MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đối thoại 2045", tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển

"Đối thoại 2045", tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển

Chiều 6/3, tại TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045". Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết doanh nhân, trí thức đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Do vậy, đối thoại này nhằm lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết: "Chúng tôi muốn trao đổi ý kiến về đồng góp chiến lược, về khát vọng của chúng ta để thực hiện mục tiêu 2045. Lắng nghe những giải pháp phát triển, hiến kế phát triển đất nước trong bối cảnh mới của toàn cầu và Việt Nam hiện nay".

Đối thoại 2045 sẽ được tổ chức thường niên, định kỳ hàng năm, bao gồm nhiều chủ đề từ kinh tế xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kể cả an ninh quốc phòng. "Tất cả những chủ đề, nội dung có liên quan và có tính ảnh hưởng đến tầm nhìn về một Việt Nam vẻ vang, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu đều sẽ hiện diện trong các "Đối thoại 2045".

Đáng chú ý, buổi đối thoại có sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Chủ tịch Tập đoàn Masan ông Nguyễn Đăng Quang, Phó tổng giám đốc Vingroup ông Võ Quang Huệ, Chủ tịch Tập đoàn Novaland ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Thaco ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Dragon Capital ông Dominic Scriven... Ước tính sơ bộ, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham dự Hội nghị khoảng hơn 26 tỷ USD/năm. 

Tại đây, ông Võ Quang Huệ, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast tại Hải Phòng nhấn mạnh tinh thần mạnh mẽ của người dân Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ, vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Huệ cho hay, sau khi học ở nước ngoài, ông về làm việc trong nước trong dự án ô tô Vinfast, với mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển đột phá, làm ra chiếc ô tô mang thương hiệu Việt. Hiện đã có hơn 40.000 ô tô Vinfast lăn bánh trên đường Việt Nam, chỉ tính hơn 20 tháng kể ra bán từ chiếc xe đầu tiên.

Sau giai đoạn phát triển đầu tiên, Vinfast đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng với nhiều khó khăn, thách thức, cần sự động viên, khuyến khích của Đảng, Nhà nước và người dân Việt Nam. Do vậy, cần chung tay nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường.

Chủ tịch Công ty Masan, ông Nguyễn Đăng Quang nhận định, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

Lý giải về điều này, đại diện Masan khẳng định, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.

Ngoài ra, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, doanh nghiệp có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Tiếp theo là vấn đề về nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa. Cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện... Ông Quang kết luận, việc nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên