu" về vụ hỏa hoạn đang lan truyền nhanh chóng trên Internet.
Notre-Dame de Paris sẽ tiếp tục sống sót với hầu hết báu vật mà nó gìn giữ. Nhưng, trái tim của chúng tôi cũng rỉ máu đến vô cùng.
Notre-Dame sẽ tiếp tục sống, nhưng dành cho những mất mát, "trái tim của chúng tôi cũng rỉ máu đến vô cùng"!
(Nguồn: The Guardian)
Người Lao động