MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng kiều hối tăng: Tin vào sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam

26-12-2019 - 12:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Cuối năm, kiều bào sống ở nước ngoài lại tập trung chuyển kiều hối về cho người thân bạn bè ở trong nước, giúp dòng tiền này tăng mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
293 bài viết

Top 10 thế giới

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019 lượng kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2018. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Việt Nam lọt top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Đối với TPHCM, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, lượng kiều hối trong 11 tháng qua đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến trong tháng 12 là 1 tỷ USD, cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trưởng khoảng trên 9% so với năm 2018. Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đánh giá: Lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh có sự gia tăng so với năm trước do số lượng người Việt Nam ở nước ngoài tăng lên, đặc biệt là lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Vài năm trở lại đây, làn sóng kiều bào trẻ về nước đầu tư, khởi nghiệp cũng góp phần đẩy mạnh dòng kiều hối. Lâm Trần (36 tuổi, Việt kiều Pháp) bỏ công việc ở Google để về quê hương, làm lại từ đầu với WisePass. Đồng thời hỗ trợ startup Việt cách gọi vốn, đưa ra giải pháp, giải quyết vấn đề thường gặp khi khởi nghiệp. Eddie Thai (Việt kiều Mỹ) sau khi về nước thấy được cơ hội kinh doanh hiếm có trong lĩnh vực tài chính đã dốc vốn thành lập Quỹ 500 startups Việt Nam. Giờ đây Eddie Thai sở hữu một quỹ đầu tư hơn 10 triệu USD và đang đầu tư vào hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực. Với những kiều bào trẻ, họ tin tưởng với kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn có được từ các thị trường phát triển, việc quay về Việt Nam đầu tư sẽ thuận lợi rất lớn.

Theo ông Phùng Công Dũng, kinh tế Việt Nam phát triển, cơ hội đầu tư vào Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, thu hút kiều bào chuyển tiền về nước đầu tư, mở rộng sản xuất. Chính sách của Nhà nước theo hướng thông thoáng hơn, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Mạng lưới và hoạt động chi trả ngoại tệ qua các ngân hàng và công ty kiều hối được phát triển mở rộng, hiệu quả, đa dạng hóa dịch vụ hơn.

Khơi dòng, đón sóng

Chuyên gia về tài chính và ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dòng chảy kiều hối về Việt Nam tăng cao chủ yếu là do người Việt làm việc ở nước ngoài “tin vào sự ổn định của nền kinh tế và nhìn thấy những cơ hội đầu tư tốt hơn ở thị trường trong nước”.

Để tiếp tục thu hút kiều hối, theo ông Hiếu, Chính phủ nên: Có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn trong việc thu hút đầu tư như chính sách đầu tư, thương mại dành riêng cho người Việt ở nước ngoài; Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để kiều bào ở nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam thông qua các văn phòng lãnh sự, ủy ban người Việt ở nước ngoài... Ông Hiếu cũng cho rằng, Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần tiếp tục linh hoạt trong điều hành giữ ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM nhận định, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, có một thực tế, việc phân phối kiều hối có thể không đồng đều so với một số khu vực kém phát triển hơn và không thể thu được lợi ích kinh tế mà kiều hối mang lại.

“Chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện cho kiều bào chuyển tiền về Việt Nam, bổ sung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng tiêu dùng và thúc đẩy gia tăng đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, dịch vụ chi trả kiều hối tại các tỉnh nhỏ và vùng nông thôn vẫn còn hạn chế. Do đó, nếu dịch vụ này trải dài rộng khắp đất nước thì tổng lượng kiều hối của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh hơn nữa” - vị này chia sẻ.

Theo NHNN Chi nhánh TPHCM, dòng kiều hối 5,3 tỷ USD là nguồn cung rất quan trọng để ổn định ngoại tệ tại thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Năm 2019 có những thời điểm (tháng 6-7), NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND liên tục, nhưng việc điều chỉnh này phù hợp với điều kiện cung cầu của thị trường ngoại tệ trong nước và thế giới. Vì vậy, nhờ nguồn ngoại tệ như kiều hối, xuất khẩu, vốn FDI… nguồn cung ngoại tệ tại TPHCM vẫn ổn định, đảm bảo nhu cầu sản xuất kinh doanh và du học, tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM chia sẻ, trước diễn biến thị trường tài chính tiền tệ có nhiều điều bất lợi như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, phá giá đồng tiền của nhiều nước nhưng kiều hối về Việt Nam, đặc biệt về TPHCM là rất ổn định. Kiều hối giúp ích rất nhiều cho các hoạt động tại địa bàn như sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn của người dân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế thành phố phát triển.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên