MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối phó căn bệnh đặc trưng thế kỷ 21: Bài phát biểu 8 năm trước của Đạt Lai Lạt Ma còn nguyên giá trị!

20-01-2018 - 20:47 PM | Sống

Tôi không nghi ngờ gì khả năng những người nỗ lực chuyển hóa tâm trí của họ, vượt qua những cảm xúc nhiễu loạn và đạt được cảm giác bình yên ở bên trong...

LTS: Căng thẳng (Stress), lo âu (Anxiety) và trầm cảm (Depression) được y học thế giới ghép chung vào một nhóm bệnh là "SAD". Nhiều trường hợp, hội chứng này còn được gọi là "căn bệnh đặc trưng của thế kỷ 21".

Trong một bài báo trên Sức khỏe & Đời sống có viết: Sự căng thẳng, lo lắng và trầm cảm không chỉ trở nên phổ biến mà còn trở nên vô cùng bình thường trong cuộc sống hàng ngày nếu người ta chấp nhận một số triệu chứng (rối loạn giấc ngủ) và dựa dẫm vào hiệu lực của thuốc an thần, thuốc ngủ hay thuốc chống trầm cảm.

Nếu Stress và Anxiety kéo dài, không có những phương pháp để điều trị tích cực hơn, con người dễ dàng rơi vào trạng thái tiêu cực, thậm chí nghĩ đến tự tử.

Bài viết chúng tôi giới thiệu dưới dây của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, hy vọng sẽ giúp nhiều người nhận ra và tìm cách đối trị với vấn đề này.

Giàu có không phải là sự đảm bảo cho niềm vui, hạnh phúc

Ở cấp độ cơ bản, là chúng sinh, chúng ta đều giống nhau; mỗi người trong chúng ta đều thiết tha mong cầu hạnh phúc và không mong muốn phải chịu đựng khổ đau.

Đó là lý do tại sao, bất kể khi nào có dịp, tôi cố gắng hướng sự quan tâm của mọi người tới những gì là điểm chung giữa các thành viên trong gia đình loài người và bản chất gắn kết sâu sắc giữa sự tồn tại và hạnh phúc của chúng ta.

Ngày hôm nay, nhận thức này đã có tăng trưởng, cũng như có thêm nhiều bằng chứng khoa học, để khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa trạng thái tâm trí và hạnh phúc của chúng ta.

Nhiều người trong chúng ta sống trong những xã hội phát triển vật chất, nhưng cũng nhiều người trong số đó không thật sự hạnh phúc. Ở ngay bên dưới bề mặt đẹp đẽ của giàu có là tâm trí bất ổn, dẫn tới nỗi thất vọng, gây hấn không cần thiết, lệ thuộc vào thuốc hay chất cồn, và tệ nhất, là tự tử.

Không có gì đảm bảo rằng chỉ riêng giàu có sẽ mang lại cho bạn niềm vui hay đáp ứng được những gì bạn đang tìm kiếm. Điều này đúng với cả bạn bè của bạn.

Khi bạn trong trạng thái rất tức giận hoặc tràn đầy căm ghét, thậm chí một người bạn xuất hiện cũng chỉ gây cảm giác ảm đạm, lạnh lẽo, xa cách, và bực bội.

Tuy nhiên, là con người, chúng ta được trao tặng nhân - trí tuệ tuyệt vời này. Bên cạnh đó, tất cả mọi người đều có khả năng quyết tâm và dẫn dắt tri giác quyết đoán mạnh mẽ đó theo bất cứ hướng nào họ muốn.

Miễn là chúng ta nhớ rằng, chúng ta có được món quà trí tuệ con người tuyệt diệu này và có khả năng phát triển lòng quyết tâm cũng như sử dụng nó theo hướng tích cực, chúng ta sẽ duy trì được sức khỏe tinh thần ở bên trong.

Nhận ra rằng con người chúng ta có khả năng tuyệt vời này mang lại cho chúng ta sức mạnh cơ bản. Nhận thức này có thể hoạt động như một cỗ máy giúp chúng ta giải quyết bất cứ khó khăn nào, bất kể tình huống ta đang đối mặt là gì, mà không mất đi hy vọng hay chìm đắm vào cảm giác tự ti.

Đối phó căn bệnh đặc trưng thế kỷ 21: Bài phát biểu 8 năm trước của Đạt Lai Lạt Ma còn nguyên giá trị! - Ảnh 2.

Thứ phá vỡ sự bình yên trong ta là cảm xúc nhiễu loạn

Chúng ta đôi khi có thể cảm thấy toàn bộ cuộc đời mình thật không gì như ý, chúng ta cảm giác trên phương diện bị chìm đắm trong những khó khăn trước mắt. Điều này xảy ra với chúng ta ở nhiều cấp độ khác nhau hết lần này đến lần khác.

Khi điều này xảy đến, chúng ta cần nỗ lực hết sức để tìm ra cách thức nâng đỡ tinh thần.

Chúng ta có thể hồi tưởng những may mắn của chúng ta. Lấy ví dụ, chúng ta được ai đó yêu thương; chúng ta có những tài năng nhất định; chúng ta có thể được giáo dục tốt; chúng ta có thể được đáp ứng những nhu cầu cơ bản – thực phẩm để ăn, quần áo để mặc, nơi để sống - chúng ta có thể đã thực hiện những hành vi vị tha trong quá khứ.

Chúng ta có thể xem xét đến những mặt tích cực dù là nhỏ bé nhất trong cuộc đời mình. Bởi nếu chúng ta không thể tìm ra cách thức nâng đỡ chính mình, sẽ có nguy cơ chìm ngập sâu hơn nữa trong cảm giác bất lực. Điều này có thể dẫn chúng ta tới niềm tin rằng chúng ta không có khả năng làm bất cứ việc gì tốt đẹp. Như thế, chúng ta tạo điều kiện cho chính nỗi thất vọng.

Là một người tu theo đạo Phật, tôi đã học được rằng thứ chủ yếu phá vỡ sự bình yên bên trong chúng ta chính là thứ chúng tôi gọi là cảm xúc nhiễu loạn.

Tất cả những suy nghĩ, cảm xúc, và những sự kiện tinh thần phản ánh trạng thái tâm trí tiêu cực hoặc không từ ái chắc chắn sẽ làm xói mòn trải nghiệm của chúng ta về sự bình yên bên trong. Tất cả những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực – như căm ghét, giận dữ, kiêu ngạo, ham muốn, tham lam, ghen tỵ v.v. - được xem là nguồn gốc của khó khăn, sẽ gây nhiễu loạn.

Các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực là những thứ ngăn trở nguyện vọng căn bản nhất của chúng ta - được hạnh phúc và không phải khổ đau. Khi hành động dưới ảnh hưởng của chúng, chúng ta quên đi ảnh hưởng từ hành động của chúng ta lên người khác: vì thế chúng là nguyên nhân gây nên hành xử phá hoại của chúng ta, lên người khác và lên chính chúng ta.

Sát nhân, bê bối, và lừa đảo đều xuất phát từ những cảm xúc nhiễu loạn.

Đối phó căn bệnh đặc trưng thế kỷ 21: Bài phát biểu 8 năm trước của Đạt Lai Lạt Ma còn nguyên giá trị! - Ảnh 3.

Hãy rèn luyện để biết cách chuyển hóa tâm trí!

Điều này chắc chắn làm nảy sinh câu hỏi - chúng ta có thể huấn luyện tâm trí không? Có nhiều phương pháp để làm điều đó.

Trong số này, trong truyền thống Phật giáo, có một hướng dẫn đặc biệt gọi là rèn luyện tâm trí, trong đó tập trung vào việc trưởng dưỡng lòng quan tâm với mọi người và chuyển hóa nghịch cảnh thành thuận lợi.

Chính cách vận hành tư duy để chuyển hóa các rắc rối thành hạnh phúc này đã giúp người Tây Tạng duy trì chân giá trị và tinh thần của họ khi phải đối mặt với những khó khăn to lớn. Tôi thực sự cũng thấy lời khuyên này mang lại lợi lạc lớn trong đời sống của chính mình.

Một bậc thầy rèn luyện tâm trí vĩ đại của Tây Tạng từng nhấn mạnh rằng, một trong những phẩm chất tuyệt diệu nhất của tâm trí đó là nó có thể được chuyển hóa.

Tôi không nghi ngờ gì khả năng những người nỗ lực chuyển hóa tâm trí của họ, vượt qua những cảm xúc nhiễu loạn và đạt được cảm giác bình yên ở bên trong.

Họ, qua một giai đoạn, sẽ chú ý tới sự thay đổi trong thái độ và ứng xử về tinh thần của chính mình trước con người và hoàn cảnh. Tâm trí họ trở nên quyết đoán và tích cực hơn. Và tôi chắc chắn họ sẽ tìm thấy cảm giác hạnh phúc của chính mình được trưởng dưỡng khi họ đóng góp vào hạnh phúc lớn hơn của mọi người.

Tôi cầu nguyện tất cả mọi người lấy đó làm mục đích sẽ được thành công.

* Dalai Lama, ngày 31 tháng 12 năm 2010

Đôi nét về Đức Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) thứ 14

Đức Dalai Lama 14 (sinh 6/7/1935), Tenzin Gyatso, tự mô tả mình là một tu sĩ Phật giáo bình thường. Ngài là lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng.

Ngài sinh ra trong một gia đình nông dân, tại một xóm nhỏ nằm ở Taktser, Amdo, đông bắc Tây Tạng. Khi đứa trẻ lên hai, đã được mang tên Lhamo Dhondup, và được phát hiện là hiện thân của Dalai Lama 13 trước đó, Thubten Gyatso. Người ta tin rằng các Dalai Lama là hiện thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, Bồ Tát của lòng Từ bi và vị đỡ đầu của Tây Tạng.

Năm 1989 ngài được trao tặng giải thưởng Nobel vì Hòa Bình. Ngài cũng là người nhận Nobel đầu tiên được ghi nhận vì mối quan tâm đối với các vấn đề môi trường toàn cầu.

Đức Dalai Lama 14 đã đi tới hơn 67 quốc gia trải khắp 6 lục địa. Ngài đã nhận hơn 150 giải thưởng, học vị tiến sỹ danh dự, tặng thưởng, v.v... vinh danh thông điệp của ngài về hòa bình, không bạo lực, hiểu biết giữa các tôn giáo, trách nhiệm toàn cầu và lòng bi mẫn. Ngài cũng là tác giả và đồng tác giả của hơn 110 cuốn sách.

Từ giữa thập niên 1980, Đức Dalai Lama đã tham gia cuộc đối thoại với các nhà khoa học hiện đại, chủ yếu trong lĩnh vực tâm lý, thần kinh, vật lý lượng tử và vũ trụ học. Việc này đã tạo nên mối cộng tác lịch sử các tu sĩ Phật giáo và các nhà khoa học lừng danh thế giới trong nỗ lực giúp mọi người đạt được bình yên trong tâm trí.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt. Trích dịch từ bài viết trên Dalailama.com.


Theo Ngọc Mai

Trí thức trẻ

Trở lên trên