MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dọn nhà ngày Tết cùng Marie Kondo: Hơn cả dọn dẹp, đó là sự "buông bỏ" để đơn giản hóa cuộc sống và đón chào năm mới thảnh thơi

31-01-2019 - 16:43 PM | Sống

Đừng nghĩ Marie Kondo kiếm cả triệu đô từ một cái gì đó vĩ đại và khó hiểu lắm. Cô dọn nhà bằng cách “khai sáng” chủ nhân của nó; rằng mọi sự bừa bộn trên đời đều xuất phát từ tâm hồn.

Hôm nay là 26 tháng Chạp âm lịch rồi đấy, bạn đã bắt tay vào dọn nhà hay chưa? Nếu còn cảm thấy run sợ nhẹ mỗi lần nghĩ tới tủ quần áo chỉ chực chờ đổ ập xuống, hay căn phòng bừa bộn những đồ đạc, sách vở, cộng thêm màn "chiến tranh" thường niên với bố mẹ về việc bỏ hay giữ đồ, hãy tham khảo phương pháp dọn dẹp của Marie Kondo - ngôi sao truyền hình đến từ Nhật Bản.

Marie Kondo, chuyên gia dọn dẹp, người kiếm hàng triệu đô chỉ nhờ hướng dẫn người khác làm những việc tưởng chừng như ai cũng (phải) biết làm. Bạn có thể dễ dàng tìm được những clip hướng dẫn của Marie Kondo trên Youtube, từ việc gấp quần áo, dọn giá sách, sắp xếp tủ giày. Bạn có thể dành cả Tết này để cày show của cô phù thủy dọn nhà này trên Netflix. Những thông tin mà Internet có thể bày biện ngay trước mắt bạn thì không cần bàn luận nữa, hãy nói thêm về cách mà Marie Kondo “spark joy” (lan tỏa niềm vui) từ công việc dọn dẹp và truyền cảm hứng cho lối sống gọn gàng, tiết kiệm, tối giản.

Triết lý buông bỏ ẩn sâu trong việc vứt đồ vào thùng rác

Dọn nhà ngày Tết, phải bỏ bớt đồ đạc là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các gia đình đa thế hệ ở Việt Nam luôn xảy ra tranh cãi đối với vấn đề: đồ nào nên vứt và đồ nào nên giữa. Con cái thì luôn có xu hướng tối giản: đồ đạc chỉ nên đủ dùng, ghét vật dụng nhiều họa tiết, khó lau chùi. Trong khi cha mẹ lại đam mê tích trữ, để dành, "kiểu gì cũng sẽ có dịp dùng đến". 

Nếu bạn không muốn không khí gia đình những ngày cuối năm trở nên căng thẳng, hãy bật cho mẹ xem một clip của Marie Kondo trên Youtube. Đừng nghĩ người phụ nữ này kiếm cả triệu đô từ một cái gì đó vĩ đại và khó hiểu lắm. Cô dọn nhà bằng cách “khai sáng” chủ nhân của nó; rằng mọi sự bừa bộn trên đời đều xuất phát từ tâm hồn. Cái gì còn đem lại cho ta niềm vui thì giữ, cái gì không làm con tim ta rung lên nhẹ, hay chẳng gợi nhớ về ký ức tươi đẹp nào nữa, thì bỏ.

Dọn nhà ngày Tết cùng Marie Kondo: Hơn cả dọn dẹp, đó là sự buông bỏ để đơn giản hóa cuộc sống và đón chào năm mới thảnh thơi - Ảnh 1.

Tết là phải vui. Đồ đạc trong nhà ngày Tết cũng phải khiến cho chủ nhân và khách khứa cảm thấy hạnh phúc. Khái niệm “lan tỏa niềm vui” (spark joy) là từ khóa bắt buộc phải xuất hiện trong tất cả những nội dung liên quan đến Marie Kondo, và cũng là hai chữ tạo nên thành công của cô. Kondo miêu tả, đồ vật cũng có linh hồn, và linh hồn ấy sở hữu một mối liên hệ chặt chẽ với trái tim của con người. Giống như khi gặp người yêu, con tim bạn đập nhanh hơn một chút, cầm đồ vật còn giá trị lan tỏa hạnh phúc, cơ thể bạn lập tức có những phản ứng sinh lý nhất định. Môi ta bỗng mỉm cười nhẹ như có một tiếng “tinh tinh” vang lên trong lòng. Đây chính là thứ cần được giữ lại.

Và cũng có những đồ vật dù đã trải qua cùng ta bao nhiêu năm tháng của cuộc đời nhưng đến một ngày nào đó, khi cầm chúng lên, ta không còn nhớ gì, cũng chẳng còn cảm thấy gì nữa. Đó chính là dấu hiệu của sự chia li.

Những cuộc chia tay với đồ đạc không đơn thuần chỉ là sự buông bỏ, đó còn là trách nhiệm với tài chính cá nhân, tài chính hộ gia đình, trách nhiệm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong các show truyền hình thực tế mà Marie tham gia, hình ảnh người ta thấy nhiều nhất - hẳn là rác. Những túi nilon bóng lộn căng phồng đầy rác. Có những căn hộ hai vợ chồng ở với nhau thôi mà gói đủ 150 túi đầy rác.

Việc những túi rác được xếp ngăn nắp lên xe và chở đi, trả lại sự ngăn nắp và sạch sẽ trong nhà là điều đương nhiên. Đó là lí do mà Marie Kondo xuất hiện ở đây. Nhưng nó không phản ánh hết vấn đề chúng ta đang mắc phải - sự lãng phí. Mà lãng phí trong sinh hoạt là vấn đề về thói quen của mỗi người, Kondo chỉ có thể giúp bạn dọn dẹp nhà cửa, còn sắp xếp lại sự bừa bộn trong quan điểm về tiêu dùng của bạn thì không phải trách nhiệm của cô ấy.

Tết nhất, người ta điên cuồng dọn dẹp. Chỉ cần tưởng tượng ra thôi cũng thấy choáng trước lượng rác thải khổng lồ mà môi trường phải gánh chịu. Đêm 30 nào mà các cô chú công nhân vệ sinh chẳng phải hoạt động hết công suất, đi 2, 3 vòng mới phục vụ được nhu cầu của các gia đình.

Hầu hết các túi rác, những đồ đạc bạn điên cuồng mua sắm rồi nhanh chóng vứt bỏ khi chúng không còn “spark joy” nữa sẽ lại được chôn xuống lòng đất, hoặc đổ ra biển và tiêu tốn hàng triệu đô chỉ để dồn chúng vào những nơi khuất tầm mắt con người. Ngày nay, lòng đất, đáy biển tràn ngập những thứ đồ không còn làm con người vui nữa, và sự ô nhiễm sắp sửa làm chúng ta phải đau đầu.

Dọn nhà ngày Tết cùng Marie Kondo: Hơn cả dọn dẹp, đó là sự buông bỏ để đơn giản hóa cuộc sống và đón chào năm mới thảnh thơi - Ảnh 2.

Phương pháp dọn nhà của Marie Kondo không mới, nhưng thành công của nó phần nào chứng minh được hiệu quả của Kondo là thật chứ không phải chỉ là sản phẩm của truyền thông. Marie thậm chí còn viết sách và tham gia rất nhiều show truyền hình thực tế để góp phần “spark joy” cho mọi người, giúp việc dọn dẹp không còn là cơn ác mộng nữa.

Tết này, hãy học theo phương pháp dọn nhà của Marie Kondo được gói gọn trong 5 nguyên tắc

1. Bạn muốn giữ lại đồ đạc, bạn có cần nó không và sử dụng nó thường xuyên không?

Càng có nhiều tiền cùng với việc các trung tâm mua sắm mọc lên như nấm, thương mại điện tử phát triển ồ ạt, quá dễ để chúng ta có thể rước một đồ vật về nhà. Tuy nhiên, quyết định vứt nó đi hay khi không còn “spark joy” nữa tất nhiên sẽ tốn nhiều thời gian hơn một cú click chuột. 

Thế nên, theo Marie Kondo, việc dọn nhà nên bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi: “Những đồ dùng bạn mua từ Tết năm ngoái, tới Tết năm nay có còn dùng nữa hay không? Đã bao lâu rồi bạn chưa dùng đến món đồ ấy? Bạn còn dùng nó trong tương lai gần hay không?”.

Nếu lần cuối cùng người và vật “lướt qua đời nhau” là cách đây rất lâu rồi, đồng thời bạn cảm thấy trong thời gian tới sẽ không sử dụng đến nó, hoặc cần mua cái khác tương tự để thay thế, thì còn cần chừ gì mà không dọn nó đi, ngay và luôn?

Dọn nhà ngày Tết cùng Marie Kondo: Hơn cả dọn dẹp, đó là sự buông bỏ để đơn giản hóa cuộc sống và đón chào năm mới thảnh thơi - Ảnh 3.

2. Cứ bày hết quần áo ra sàn để gấp cho gọn lại

Dọn tủ quần áo luôn là nỗi ác mộng ngày Tết. Dù bạn đã chuẩn bị sẵn những set đồ sẽ mặc cho cả 5 "mồng", tuy nhiên, không thể để chiếc tủ bừa bộn lưu trữ sự xui xẻo từ năm cũ sang năm mới đươc. Mỗi khi dọn nhà Tết, người ta sẽ nghĩ đến tủ quần áo đầu tiên.

Hãy bày hết đồ ra sàn để gấp lại cho gọn. Cứ coi như đây là một lời nhắc nhở dành cho bản thân đi. Bạn sẽ phải choáng ngợp khi biết rằng mình có nhiều đồ đến thế, và chắc chắn trong số đó, có những món đồ bạn đã lãng quên từ rất lâu rồi.

Chính cái sự choáng váng này sẽ xây dựng quyết tâm cho bạn, dọn và phải dọn. Phương pháp Kondo chẳng đặc biệt đến thế, cũng như cách mẹ chúng ta hay làm, bạn nên chọn ra những đồ cần bỏ đi trước, gói ghém chúng lại sau đó mới dọn dẹp những đồ cần giữ. Sắp xếp chúng theo chiều dọc thay vì gấp phẳng và chồng lên nhau như trước kia. Điều này giúp bạn dễ dàng nắm bắt được lượng đồ đạc, không bị để quên đồ, đồng thời việc cất lấy đồ đạc cũng dễ hơn nhiều.

3. Học cách gấp quần áo kiểu Marie Kondo

Gấp áo dọc theo thân sau đó dựng chúng lên. Áo sau khi gấp có thể “đứng” và lưu trữ theo chiều dọc trong từng chiếc hộp. Xếp đồ theo cách này tiết kiệm diện tích ngăn tủ hơn rất nhiều so với các cách gấp đồ chúng ta vẫn thường được dạy từ nhỏ.

Quần jeans, áo phông, đồ lót, tất cả đều có thể áp dụng cách gấp này để tiết kiệm diện tích hơn, đồng thời cũng không làm nhăn, nhàu quần áo.

4. Thay thế dần tủ bằng các loại hộp

Tết này, hãy sử dụng hộp là cách vừa khoa học, vừa tiết kiệm cho việc lưu trữ đồ đạc. Thay vì xếp chồng đồ thành nhiều lớp, sau khi đã chọn được những thứ cần giữ lại, bạn hãy phân loại chúng thành từng danh mục như bưu thiếp, giấy tờ quan trọng.... rồi sắp từng loại vào một chiếc hộp riêng.

Hãy sắp xếp các món đồ cùng loại trong cùng khu vực để nhà vừa gọn hơn mà việc tìm đồ cũng dễ hơn.

5. Đồ đạc phải “spark joy”, tâm trạng khi dọn đồ cũng phải vui vẻ

Tết nhất không được mất vui, đừng lao vào dọn nhà với một gương mặt đằm đằm sát khí vì bạn mới cãi nhau với người yêu. Hay ngán ngẩm, chán chường khi nghĩ những việc hoàn toàn có thể thuê người làm, tại sao lại phải tự tay làm?

Làm việc gì cũng vậy, chỉ cần sự thoải mái, vui tươi, hiệu quả công việc sẽ cao hơn rất nhiều. Chỉ nên bắt tay vào dọn nhà khi bạn thật sự cảm thấy cần, đồng thời trong lòng đang chẳng vướng bận gì và tràn ngập quyết tâm cải tạo tổ ấm.

Nên dọn dẹp vào buổi sáng, khi bạn còn nhiều năng lượng và minh mẫn. Đừng nằm dài trên giường cho tới buổi chiều, buổi tối, rồi lại “lần nữa” tới ngày mai, ngày kia. Hãy thử ăn một chút trái cây và bật nhạc trong khi dọn dẹp, biết đâu những cách này lại có thể cổ vũ tinh thần cho bạn hơn là hùng hục lao vào một đống lộn xộn và hoảng loạn tìm đường thoát ra ngoài.

Tết nhất đến nơi rồi, đừng đọc suông, hãy đặt điện thoại xuống và bắt tay vào lên kế hoạch dọn nhà ngay, bạn nhé!

Dọn nhà ngày Tết cùng Marie Kondo: Hơn cả dọn dẹp, đó là sự buông bỏ để đơn giản hóa cuộc sống và đón chào năm mới thảnh thơi - Ảnh 4.

Đồ không dùng nữa thì vứt, người không làm ta hạnh phúc nữa thì bỏ. Tại sao những video Marie Kondo - đơn giản là - ngồi gấp quần áo lại thu hút hàng chục triệu lượt xem? Đơn giản là con người ta thích ngắm nhìn cách người khác dọn dẹp và giải quyết vấn đề, điều đó phần nào tháo gỡ những lộn xộn, rối bời trong tâm hồn họ.

Khi bạn sống một cách gọn gàng, ngăn nắp, với những dòng suy nghĩ, những quyết định gọn gàng, ngăn nắp, tất cả mọi thứ sẽ đều “spark joy” (lan tỏa niềm vui).

Theo WANG JIN

Trí thức trẻ

Trở lên trên