img

"Em phải nhấn mạnh là em chưa bao giờ là một người bỏ phố lên rừng, theo cái cách như mọi người vẫn hình dung. Người ta chỉ suy nghĩ về việc đi hay ở, bỏ hay giữ khi người ta có gì đó để mất, còn với em, đó đơn giản là lựa chọn một nơi sống mà cảm thấy mình được tự do" - Vân rào đón với chúng tôi khi khua đôi bàn tay xanh lét của mình trong không khí như thể đang sáng tạo một vũ điệu nào đó.

Cô gái quê Nam Định chọn học ngành lâm nghiệp ở ngoại thành Hà Nội, chọn đi Israel 1 năm thực tập sau tốt nghiệp để nghiên cứu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vào Đà Lạt nửa năm sống thử rồi đột ngột sang Sa Pa, chỉ vì chạy theo sự dễ chịu ấy. Vân bảo, cô mê chỗ nào mát mẻ, mê được đi và yêu cây cối, nên cứ "kiếm cớ" để đi suốt, chứ ở nhà hay ở thành phố, Vân đều thấy ngột ngạt không thở nổi, không nghĩ ra một ý tưởng gì.  

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 1.

Chặng hành trình qua những miền xa đầy lãng mạn của Vân cứ như một chuyến hành trình khám phá bản ngã, tìm lối để len vào niềm đam mê thôi thúc trong trái tim mình. Đến khi Vân dừng chân ở Sa Pa, sống nương dựa tự nhiên và vô tình khám phá ra chàm, có lẽ Vân đã gặp được chính mình, đã là mình thực rồi. Cô gái 9X đồng bằng đã trở thành người Kinh quen mặt trên bản Cát Cát, Sa Pa như thế.  


Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 3.

Chúng tôi cứ ngắm mãi đôi bàn tay Vân - đôi bàn tay màu chàm xanh huyền bí như cái cách cô sống ở Cát Cát. Vân hòa nhập vào cộng đồng nơi đây, lẫn với những người H'Mông giữ nghề truyền thống se đay nhuộm vải - nghề thủ công cổ xưa hàng nghìn năm. 

Vân yêu bàn tay của mình, tự tin với bàn tay ấy mà tung tăng đi khắp nơi, vào chợ, vào bản làng mua vải, còn hí hửng khoe: "Hồi em còn là gương mặt lạ, cứ lên chợ gặp người H'Mông mà thấy tay em là các bà các cô lại nắm nắm tay, kéo vào lòng ôm ôm ra vẻ quý hóa, hỏi sao mày giỏi thế, biết nhuộm chàm à, cảm thấy như mình đồng điệu với họ, là một phần trong cộng đồng của họ vậy. Giờ thì quen rồi, chẳng cần nhìn bàn tay mọi người ở Cát Cát cũng nhớ em là ai". 

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 4.

Vân trở thành một công dân ở bản Cát Cát và cô gái nhuộm chàm, cô chủ nhỏ của hai cửa hàng thời trang handmade 100% rất tình cờ. Hồi đó, sau 1 năm thực tập ở Israel về nông nghiệp công nghệ cao và nửa năm làm trong các nông trại Đà Lạt, Vân về nhà nghỉ ngơi một thời gian. Họ hàng, bố mẹ Vân, cũng như nhiều gia đình có con gái đến tuổi cập kê, sợ Vân trở thành "bom nổ chậm" nên giục cô lấy chồng. Vân lúc đó chưa có mảnh tình vắt vai, lại vốn sợ sự nóng bức, ngột ngạt vùng đồng bằng nên vội vàng đi trốn. 

Khi đó, A Nủ - một chàng trai Sa Pa nổi tiếng với nghề làm tinh dầu từ hoa cỏ núi rừng tuyển tình nguyện viên và Vân hăm hở đi. Người ta ở 1 - 2 tuần trải nghiệm cho biết, A Nủ cũng chỉ "dụ" các tình nguyện viên ở 4 tháng là nhiều, nhưng Vân ở cả năm không muốn về. "Khi lên Sa Pa, em chẳng suy nghĩ hay có định hướng, kế hoạch gì cho cuộc đời. Em ở với gia đình Nủ 1 năm. Hai đứa cứ túc tắc làm việc, đi rừng với nhau suốt để tìm cây cỏ, về nhà lại lao vào làm thảo dược, muối tắm, xà bông, tinh dầu, trồng lúa trồng rau sống qua ngày...  

Còn chuyện nhuộm vải bằng chàm, nó ập đến một cách rất tự nhiên. Em nghĩ nghề chàm chọn mình nhiều hơn là mình chọn nó. Trước đây em không hề biết gì về mỹ thuật hay thời trang, thậm chí từng bị Nủ trêu là tội đồ của thời trang nữa, vì gu của em dị dị. 

Nhà Nủ nhuộm chàm, như nhiều nhà H'Mông truyền thống ở Sa Pa, thỉnh thoảng mẹ hay chị Sa bận đi làm cỏ, trồng ngô có nhờ em vớt vải giúp. Nước chàm dây ra lốm đốm quần áo, tiện tay em… nhuộm luôn đồ của mình thành màu xanh. Tò mò với những câu chuyện về chàm, em chơi với nó, rồi trở thành niềm đam mê lúc nào không biết nữa".

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 5.

Kể lại cơ duyên 2 năm trước với nhuộm chàm, đôi mắt Vân, gương mặt Vân vẫn lấp lánh hạnh phúc như những thiếu nữ kể về người tình. Khi Vân học nhuộm chàm cũng là lúc mẹ Nủ định bỏ, không trồng chàm nữa vì làm trang phục truyền thống mất công, mất thời gian, làm cả năm mới xong 1 bộ mà con cái không ai mặc. Còn Vân, cô gái miền xuôi học lâm nghiệp thì mê mẩn những giá trị của cây chàm, nghi ngại một ngày giống cây quý ấy tuyệt chủng nên vội vã học cách nhuộm, mua lại cao chàm người ta làm trong bản, tìm cách để trở thành một người nhuộm chàm thành thục. 

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 6.

Những người H'Mông khéo tay đã dạy cô cách ủ chàm, thì thầm với cô bí mật về cách tạo ra cao, cách xem ngày, nhìn thời tiết, các dung môi pha vào thùng nhuộm và nhiều kỹ năng không thấy được bằng mắt thường khác. Họ dạy cô cả những lời ca, cả những câu chuyện huyền bí về quần áo của họ, thế giới văn hóa của họ…

Rằng: Lớn lên anh theo cha đi cày

Theo anh vào rừng săn thú

Lớn lên em theo mẹ tập thêu

Theo chị nhuộm chàm in hoa trên váy mới.

Rằng có những người không được chàm chọn lựa, dầu có thích cũng chẳng thể ủ chàm thành công; rằng khi pha chế phải xem ngày đẹp, canh thời tiết, chọn chỗ để thùng chàm; rằng chàm rất kiêng người chửa, nếu bà bầu lại gần nhìn hoặc nhúng tay vào bất cứ khâu nào trong khi làm chàm, cả thùng sẽ hỏng hết... 

Việc học của Vân, sau 2 năm vẫn chưa từng dừng lại. Cô vẫn mải mê học vẽ họa tiết thổ cẩm trên sáp ong, học cách nhuộm màu khác nhau từ cây lá trên rừng như hoàng đằng, lá bàng, củ nâu, bùn non… để tô thêm những màu sắc sáng tạo cho đời mình. Vân nhuộm quần áo cũ, khâu vá linh tinh tặng bạn bè, chán thì mua cái máy may nhỏ về tự phối hoa văn, cắt may từ quần áo cũ truyền thống mà cô mua được của người Dao, người H'Mông đem bán… Cứ thế, từ một quầy nhỏ xinh để ké trong xưởng tinh dầu của Nủ, Vân ra riêng, trở thành cô chủ nhỏ của hai cửa hàng xinh xắn ở Sa Pa.

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 8.

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 9.

"Mang tiếng" là chủ cửa hàng thời trang, tự tay chăm chút từng sản phẩm của mình, nhưng Vân thú nhận, cô sẽ bối rối nếu ai đó cho cô một tấm vải to để may đồ. Bởi lẽ, sổ tay, ví, túi, khăn, váy vóc, áo quần… Vân tạo ra đều theo cách một đứa trẻ chơi đồ hàng. 

Cô bảo, các màu tự nhiên tự hợp với nhau đến mức người phối kết không phải suy nghĩ nhiều chuyện đó và vải dệt thủ công của đồng bào có sẵn khổ vừa người, cứ ghép hai ba mảnh vào là tự thành váy áo. Vân thậm chí còn "lười" sử dụng nguyên liệu mới, để tránh phát sinh sản xuất thêm mà chủ yếu sử dụng vải từ quần áo truyền thống cũ mà đồng bào bán lại. 

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 10.

Yêu thương, trân trọng từng hoa văn, từng đường kim mũi chỉ được tạo ra trong những món đồ "si-đa" mua được, hiểu rằng đằng sau đó là hàng tháng, hàng năm chăm chỉ thêu thùa, Vân thậm chí còn không muốn vứt vải vụn đi. Chủ nhà Vân đang thuê nhiều lần mắng cô "đồng nát", sợ chuột sẽ kéo bầy đến vì cô chất vải vụn, vải thừa ngập nhà, nhưng nhiều khách nước ngoài cùng gu với Vân thì mê tít, nằng nặc đòi mua.

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 11.

Vân tin rằng, những món đồ làm hoàn toàn bằng tay, nhuộm từ cỏ cây thiên nhiên có một "đời sống" riêng, và việc cô tái chế đồ cũ không chỉ là một xu hướng thời trang mà nhiều người trên thế giới đang theo đuổi mà còn là cách tặng cho chúng một hơi thở mới. Đồ Vân làm kén người dùng nên người bán cũng kén khách mua. 

Trong khi mọi người muốn mở rộng kinh doanh, Vân lại hơi cổ hủ. Cô vẫn dùng Facebook, vẫn thi thoảng kể những câu chuyện về chàm, về củ nâu, vải đay vải bông, nhưng khi bán hàng, cô thích gặp trực tiếp trò chuyện với họ, tìm hiểu tính cách, tập quán tiêu dùng của họ. 

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 12.

"Chăm sóc đồ chàm rất đơn giản, chỉ cần nước sạch và giặt tay, nhưng giống như chiếc lá trên cành xanh rồi vàng, tóc trên đầu đen rồi bạc, da con người căng rồi nhăn, người dùng đồ chàm cũng cần chấp nhận sản phẩm phai màu như một sự tự nhiên. Ví dụ năm trước mình mặc một chiếc áo xanh chàm đậm, năm nay nhìn lại áo có màu chàm tươi hơn một chút, người ta cần yêu cả dấu vết thời gian đó và học cách yêu nó như một chiếc áo mới. 

Nhiều người đến hỏi mua đồ nhưng khi em chia sẻ rằng sản phẩm cần bảo quản ra sao mà không thực sự chú tâm, tỏ thái độ theo kiểu 'Ôi dào, tôi có tiền, tôi mua về chơi ít ngày rồi bỏ' hoặc muốn nó bền màu mãi thì em sẽ từ chối bán". 

Vân cũng khá lập dị ở chỗ, bán đồ thì khó tính vậy, nhưng cô lại rất thích chia sẻ kinh nghiệm làm và nhuộm chàm, mặc dù làm ra mỗi mẻ thuốc nhuộm đều là một thử thách lớn. Vân hào hứng dạy lại con dâu chủ nhà cô đang thuê làm nghề, để sau nếu Vân có hướng đi khác hoặc chuyển đi chỗ khác thì vẫn có người giữ tinh thần của mình, thỉnh thoảng quay về chơi thấy mọi thứ vẫn thế.

Vân vất vả học 2 năm, đánh vật với sự bất đồng ngôn ngữ để hiểu tinh hoa nghề thủ công và văn hóa bản địa cả nghìn năm của những nghệ nhân dân gian ở Sa Pa, nhưng sẵn lòng dạy lại những người học nghề thời trang từ khắp nơi đến tìm hiểu và kết hợp với xu hướng thời trang họ đang theo đuổi, có người làm đồ linen, có người làm thời trang tái chế, thời trang bền vững… mà chẳng màng đến học phí hay sợ mất nghề. 

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 13.


Vân mơ mộng về một cộng đồng nhuộm chàm, show trình diễn thời trang đồ chàm như ở Thái Lan, Ấn Độ, Lào… Vân không muốn khách du lịch đến với Sa Pa là nghĩ đến những đồ lưu niệm dệt may sẵn, không có bản sắc, không phải thổ cẩm bản địa mà mong đến một ngày, người ta sẽ đến Sa Pa xem nhuộm chàm, được trải nghiệm nhuộm chàm, hiểu hơn một chút về giá trị của những món đồ thổ cẩm đã được bàn tay khéo léo của phụ nữ nơi đây chăm chút kỹ càng ra sao. Vân hy vọng sẽ có nhiều người làm và bán đồ chàm, nhưng đó là khi mỗi người phát triển ý tưởng riêng của họ… 

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 15.

Vì thế, cô buồn khi nhìn thấy những người có tiềm lực tài chính hơn bê nguyên xi ý tưởng của mình về, copy y chang các sản phẩm cô đã phát triển, từ áo thun, sổ tay, mũ, váy… "Em muốn được góp tay xây dựng một cộng đồng cùng học hỏi rồi đi lên chứ không phải cạnh tranh kém lành mạnh như thế. Cũng có những người thấy em hay hay, muốn em phối hợp tổ chức các workshop, làng du lịch, thậm chí "xuất khẩu" những kỹ năng em học được để làm du lịch, nhưng họ không hiểu giá trị mà đang theo đuổi, không hiểu rằng chàm là một thứ rất nhạy cảm với môi trường, phụ thuộc thời tiết, kỹ thuật, không khí… nên có lẽ em vẫn sẽ để dự án của mình nho nhỏ như vậy thôi, để nó không bị phá vỡ bởi sự ràng buộc kinh tế". 

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 16.

Như một đám mây bồng bềnh giữa núi rừng Cát Cát, 3 năm qua với Vân là một trải nghiệm thú vị. Trong suốt 1 năm sống cùng gia đình Nủ, Vân hoàn toàn không tiêu đến tiền. Vân giúp mẹ Nủ trồng lúa, trồng rau, được chia rau, chia gạo cho ăn, quần áo có vài bộ mặc đi mặc lại, cũ thì đem nhuộm chàm chứ không cần mua thêm, mỹ phẩm không tốn xu nào, chi phí đi lại cũng không, vì toàn đi bộ vào rừng và loanh quanh bản. 

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 17.

"Đến giờ, sau 2 năm ra riêng, em cũng không chi tiêu gì mấy, tốn nhất là tiền thuê nhà, tiền mua vải, mua quần áo cũ để tái chế. Người sống ở thành phố quen sẽ thắc mắc làm sao có thể sống cả năm mà không sờ đến tiền, nhưng em vốn không có nhu cầu nhiều về vật chất bên ngoài, cứ thế sống nương vào tự nhiên, chứ không đến mức "vật vã" phải tiết chế chi dùng. Em tự trồng rau, nuôi 8 con vịt để đãi tiệc đám cưới nhưng rao mãi mà chưa tìm được chú rể nên thịt ăn hết rồi (cười)". 

Hiện tại, Vân rất vui - một niềm vui sâu thẳm từ bên trong của một áng mây tự do - và có đủ thời gian để làm mọi thứ mình thích. Cô không quá bận rộn với công việc, không sợ hãi tương lai, không lo nghĩ quá nhiều hay tự đặt nặng áp lực kinh tế hoặc "sự nghiệp" tương lai. 

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 18.

Sống trên núi, Vân vẫn thi thoảng làm workshop đón người đến học nhuộm chàm, viết câu chuyện của mình lên Facebook, cuối tuần đi chợ phiên ăn bắp ngô luộc hay bát phở gà, lượn lờ ngóc ngách xem thổ cẩm vải vóc, có khi mua về khúc vải dệt từ cây gai dầu hay cục sáp ong vàng óng thơm nức, về nhà đun nóng chảy sáp ong rồi ngồi vẽ và mang đi nhuộm chàm...

Vì không có dự án, hợp đồng này kia đang làm dở và phải sắp xếp thời gian mới có thể đi chơi, cũng không có quá nhiều tiền để sợ bị mất, bị lừa, Vân cứ thong dong đi chơi bất cứ đâu, bất cứ khi nào mình thích. Ngày nào với cô cũng có thể là ngày nghỉ, ngày nào cũng đi du lịch được. 

Cô luôn chuẩn bị sẵn hai ba lô quần áo, một để dành cho những dịp về quê thăm nhà, một để đi chơi bất cứ lúc nào. Hứng lên, Vân lên Tả Van, Lao Chải, Ý Linh Hồ, Hầu Thào… đi thăm bạn 3 ngày mới về. Có hôm, ngay trong đêm muốn đi Hà Giang, sáng hôm sau chưa kịp mở cửa hàng, Vân "vợt" được một đoàn đi Hà Giang vô tình đi qua bản Cát Cát, thế là cô vác ba lô và đi hẳn một tuần.

Cửa hàng ư, cô cứ vứt đấy cho bé học trò trông nom, cũng có khi cả hai chị em đều đi chơi bỏ cửa hàng đấy, dù nhẩm sơ thì số váy vóc, khăn áo trong cửa hàng của Vân trị giá hàng trăm triệu chứ chẳng rẻ. Cửa hàng thậm chí còn không có cửa nả, không có khóa, chỉ một tấm bạt phủ lối vào ngăn nắng mưa vì "2 năm nay không bị mất trộm món gì, dù có người trông hay không. Người dân xung quanh không ai (thèm) lấy, còn khách đến mua đồ nếu thấy em đi vắng sẽ ngồi đợi, cũng có người tự chọn đồ, lấy xong thì để tiền và giấy nhắn lại". 

Đôi bàn tay màu xanh và cuộc sống tự do của cô gái 9X bỏ phố về bản tự tay trồng lúa, nhuộm chàm, sống cả năm không sờ đến tiền - Ảnh 19.

Cứ như thế, Vân tà tà sống đời ngẫu hứng, tà tà tận hưởng niềm vui ở Sa Pa - ngôi nhà thứ hai, quyến thuộc của tâm hồn phiêu lãng, khao khát tự do như Vân. "Người ta có nhiều mới sợ mất, có nhà sợ mất nhà, có xe sợ mất xe, có tiền sợ mất tiền, còn em chỉ sợ mất tự do. Em tin rằng, việc mình sống ở đây và dạo chơi với những sản phẩm may mặc tự nhiên là một cơ duyên, một sự tương thông với tâm hồn mình. 

Vũ trụ thực ra có sự sắp xếp cho chúng ta những câu chuyện, hướng đi bắt nguồn từ từ bản năng và kỹ năng trong mình. Nếu nương theo tiếng gọi của bản ngã, hiểu được cái tôi của mình, bạn sẽ nhận ra được dấu hiệu, câu trả lời của vũ trụ với mình, để chạm đến cuộc đời mình muốn sống. 

Nhiều người khen em giỏi, em hay, em thì chỉ thấy mình may mắn, vì chưa bị ràng buộc vào đời ai, bố mẹ còn khỏe mạnh và thoải mái thả em đi, để em có thể sống tự do theo cách mà mình muốn, vậy thôi".

Phong Linh
Tâm An; Đức Anh
Kingpro
Hà Mĩ

Theo Phong Linh Ảnh: Tâm An; Đức Anh Clip: Kingpro Thiết kế: Hà Mĩ

Trí thức trẻ

Trở lên trên