Đôi khi bạn không cần lên tiếng, sự tĩnh lặng trong tâm trí mới là sự phát triển đỉnh cao: 4 khái niệm "thiền" kiểu Nhật Bản sẽ giúp bạn thay đổi và trưởng thành thực sự
Sự im lặng đôi khi còn giá trị hơn cả ngàn lời nói.
Mushin no shin – Tâm trí không suy nghĩ
Đây là cách hành động hoàn toàn dựa trên bản năng và cảm nhận, những giọng nói bên trong sẽ tuyệt đối im lặng. Bạn đã bao giờ đi dạo trong vô định, không biết đích đến, đầu óc trống rỗng không? Nhưng tiềm thức sẽ luôn dẫn lối cho bạn, đó chính là “mushin no shin”.
Đối với nhiều người thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng thì sự im lặng về tinh thần là vô cùng tự do. Thiền cũng có thể giúp đạt được trạng thái “mushin no shin” nhưng không phải ai cũng thích thiền. Ở bất kỳ lĩnh vực nào bạn cũng có thể tìm được trạng thái này, kể cả khi hoạt động thể chất như khiêu vũ, chạy, karate, hay ở các lĩnh vực sáng tạo – tinh thần như vẽ tranh, sudoku…
Chìa khóa cho trạng thái “mushin no shin” là sự nhất quán trong bất kỳ hoạt động nào bạn chọn. Bạn cần để nó diễn ra một cách tự nhiên thay vì gượng ép, vì khi bắt đầu bất cứ thứ gì chúng ta đều phải suy nghĩ rất nhiều. Nếu một ngày khi bạn đi làm và không biết thời gian đã trôi đi đâu mà chóng vánh đến vậy thì xin chúc mừng, não bộ của bạn đã tích lũy đủ các kỹ năng để bạn giải quyết các vấn đề mà không phải đắn đo cân nhắc. Bạn làm việc trong một trạng thái chủ động, thoải mái và đơn giản.
Để thử sức, bạn có thể bắt đầu với một phần công việc nhỏ. Thay vì để giọng nói bên trong đánh giá từng lời nói hoặc hành động, bạn cứ để mọi thứ tự nhiên rồi sau đó mới tập trung để sửa chữa, điều chỉnh. Nó chắc chắn sẽ giúp nâng cao tinh thần của bạn lên nhiều đấy!
Fudoshin – Tâm bất động
Giống như hình tượng của một samurai oai phong, bình tĩnh – Fudoshin là một trạng thái tâm lý giúp chúng ta đạt được mục tiêu cho dù bất kỳ sự xao nhãng nào xảy ra, cả ở bên trong hay bên ngoài.
Chúng ta có rất nhiều lý do để trốn tránh hay trì hoãn làm một việc gì đó, nhất là những thứ giúp chúng ta giải trí và vui vẻ. Tâm trí chúng ta có xu hướng từ chối một cách dứt khoát và mạnh mẽ ngay khi nghĩ đến chuyện phải từ bỏ thứ gì đó khiến nó vui vẻ.
Nhưng bạn có thể thực hành Fudoshin bằng cách thiết lập các mục tiêu nhỏ trước khi đặt ra một mục tiêu rất lớn và cưỡng ép bản thân. Ví dụ, thay vì việc quyết định đến phòng tập gym mỗi ngày, bạn có thể bắt đầu bằng việc đến phòng tập ít nhất mỗi tuần một lần mà không lý do. Hay để đọc hết một cuốn sách trong vòng một tháng thì hãy bắt đầu bằng 10 phút đọc sách mỗi ngày. Việc hoàn thành những nhiệm vụ dễ dàng này sẽ giúp bạn phát triển mong muốn khai thác sự kiểm soát tuyệt vời mà bạn có trong mình.
Zanshin – Duy trì tâm trí
Nghe thì có vẻ như khá giống Fudoshin nhưng Zanshin là một cách để nhắc nhở bạn rằng không được phép cho tâm trí thư giãn ngay cả khi mọi việc có vẻ như đang diễn ra một cách suôn sẻ và thành công. Tiêu điểm của nó là, bạn chỉ được phép thả lỏng tâm trí một khi nhiệm vụ đã kết thúc.
Nhiều người trong chúng ta có xu hướng trở nên tự mãn hay tự hào sớm khi nghĩ về chiến thắng cuối cùng. Nhưng thực tế mọi chuyện đều có thể xảy ra, ngay cả khi bạn đã chiến thắng đến 99%.
Điều bạn cần làm là trân trọng những thứ đã giúp bạn có được ngày hôm nay và không bao giờ để mất cảnh giác. Nếu bạn vừa làm việc lại vừa lang thang suy nghĩ về một chuyện riêng nào đó thì sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả 100%. Vì thế, để luyện tập Zanshin, bạn hãy kiên nhẫn với sự chú ý của chính mình. Nếu đang dùng bữa với bạn bè thì hãy tập trung vào những câu chuyện đến những giây cuối cùng, đừng bắt đầu nghĩ về những việc ngày mai phải làm vì họ sẽ không muốn gọi bạn lần sau nữa đâu!
Shoshin – Tâm trí của người mới bắt đầu
Hãy luôn đón nhận mọi thứ với một tâm trí trống rỗng chính là thông điệp của Shoshin. Chúng ta biết rằng não bộ có thể học và nhớ đang hàng trăm ngàn điều, nhưng đó là khi bạn chấp nhận cởi mở để đón nhận những thông tin mới. Còn nếu không, bạn sẽ luôn cho rằng điều đó là sai trái, vô lý, không chính xác.
Một khía cạnh thiết yếu của Shoshin là bạn phải chấp nhận sự thật rằng bạn không phải là “chuyên gia biết tuốt”, bạn hoàn toàn có thể sai và chỉ như thế mới có thể thích nghi, phát triển. Điều này cũng có nghĩa là bạn phải học cách lắng nghe, cố gắng thấu hiểu người khác cũng như dũng cảm xin lỗi.
Tuy nhiên, điều thách thức nhất khi theo đuổi ‘chủ nghĩa’ Shoshin là việc duy trì niềm tin. Bạn cởi mở và đón nhận những ý kiến nhưng không có nghĩa là từ chối và phủ nhận bản thân. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo, và việc chấp nhận việc đó là cách để bạn phát triển mà không cảm thấy tội lỗi, thất vọng về bản thân. Bạn hãy dùng những điều đó để đối chiếu với quan điểm cá nhân, học hỏi từ những gì người khác nghĩ và đúc rút cho bản thân suy nghĩ của riêng mình.
Theo Medium