MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực phát triển Quảng Ninh - Bài 1: Đột phá từ hạ tầng giao thông

Theo dữ liệu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam. Đây là một sự thừa nhận xứng đáng cho tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế -

Gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông

Mặc dù "Chỉ số cơ sở hạ tầng" không được đưa vào để tính toán chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bởi những quyết sách lớn liên quan tới phát triển cơ sở hạ tầng phần lớn nằm ngoài thẩm quyền quyết định của chính quyền tỉnh, thành phố nhưng việc Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu ở chỉ số này là một sự thừa nhận xứng đáng cho tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, một việc khó của tất cả các địa phương hiện nay.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện hạ tầng giao thông. Qua đó, rút ngắn khoảng cách kết nối giữa các địa phương, vùng miền trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, phát triển kinh tế cũng như đảm bảo ATGT. Đặc biệt, tỉnh dành nguồn lực rất lớn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước, từ đó, gia tăng sức hút cho mỗi địa phương, đảm bảo liên thông đồng bộ, tạo thành vùng động lực cho sự phát triển.

Động lực phát triển Quảng Ninh - Bài 1: Đột phá từ hạ tầng giao thông - Ảnh 1.

Sau khi đưa vào hoạt động, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600 km). Quảng Ninh qua đó là tỉnh có số km cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046 km), đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển liên vùng. Ảnh: Bảo Bình

Vào những năm đầu thập niên 2010, điểm nhấn về giao thông duy nhất của Quảng Ninh chỉ có cây cầu Bãi Cháy được thực hiện bằng vốn ODA của Nhật Bản. Các tuyến quốc lộ hầu hết xuống cấp, thiếu tính kết nối vùng, đường tỉnh chỉ đạt cấp IV miền núi, đường liên xã bê tông hóa chỉ đạt trên 30% và xuống cấp. Từ thành phố Hạ Long đến các địa phương khu vực miền Đông, miền Tây của tỉnh, nếu đi bằng ô tô cũng mất từ 2h - 5h. Còn từ Hà Nội về đến thành phố Hạ Long cũng phải đi 4h - 5h.

Thế nhưng đến nay, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có sân bay, đường cao tốc và hệ thống cảng biển hiện đại. Các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào khai thác đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế. Từ đó, từng bước giải quyết điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, mở ra không gian, quỹ đất phát triển mới. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến đầu tư.

Điều này có thể thấy rõ ở hiệu quả của tuyến đường cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Đây là tuyến giao thông huyết mạch chạy dọc tỉnh kết nối 3 khu kinh tế trọng điểm: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái và hơn 20 khu công nghiệp, liên thông với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và các cảng biển của Quảng Ninh; rút ngắn thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Hà Nội chỉ còn 2h (trước đây thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Hà Nội theo quốc lộ 18 khoảng 5h30’); từ Móng Cái đến Hà Nội còn 2h45’(trước đây thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hà Nội theo quốc lộ 18 khoảng 8h30’).

Cùng với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tuyến cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh đã góp phần hình thành tuyến cao tốc dài 600km kết nối các trung tâm kinh tế khu vực phía Bắc của Việt Nam gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh cho biết, từ một địa phương có hạn chế lớn nhất là hạ tầng giao thông, đến nay, Quảng Ninh đã nằm trong tốp đầu cả nước về hệ thống giao thông đồng bộ, tính kết nối cao. Trong đó, kết quả ấn tượng nhất phải kể đến là đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh, cảng Container quốc tế Cai Lân (CICT), cảng khách quốc tế Hòn Gai, cảng khách quốc tế Tuần Châu, cảng Vạn Ninh…

Tạo sức bật từ hạ tầng giao thông

Với sự đa dạng các loại hình giao thông, Quảng Ninh hiện đang có điều kiện tốt để phát triển về cơ sở hạ tầng nói chung. Đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều. Hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp, mở rộng, trở thành các tuyến đường mẫu, đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp quy hoạch đô thị. Các dự án này vừa đóng vai trò giảm tải giao thông và tạo điểm nhấn đô thị, vừa phục vụ nhu cầu du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, kết nối Quảng Ninh với các trung tâm kinh tế trong và ngoài nước. Qua đó, tạo thêm sức lan tỏa, kích thích phát triển, tăng quy mô kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi rõ nét diện mạo không chỉ của tỉnh, mà còn của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.

Tiếp tục phát huy cách làm, thành tựu đã có, hiện tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải với các công trình giao thông trọng điểm, động lực như: cầu Cửa Lục 3, nút giao Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến khu công nghiệp Amata… và đặc biệt là tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) với chiều dài 41,2 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng).

Động lực phát triển Quảng Ninh - Bài 1: Đột phá từ hạ tầng giao thông - Ảnh 2.

Các nhà thầu đang thi công đường nối 2 xã vùng cao Sơn Dương, Đồng Lâm của TP. Hạ Long, Quảng Ninh.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, đơn vị cũng đang nghiên cứu chính sách để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai một số tuyến giao thông chính như: cao tốc Nội Bài - Hạ Long, cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên, đường sắt Hải Phòng - Hạ Long, đường sắt Hạ Long - Móng Cái... Tham mưu đầu tư các công trình giao thông kết nối liên vùng gồm: Đầu tư xây dựng các dự án Cầu Lại Xuân; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10; cải tạo nâng cấp QL4B và QL279; Dự án đường nối QL.18....; tham mưu Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu triển khai quy hoạch các tuyến đường sắt trọng điểm theo quy hoạch đường sắt quốc gia.

Đây là những công trình quy mô lớn, hiện đại, mang ý nghĩa đột phá cho diện mạo mới của giao thông Quảng Ninh, góp phần tạo ra nhiều phương thức giao thông trên địa bàn, giảm thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sự lãng phí nguồn lực doanh nghiệp, xã hội; khẳng định tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới, là địa phương đi đầu trong thúc đẩy liên kết vùng cũng như liên kết quốc tế của tỉnh.

(Đón đọc bài 2: "Mạnh tay" đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển các ngành kinh tế)


Theo Đặng Nhung

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên