Đơn hàng dệt may tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận giảm
Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng nhưng không đồng nghĩa với lợi nhuận tăng trưởng tương ứng. Đây là bài toán đặt ra với ngành dệt may hiện nay.
- 15-05-2022Nam Mỹ - Thị trường tiềm năng cho hàng dệt may Việt Nam
- 05-05-2022Kín đơn hàng, nhiều doanh nghiệp dệt may lãi lớn trong quý 1
- 21-04-2022Thị trường châu Phi giàu tiềm năng cho xuất khẩu dệt may Việt Nam
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong quý 1 đã đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, nhưng không đồng nghĩa với lợi nhuận tăng trưởng tương ứng. Đây cũng là bài toán đặt ra với ngành dệt may hiện nay khi đang có nhiều diễn biến khó lường trên toàn cầu.
Dù đơn hàng đi thị trường châu Âu đang tăng trưởng tốt, nhưng việc sản xuất vẫn hạn chế. Chính sách "Zero COVID-19" từ Trung Quốc khiến việc cung cấp xơ sợi từ đối tác bị gián đoạn, vì vậy doanh nghiệp cũng chưa thể tăng sản xuất như kỳ vọng. Trong khi đó, chi phí vận chuyển ước tính đã tăng khoảng 30% so với trước.
Dệt may là nhóm hàng đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng xuất khẩu quý 1, với gần 14% kim ngạch tăng thêm. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Nó gây ảnh hưởng rất nhiều trong việc thỏa thuận với khách hàng về vấn đề giá cả, cũng như các vấn đề là làm sao để mình có đầy đủ nguồn nguyên phụ liệu cho nhà máy sản xuất. Mặc dù đơn hàng nhiều, nhưng lại khó trong khâu nguyên phụ liệu nên tính ra cũng không thể gia tăng doanh thu cũng như hạn chế về lợi nhuận", bà Lê Nguyễn Trang Nhã, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam, chia sẻ.
Trung Quốc hiện đang là thị trường cung cấp nguyên liệu quan trọng cho dệt may trong nước. Vì vậy, để ổn định sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải tính phương án tìm thị trường thay thế.
"Không tập trung vào một quốc gia nào, mà bây giờ chia ra. Các quốc gia nào có giá cao một chút nhưng ổn định đầu vào cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẵn sàng giảm bớt lợi nhuận nhưng độ sản xuất an toàn", ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean, cho biết.
Dệt may cũng là nhóm hàng đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng xuất khẩu quý 1, với gần 14% kim ngạch tăng thêm. Ở góc độ tích cực, hiện nay các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả. Việt Nam cũng có lợi thế trong xu hướng chuyển đơn hàng. Tuy nhiên, các yếu tố như: xung đột Nga - Ukaine, chi phí đầu vào sản xuất tăng, chi phí logistics… sẽ khiến các doanh nghiệp phải đau đầu để duy trì lợi nhuận.
VTV.VN