MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Độc quyền phân phối cổ phiếu “ngon” sắp niêm yết cho khách VIP, các CTCK lớn càng lúc càng cho CTCK nhỏ “hít khói”

Thông thường chỉ những đầu mối là các công ty chứng khoán thực hiện tư vấn niêm yết cho doanh nghiệp mới kiếm được “hàng” cho khách, không những thế, phải kiếm được giá gốc. Số lượng cổ phiếu ít ỏi được công ty chứng khoán phân phối cho những khách hàng VIP nhất.

Trong 2 năm trở lại đây, sàn chứng khoán Việt Nam liên tục đón nhận sự đổ bộ của những doanh nghiệp “khủng long” như Sabeco, Vissan, Vietnam Airlines, Vietjet Air, PC1, Novaland, Petrolimex, Vinapharm… hay đơn vị thành viên của một số doanh nghiệp “hot” trên sàn như thực phẩm đông lạnh Kido (công ty con phụ trách mảng thực phẩm đông lạnh của Tập đoàn Kido), Khoáng sản An Phát Yên Bái (con của An Phát Plastic)…

Với lợi thế cạnh tranh về quy mô, quản trị và triển vọng tươi sáng của ngành, cổ phiếu của những doanh nghiệp này được đón nhận nhiệt liệt và luôn đạt được mức tăng trưởng đáng nể khi lên sàn. Đầu tư vào cổ phiếu mới niêm yết thực sự là cơ hội lớn đối với nhà đầu tư trong thời gian này.

Đó cũng là cơ hội cho các công ty chứng khoán khẳng định vị thế của mình trên thị trường, bằng việc tìm được hàng phân phối cho khách.

Với đặc điểm là tỷ lệ cổ đông khá cô đặc và lượng cổ phiếu được đưa ra chào bán không quá nhiều, cuộc săn “hàng khủng long” chuẩn bị niêm yết đã diễn ra rất sôi nổi trên sàn OTC.

Đơn cử như Vietjet chỉ bán 3,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư cá nhân với giá 86.500 đồng/cp trong khi trên OTC, các lệnh chào mua đã lên tới 96.000 – 100.000 đồng. Hay trong đợt tháng 4 vừa qua, Kido food tiến hành bán 11,2 triệu cổ phần tương đương 20% vốn điều lệ của công ty với giá 52.000 đồng/cp. Thị trường chứng kiến một cuộc đua lệnh tại các đầu mối phân phối: Nhà đầu tư nào nộp tiền vào tài khoản sớm nhất sẽ mua được cổ phiếu. Bắt đầu từ 9h30, đến 9h35 đã "hết suất".

Với tình trạng như vậy, thông thường chỉ những đầu mối là các công ty chứng khoán thực hiện tư vấn niêm yết cho doanh nghiệp mới kiếm được “hàng” cho khách, không những thế, phải kiếm được giá gốc. Số lượng cổ phiếu ít ỏi được công ty chứng khoán phân phối cho những khách hàng VIP nhất.

Đánh giá về điều này, một nhà đầu tư VIP tỏ ra rất hài lòng. Ông cho rằng với giá trị tài khoản lớn, bản thân khách hàng VIP đã đóng góp đáng kể vào doanh thu của công ty chứng khoán và do đó, phải nhận được nhiều dịch vụ gia tăng tương xứng. Những lợi ích khác biệt như thế chính là điều khiến cho ông lựa chọn mở tài khoản tại công ty chứng khoán hiện tại.

Đối với nhà đầu tư nhỏ, việc không được phân phối hàng giá gốc, nghe có vẻ “bất công” nhưng hầu hết họ đều chấp nhận quy tắc này. Nếu muốn, họ vẫn có thể mua lại cổ phiếu trên OTC với giá cao hơn.

Điểm mặt trên thị trường, tư vấn niêm yết cho các doanh nghiệp “khủng long” thường cũng chỉ có CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK Tp.Hồ Chí Minh (HSC), CTCK Bản Việt. Đó đều đã là những công ty chứng khoán lớn nhất hiện nay. Với chính sách phân phối hàng “quý hiếm” cho khách ruột, họ lại càng thể hiện được sức mạnh của doanh nghiệp lớn và tạo nên sự cách biệt xa hơn với các đơn vị quy mô nhỏ trên thị trường.

Không có được lợi thế này, các công ty chứng khoán nhỏ sẽ phải có cách khác để tìm khách và giữ chân khách hàng.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên