Đòi nợ thế nào cho đúng pháp luật?
Nhiều trường hợp người vay cố tình không trả tiền song người cho vay không biết phải đòi nợ thế nào cho đúng luật
Liên quan đến nội dung này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng đối với hoạt động thu hồi nợ, cá nhân, tổ chức thu hồi nợ không được thực hiện các hành vi xâm phạm đến tài sản, danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của con nợ để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Luật sư Trần Xuân Tiền
Trên thực tế, không ít trường hợp, bên thu nợ sử dụng những biện pháp tiêu cực, làm ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm uy tín của con nợ như tung tin đồn không đúng sự thật về con nợ, đưa ảnh và thông tin của họ lên mạng xã hội hay ghép và tung ảnh nhạy cảm của họ nhằm gây áp lực và đe dọa họ trả nợ.
Tuy nhiên, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình căn cứ Điều 32 Bộ luật dân sự 2015, người khác muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân thì bắt buộc phải được người đó cho phép. Do đó, việc tự ý đưa thông tin, tung tin đồn, hay ghép ảnh nhạy cảm của con nợ để tung lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như đối với cá nhân, tổ chức có hành vi đưa ảnh, thông tin của con nợ lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính về hành vi thu thập, và sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý căn cứ quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và 5 triệu - 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, những đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 05 năm tù.
Đối với hành vi tung tin đồn về con nợ trên mạng xã hội, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính căn cứ điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Mức phạt trong trường hợp này là từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm, 5 triệu - 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và đối tượng vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Trường hợp xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác, người vi phạm có thể bị truy cứu về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 07 năm tù.
Ngoài ra, hành động dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực đối với con nợ để gây sức ép cho họ trả nợ là không được phép, trái với pháp luật. Không ít trường hợp vì tức giận, vì muốn đòi nợ nhanh, chủ nợ đã thuê xã hội đen đến tận nhà con nợ đập phá tài sản, tự ý lấy tài sản để bán trừ nợ, thuê người đánh đập con nợ, bắt giữ con nợ để ép họ trả tiền… Tuy nhiên, việc làm này không những không hiệu quả, mà còn khiến họ có thể phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích, Hủy hoại tài sản hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản, Cưỡng đoạt tài sản…
"Bởi vậy, cá nhân tổ chức khi thu hồi nợ không được có những biện pháp tiêu cực, xâm phạm đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của con nợ, thay vào đó, hãy giữ bình tình để thỏa thuận với nhau về cách thức thanh toán nợ, nếu không thống nhất được thì nên lựa chọn cách thức đòi nợ mạnh mẽ hơn nhưng vẫn đúng pháp luật: tố giác đến cơ quan công an nếu có dấu hiệu hình sự, hay khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu họ trả nợ…" - luật sư Tiền nêu rõ
Bên cạnh đó, để thu hồi nợ đúng luật, cá nhân, tổ chức thu hồi nợ phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu hồi nợ. Như đối với các công ty tài chính thường sử dụng hình thức đòi nợ qua điện thoại, các tổ chức này cần phải tuân thủ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN, sửa đổi bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của các công ty tài chính.
Cụ thể, các công ty tài chính phải có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/1 ngày; hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
"Câu chuyện thu hồi nợ luôn khiến nhiều người đau đầu, làm sao để vừa thu hồi nợ hiệu quả lại vừa đảm bảo đúng pháp luật, không để mình phải gánh chịu những hậu quả pháp lý đáng tiếc. Dẫu biết ai cũng mong muốn thu hồi được khoản nợ, thế nhưng việc tôn trọng quyền lợi cho bên vay là rất cần thiết. Tôn trọng để không xâm phạm quyền của họ, tôn trọng để tránh vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp giữa chủ nợ và con nợ có mâu thuẫn sâu sắc, không thể ngồi lại được với nhau thì làm sao có thể giữ bình tĩnh, làm sao đã có kinh nghiệm thu nợ khi chưa thu nợ bao giờ và còn nhiều người còn tâm lý ngại đòi nợ? Khi đó, tốt nhất là nên tìm đến sự trợ giúp của bên thứ ba am hiểu về pháp luật, có kinh nghiệm trong lĩnh vực thu nợ" - luật sư này nêu rõ.
Người lao động