MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối thoại 2045: Khẳng định doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng

Đối thoại 2045: Khẳng định doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng

TS. Cấn Văn Lực đánh giá để đạt được mục tiêu tới 2045 Viêt Nam trở thành nước phát triển, cần kiên định và nhất quán trong chủ trương chính sách, coi thành phần kinh tế tư nhân là động lực quan trọng.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Đầu tháng 3/2021, tại TP. HCM, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045" nhằm hiện thực hoá khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045.

Tạp chí Nhà Đầu tư đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, xoay quanh cuộc gặp này.

Đối thoại 2045: Khẳng định doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia.


Ông đánh giá như thế nào về cuộc "Đối thoại 2045" giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp vừa qua?

TS. Cấn Văn Lực: Trước hết, có thể thấy mục tiêu chính của cuộc đối thoại là để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, tiếp nhận ý kiến đóng góp tâm huyết cho phát triển kinh tế xã hội đất nước từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Cuộc gặp đủ các thành phần doanh nghiệp trong nền kinh tế như DNNN, DN tư nhân và cả DN FDI. Đó là ý tưởng và cách làm hay, tập hợp được ý kiến đa chiều từ cả phía các cơ quan quản lý, các doanh nhân và đội ngũ trí thức dưới hình thức thảo luận mở, mọi người có thể tham gia ý kiến một cách khách quan, thẳng thắn và có tính chất xây dựng. Đối thoại 2045 hứa hẹn sẽ được duy trì hàng năm như một hình thức để Chính phủ nắm bắt tình hình phát triển của DN và người dân.

Qua Đối thoại 2045 có thể thấy, sự kiện tạo được cảm hứng, khiến người dân, doanh nghiệp thấy rằng Chính phủ, các Bộ ngành đã có tầm nhìn, khát vọng vươn xa đến năm 2045 - khuyến khích tư duy khát vọng, có tầm nhìn hơn từ phía cộng đồng người dân, doanh nghiệp. Điều này là hết sức quan trọng và cần thiết vì dù có định hướng phát triển theo cách nào thì trước hết phải có tầm nhìn, kế hoạch, chiến lược phát triển vì có những dự án, công trình, vấn đề lớn phải được hoạch định, xây dựng xuyên suốt mấy chục năm như làm hạ tầng, sân bay, cảng biển...

Ông đánh giá thế nào về mục tiêu năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập bình quân đầu người trên 12.000 USD/người?

Nghị quyết Đại hội XIII đã đưa ra những mục tiêu, tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI. Cụ thể: Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

GDP Việt Nam năm 1995 là 20,74 tỷ USD, còn rất nhỏ bé, đứng thứ 58 trên thế giới. Đến năm 2020, GDP Việt Nam khoảng 340 tỷ USD (gấp hơn 16 lần năm 1995), đứng thứ 37 thế giới, thuộc cận trên của nhóm thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2045, với giả định Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%/năm giai đoạn 2021-2045, quy mô nền kinh tế khi đó sẽ đạt khoảng 1.850 tỷ USD (gấp 5,5 lần năm 2020), tương đương quy mô kinh tế của Hàn Quốc, Italia, Canada, Australia, Nga.... năm 2020.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 1995 là 290 USD (đứng thứ 175/195 quốc gia), năm 2020 là 3.520 USD (gấp 12 lần năm 1995, đứng thứ 121/195 quốc gia) và ước tính năm 2045 sẽ đạt khoảng 14.730 USD (với giả định GDP tăng trưởng 7%/năm và dân số tăng 1,1% giai đoạn 2021-2030 và 1,05% giai đoạn 2031-2045). Mức này vượt mốc 12.375 USD (cận dưới của nhóm nước có thu nhập cao); tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của Ba Lan (15.300 USD), cao hơn Malaysia năm 2020 (10.200 USD) và tương đương Trung Quốc năm 2025...(với giả định GDP của Trung Quốc tăng trưởng 7%/năm từ nay đến 2025).

Để đạt được những mục tiêu trên, định hướng tới năm 2045, kinh tế tư nhân bao gồm cả hộ gia đình, cá thể ước tính đóng góp 60-65% GDP (Hiện nay khoảng 43% GDP). Cùng với đó, theo tôi có 4 việc cần phải làm như sau: Một là kiên định và nhất quán trong chủ trương chính sách, coi thành phần kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Hai là thực hiện tốt Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân. Trong Nghị quyết đã nêu khá rõ định hướng, mục tiêu, giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân. Vấn đề bây giờ là cần đánh giá xem sau 3 năm thực hiện chúng ta đã làm được tới đâu? Ba là tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và bình đẳng - bình đẳng giữa các khối DN.

Cuối cùng là nhà nước cần phải hỗ trợ để DN tư nhân và kinh tế hộ gia đình có thể nâng tầm lên, ở đây thể chế có vai trò quyết định. Thể chế liên quan tới tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ tháo bỏ rào cản thủ tục, chi phí không chính thức để nâng cấp hộ kinh doanh lên DN theo hình thức khuyến khích. Thể chế hoá điều kiện, môi trường kinh doanh bình đẳng từ tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai, nguồn lực, tham gia các dự án lớn của Việt Nam; hỗ trợ để kinh tế tư nhân, trong đó có kinh tế tư nhân hộ gia đình triển công nghệ, nguồn nhân lực; hỗ trợ kết nối với DN lớn, DNNN, DN FDI.

Cải cách thể chế cần được hiểu là kiến tạo qua cơ chế, chính sách chứ không cần quá nhiều nguồn lực.

Ông nghĩ sao về quan điểm cần "hỗ trợ doanh nghiệp đầu đàn"?

Theo tôi là không nhất thiết. Luật Doanh nghiệp mới quy định, người dân có thể tham gia bất cứ lĩnh vực nào mà nhà nước không cấm, không hạn chế tham gia. Nghĩa là anh có thế mạnh ở lĩnh vực nào thì khởi nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực đó.

Cần xác định rằng, hỗ trợ phải theo 2 hướng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp đầu đàn nhưng cũng phải hỗ trợ cả những DN nền tảng. Về lý thuyết, có thể thấy hỗ trợ "đại bàng thắng cuộc" sẽ tạo ra sự lan tỏa, khi những DN mạnh lên sẽ lôi kéo được những DN yếu kém cùng phát triển. Nhưng trên thực tế điều này lại phụ thuộc nhiều vào đạo đức kinh doanh của những DN đầu đàn đó. Nhà nước không thể bắt buộc họ phải có trách nhiệm với DN nhỏ hơn khi họ đã lớn mạnh.

Duy trì 2 phương thức hỗ trợ là hỗ trợ những DN đầu đàn theo một cách và những DN nhỏ yếu hơn theo cách khác, không cào bằng. DN yếu kém mà có khả năng phục hồi tốt thì hỗ trợ họ sẽ rất tốt, vì đằng sau đó là hàng nghìn, hàng triệu công ăn việc làm. Không những vậy, có những lĩnh vực, khu vực của Việt Nam chỉ phù hợp hơn với DN nhỏ và vừa như khu vực nông nghiệp nông thôn, miền núi hay làng nghề. Quan trọng hơn cả là hỗ trợ đúng và trúng những DN có khả năng phục hồi tốt, tạo công ăn việc làm, có tính lan toả.

Vậy theo ông trong bối cảnh mới, thế giới và Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 thì lợi thế của Việt Nam là gì?

Việt Nam có 3 ưu thế ở thời điểm hiện tại. Một là làm tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi kinh tế, trở thành một quốc gia hiếm hoi tăng trưởng dương trong năm 2020. Trong cạnh tranh công nghệ, thương mại thì Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn để nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển.

Thứ 2, rất quan trọng, Việt Nam có địa chính trị ổn định, cùng với đó, môi trương đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Thứ 3, Việt Nam vẫn có ưu thế dân số tương đối trẻ, thu nhập bình quân đầu người tăng tương đối nhanh. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh tạo ra thị trường tiêu thụ, tiêu dùng trong nước lớn. Cùng với đó là chi phí nhân công, lao động còn thấp hơn nhiều so với Đài Loan, Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, chúng ta vẫn có những điểm yếu như chất lượng thể chế còn chưa tốt, thiếu nhất quán, thực thi yếu. Về đánh giá nguồn nhân lực, theo diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2019, chỉ số lao động có kỹ năng của Việt Nam mới đứng thứ hạng 90 trong số 141 nước được xếp hạng. Cơ sở hạ tầng cũng còn nhiều bất cập. Kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ 4.0 phát triển tương đối tốt nhưng tốc độ còn chậm so với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan. Đây là những điểm then chốt cần được quan tâm, cải thiện trong thời gian tới.

Theo N.Thoan

Nhà đầu tư

Trở lên trên