Có một cái gì đó thật vui, và cũng thật tự hào khi những ký giả tốt nhất về bóng đá châu Á đã dùng ngòi bút của họ nói về Việt Nam. Foxsports có bài so sánh Quang Hải với Lionel Messi, ESPN thì viết một bài dài mà đọc cái tựa thôi đã thấy… mát ruột: “Malaysia, Singapore và Philippines có thể học hỏi từ sự vươn lên thần kỳ của Việt Nam”.
Trong lúc truyền thông Á châu bày tỏ sự khâm phục dành cho những “chiến binh rồng lửa”, “những ngôi sao vàng”, “bầy sói Việt Nam” hay bất kỳ biệt danh nào tùy bạn chọn, truyền hình nước ta vẫn quanh quẩn với những khái niệm như “thần kỳ” hay tinh thần chiến đấu quả cảm.
Cách đây một năm, khi chúng ta hạ Iraq sau loạt đấu súng tại giải U23 châu Á, đấy quả thực là một trận đấu quả cảm, khi chúng ta thi đấu vượt ngưỡng. Nhưng tròn một năm sau, cũng là ngày 20/1, cũng là Bùi Tiến Dũng sút thành công quả luân lưu quyết định, Việt Nam chính thức lấy tấm vé đầu tiên lọt vào tứ kết Asian Cup, ta chẳng thể gọi đấy là một câu chuyện thần kỳ nữa. Một năm đã qua, cậu bé trai làng Phù Đổng đã trở thành Thánh Gióng. Và chúng ta thực sự đã ra khỏi lũy tre làng. Đội bóng duy nhất của Đông Nam Á còn trụ lại ở cuộc tranh tài lớn nhất châu lục, đấy chẳng phải là sự trưởng thành ư?
Người ta bảo trong bóng đá, những con số không biết nói dối. Vậy hãy nhìn những con số trong trận Việt Nam – Jordan để thấy, ta cầm bóng nhiều hơn họ, ta sút nhiều hơn, ta phạm lỗi ít hơn và tỷ lệ phạt góc khi kết thúc hiệp 2 là 8-0. Họ chả dám tấn công ta, hoặc hàng thủ ta đủ mạnh để không phải lúng túng phá bóng. Còn khung thành họ thì thực sự đã phải hứng chịu những màn oanh tạc. Khi Trọng Hoàng tung ra một cú sút từ cách xa 40 mét mà thủ môn dày dạn kinh nghiệm của đối thủ phải mất tới hai nhịp mới hóa giải được, ta biết mình đang xem một trong những trận đấu hay nhất của đội tuyển.
Hãy nhớ trận thua Iraq 2-3. Trước quả đá phạt ấn định tỷ số 3-2, trong những phút cuối cùng, HLV Iraq thậm chí… không dám nhìn. Hãy nhớ trận hạ Yemen 2-0 để nuôi hy vọng đi tiếp, chúng ta đã… tiếc như thế nào vì không thể thắng đậm hơn. Và hãy nhớ Jordan đã làm đủ mọi cách để có thể lôi ta vào loạt sút luân lưu quyết định, để rồi chính họ phải trả giá cho toan tính ấy. Hãy dùng từ “đẳng cấp” thay cho “ý chí”, hãy dùng từ “xứng đáng” thay vì “vỡ òa”. Tôi vẫn nhớ bài viết của John Duerden, cây viết về bóng đá châu Á hay nhất hiện tại, sau khi chúng ta lên ngôi vô địch AFF Cup: “Với lứa cầu thủ trẻ này, giới hạn của họ có lẽ là bầu trời”.
Nhật Bản đêm nay tất nhiên rất mạnh. Mỗi lần Việt Nam chạm trán với Nhật Bản, chúng ta đều kể lại một giai thoại kinh điển. Đó là vào những năm 1960, khi thi đấu giao hữu tại Việt Nam, đại diện của bóng đá Nhật Bản đã tặng đội bóng của ta mô hình một chiếc giày nhỏ, với hàm ý khiêm tốn Nhật Bản chỉ là chiếc giày nhỏ, so với chiếc giày lớn là Việt Nam. Những ngày ấy, Phạm Huỳnh Tam Lang được xem như một trong những trung vệ hàng đầu châu Á, trong khi nền bóng đá Nhật hãy còn vô danh. Đá với ta là niềm tự hào của họ.
Câu chuyện ấy, chẳng biết có bao nhiêu phần trăm sự thực, nhưng cũng gợi nên nhiều điều suy ngẫm. “Chiếc giày nhỏ” Nhật Bản năm nào giờ đã thành cường quốc bóng đá số 1 châu Á. Họ đã dự 6 kỳ World Cup dù mới cách đây hai thập kỷ còn chưa có nổi giải bóng đá chuyên nghiệp. Vậy thì hà cớ gì ta không được phép ước mơ như Nhật Bản? Chẳng phải ta cũng ở đây, chuẩn bị bước vào một trận nốc ao sòng phẳng với họ. Và chẳng phải ngày mai sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay đó sao?
Chưa cần biết cục diện trận đấu tới sẽ diễn ra như thế nào, nội cái cảm giác háo hức, hồi hợp chờ đợi đến trận đấu thôi cũng đã khiến ta sung sướng. Ngày nào còn bơi trong ao làng, với những SEA Games, AFF Cup, nay chúng ta chuẩn bị đá một trận tứ kết Asian Cup, với tư cách là một trong 8 đội mạnh nhất giải. Ước mơ bao nhiêu năm, bỗng dưng hiện ra trước mắt.
Điều tuyệt vời, cho dẫu hôm nay thành bại thế nào, là chúng ta còn một lứa cầu thủ rất trẻ. Và vì trẻ nên đầy nhiệt huyết, vì trẻ nên luôn có khoảng trống cho sự tiến bộ, vì trẻ nên không biết sợ hãi là gì. Sự đoàn kết giúp cho đội thi đấu thành công. Và ngược lại, thành công khiến mọi người đoàn kết hơn. Việt Nam sở hữu đội hình có tuổi trung bình nhỏ nhất giải, nhưng trẻ người không đồng nghĩa với non dạ. Bởi vì ẩn sâu trong đội ngũ trẻ trung này là biết bao câu chuyện thăng trầm.
Và người xem đồng hành những câu chuyện ấy. Đó là câu chuyện của Nguyễn Công Phượng, người ở tuổi 18, 19 đã gánh vác trọng trách cứu rỗi cả một nền bóng đá. Ngày anh nổi lên ở đội U19 Việt Nam, bóng đá Việt Nam đang ở dưới đáy của một cuộc khủng hoảng. Sân cỏ bạo lực, khán đài đìu hiu, đội tuyển sa sút, Phượng bỗng dưng phải gánh trọng trách của một người cứu rỗi. Nhãn hàng vồ lấy anh, người ta đưa anh vào truyện tranh, cố biến anh thành một Tsubasa của Việt Nam. Rồi thực tế ập đến, bao nhiêu cuộc khủng hoảng ập lên đầu chàng trai trẻ. Scandal khai man giấy khai sinh, cuộc tình tốn giấy mực đến tận bây giờ với nàng ca sĩ Hòa Minzy, chửi mắng đàn anh, trong khi tài năng thuở ban đầu thì liên tục bị đặt dấu hỏi. Chừng ấy biến cố có thể giết chết sự nghiệp của bất kỳ cầu thủ trẻ nào. Nhưng Phượng lầm lũi vượt qua tất cả. Từ một anh chàng có lối chơi cúi gằm mặt xuống đất, rê rắt lắt nhắt đến chàng trung phong dứt điểm một chạm tung lưới Jordan, Phượng đã đi qua một hành trình rất dài. Anh đứng đó, nơi cao nhất trên hàng công Việt Nam, là bởi vì anh xứng đáng.
Ta nghĩ gì khi nghĩ về Trọng Hoàng? Một cầu thủ hữu dũng vô mưu, hay phá game, ăn thẻ đỏ. Bởi vậy mà người ta mới đặt cho anh cái biệt danh là Hoàng Bò. Vậy mà tại giải lần này, Hoàng Bò lột xác ngoạn mục. Anh chơi cực kỳ bền bỉ. BLV Lý Chánh ví Trọng Hoàng với James Milner, thực sự quá hợp. Hoàng lớn tuổi nhất đội, xem anh đá có cảm tưởng anh chuẩn bị hết hơi tới nơi. Vậy mà anh chuẩn bị từ hồi AFF Cup tới giờ vẫn… chưa hết. Có cảm giác Hoàng Bò càng đá càng khỏe. Bên cạnh cái chất chiến binh giờ đã có thêm đôi phần tinh tế. Hoàng thuận chân phải, nhưng những động tác rê bóng chân trái của anh rất tinh quái, khiến đối thủ cực kỳ khó chịu. Quả tạt cho Công Phượng quá đẹp, và nó thực sự là một gợi ý tuyệt vời. Dân ta không cao to, khi đấu với những trung vệ hơn mình cái đầu, những quả tạt tầm thấp và trung bình như thế là cực kỳ phù hợp. Phát huy sở trường, hạn chế sở đoản là đó chứ đâu nữa.
Hay đó là hành trình của Quế Ngọc Hải. Từ gã trai xốc nổi, có thể vì tham một pha bóng mà đá gãy chân cả đồng nghiệp, nay đã trở thành một chiến binh sắt thép. Đứng trên chấm 11 mét, khí thế của anh trấn áp đối thủ. Rắn rỏi nhưng không còn chơi xấu, Ngọc Hải lạnh lùng nhìn quả luân lưu quyết định của Bùi Tiến Dũng, trên miệng nở một nụ cười, trong lúc đồng đội quanh anh đều đang cầu nguyện.
Nhìn Quang Hải thi đấu, có lẽ người nước ngoài không ai nghĩ anh mới 21 tuổi. Bởi vì chàng trai Đông Anh thực sự đã là một người đàn ông trưởng thành. Anh đã băng qua không biết bao nhiêu giải đấu tầm cỡ quốc tế ở giải trẻ, anh đã là trụ cột của nhà vô địch V-League, đôi chân của anh cũng đã bầm dập tả tơi bởi hàng nghìn pha vào bóng ác nghiệt. Nhưng anh vẫn chơi bóng, giữa trận đấu căng như dây đàn vẫn nở một nụ cười nghịch ngợm.
Trong đoạn clip rất đẹp đang viral trên mạng. Các cầu thủ chạy đến ôm chầm Bùi Tiến Dũng sau quả luân lưu quyết định vào lưới Jordan. Chỉ có Quang Hải lững thững đi ngược chiều. Anh đến chỗ của Minh Vương kéo người đồng đội ngồi dậy. Nào, chỉ là một quả 11 mét bất thành, có phải trời sập đâu chứ. Chàng trai bé nhỏ biết vui sau cái vui của đồng đội, buồn cũng nỗi đau của bằng hữu, đấy là tác phong của bậc trượng phu chứ còn gì nữa.
Hãy nói một chút về Nghệ. Bởi vì chất Nghệ thấm đẫm trên hành trình vươn lên của đội tuyển. Nghệ An bao nhiêu năm qua, vẫn đứng đầu cả nước về sản sinh cầu thủ giỏi. Những đứa trẻ đi tru năm nào ở mảnh đất nghèo xơ xác này đều trở thành những thanh niên rắn rỏi. Họ đã mang đến chất thép, sự lì lợm cho Việt Nam. Những người như Ngọc Hải hay Trọng Hoàng, có cảm giác trời sập xuống thì vẫn có họ chống đỡ. Hay Công Phượng, minh chứng tuyệt vời cho câu những gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn. Nếu người Nghệ An mang đến sự vững vàng thì người Hà Nội mang tới sự hào hoa. Văn Hậu và Quang Hải thực sự chơi bóng, chứ không chỉ đá bóng đơn thuần, với kỹ thuật xử lý bóng tuyệt hảo. HLV Park Hang-seo đã tìm ra công thức để tạo nên một tập thể mạnh, khi khéo léo kết hợp chất thép của người Nghệ, và chất nghệ sĩ của người thủ đô.
Hôm nay, một trận đấu lịch sử nữa lại chờ chúng ta. Hãy nhớ, việc được chờ đợi một trận tứ kết Asian Cup có Việt Nam đã là điều chúng ta không mơ nổi cách đây một năm. Chúng ta vốn dĩ đã thắng rồi. Vì suy cho cùng, trong cuộc đời này, có thắng lợi nào vĩ đại hơn là chiến thắng chính mình đâu. Hãy nhớ lời HLV Park đã dặn từ khi mới đến: hãy ngẩng đầu lên mà đá. Ngẩng đầu lên để thấy: phía trước là bầu trời.
Trí thức trẻ