MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động đất ở Sơn La không bất thường

03-08-2020 - 10:42 AM | Xã hội

Trong vòng 1 tuần, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La liên tiếp xảy ra 22 trận động đất. Trong đó, trận động đất mạnh nhất có cường độ 5,3 độ Richter đã gây rung lắc đến tận Hà Nội, Thanh Hóa

Trong vòng 1 tuần, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La liên tiếp xảy ra 22 trận động đất. Trong đó, trận động đất mạnh nhất có cường độ 5,3 độ Richter đã gây rung lắc đến tận Hà Nội, Thanh Hóa

Sáng 1-8, một trận động đất có cường độ 3,6 độ Richter tiếp tục xảy ra tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trước đó, nhiều trận động đất liên tiếp xảy ra ở khu vực này trong thời gian ngắn đã làm người dân lo ngại.

Phù hợp quy luật tự nhiên

Theo Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chỉ trong 2 ngày, từ 27 đến 29-7, tại Mộc Châu đã xảy ra 17 trận động đất có cường độ từ 2,5 đến 4 độ Richter và khoảng 10-15 dư chấn nhỏ hơn. Trong số này, một trận động đất 5,3 độ Richter làm lún, nứt, hư hỏng 4 trụ sở UBND xã, 8 nhà văn hóa, 3 trạm y tế, 7 trường học, 287 nhà ở… Rung chấn của trận động đất lan xa, nhiều khu vực ở Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình... cũng cảm nhận được rung lắc.

Theo PGS-TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng - Liên hiệp Các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, các trận động đất xảy ra trong thời gian qua ở khu vực này nằm trong đứt gãy sông Đà. Hầu hết các trận động đất vừa xảy ra tại tỉnh Sơn La là động đất nhỏ, hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên. Riêng trận động đất đầu tiên với cường độ 5,3 độ Richter có thể coi là động đất trung bình.

"Nếu cường độ động đất tăng dần, cao hơn, ví dụ từ 5,3 lên 6, 7 độ Richter… mới đáng lo ngại. Còn sau trận động đất lớn nhất, nếu xuất hiện các trận động đất nhỏ hơn thì không có gì nguy hiểm" - ông Triều nói.

 Động đất ở Sơn La không bất thường  - Ảnh 1.

Động đất ở Sơn La làm hư hại nhiều công trình xây dựng và tài sản của người dân Ảnh: LAM XUÂN

Qua nghiên cứu diễn biến động đất ở Việt Nam, Viện Vật lý địa cầu kết luận khu vực Tây Bắc có hoạt động động đất mạnh nhất và thường xuyên xảy ra. Do đó, việc xảy ra động đất liên tục như vừa rồi là bình thường khi tích lũy năng lượng đủ lớn.

Tại cuộc họp bàn giải pháp bảo đảm an toàn hồ chứa sau động đất do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức mới đây, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết khu vực Mộc Châu từng ghi nhận 2 trận động đất: năm 1943 là 4,8 độ Richter và năm 1993 là 4,2 độ Richter. Do vậy, trận động đất xảy ra vào trưa 27-7 được ghi nhận là lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực này. "Đáng chú ý, trong những ngày tới, dự báo các dư chấn vẫn tiếp tục xảy ra và sẽ giảm dần" - TS Nguyễn Xuân Anh thông tin.

Các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình có khoảng 560 hồ chứa. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải cho rằng các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La đều được thiết kế để chịu được động đất ở cấp cao hơn các trận động đất đã xảy ra tại khu vực này. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực sẽ tiếp tục thuê các chuyên gia trong ngành để có đánh giá kỹ hơn.

Xây dựng phương án ứng phó

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, dù không nằm trên "vành đai lửa" của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có nguy cơ động đất khá cao. Hai trận động đất mạnh nhất ghi nhận được trên lãnh thổ Việt Nam là động đất tại Điện Biên năm 1935 (6,7 độ Richter) và Tuần Giáo năm 1983 (6,8 độ Richter). Ngoài ra, trong 10 năm trở lại đây, các trận động đất có cường độ 4 - 4,8 độ Richter cũng xảy ra trên một số địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Quảng Nam, Huế và ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu.

"Mức độ động đất lớn hay nhỏ tùy thuộc mỗi vùng. Mỗi khu vực đều có xây dựng bản đồ nguy hiểm động đất, được sử dụng trong quy chuẩn kháng chấn của ngành xây dựng" - TS Nguyễn Xuân Anh chia sẻ.

Để tránh những rủi ro và phòng tránh động đất, TS Nguyễn Xuân Anh lưu ý nhà cửa ở khu vực này phải thiết kế theo quy chuẩn kháng chấn của ngành xây dựng. Bên cạnh đó, người dân cũng phải được tập huấn nhuần nhuyễn các kỹ năng ứng phó, phải biết làm gì khi động đất xảy ra.

"Khu vực Tây Bắc, trong lịch sử đã xảy ra những trận động đất rất mạnh 6,7-6,8 độ Richter. Đối với khu vực này trong tương lai, để chủ động phòng tránh, cần phải xây dựng phương án phòng chống động đất một cách bài bản. Từ công tác quy hoạch đến xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, cần tính đến thông số môi trường động đất khu vực" - Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh đề nghị.

Chưa thể dự báo chính xác

Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2007 đến nay, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu đã phát hiện và thông báo gần 400 trận động đất xảy ra trên lãnh thổ và thềm lục địa của Việt Nam hoặc có ảnh hưởng tới nước ta.

"Cho đến nay, trên thế giới, sau nhiều nỗ lực vẫn chưa thể dự báo được chính xác thời gian xảy ra động đất, kể cả những nước thường xuyên bị ảnh hưởng động đất mạnh như Nhật Bản" - TS Nguyễn Xuân Anh khẳng định.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên