MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực phát triển từ các khu công nghiệp ở Long An

Tương lại Long an tập trung vào những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics gắn với cảng biển quốc tế.

Tương lại Long an tập trung vào những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics gắn với cảng biển quốc tế.

Các khu công nghiệp (KCN) tại Long An đã có những bước phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng thu hút đầu tư; trở thành hạt nhân và động lực tạo ra đột phá trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Từ 2 khu công nghiệp (KCN) ban đầu, sau 25 năm tỉnh Long An đã quy hoạch, hình thành 37 KCN mới với tổng diện tích gần 12.300 ha. Riêng trong năm 2022 có 4 KCN mới với diện tích 1.770 ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Hiện nay, đã có 18 KCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 86%. Có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN của tỉnh chiếm 54% tổng vốn đầu tư. Trong đó, các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là lĩnh vực logistics với hơn 60 dự án.

Ông Đoàn Hiếu – Công ty TNHH Đầu tư Bewis cho biết: “Bên mình phát triển các dự án logistics nên đã chọn khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 và Xuyên Á vì cả hai địa điểm này có khoảng cách đến trung tâm TP.HCM rất gần, cơ sở hạ tầng kết nối thì tốt”.

Động lực phát triển từ các khu công nghiệp ở Long An - Ảnh 1.

Cảng Quốc tế Long An nằm trong Quy hoạch khu kinh tế biển.

Hiện nay, Long An đứng thứ 3 cả nước về quy mô KCN, sau Đồng Nai, Bình Dương và dẫn đầu vùng ĐBSCL về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI. Có được vị thế như hiện nay là nhờ Long An chủ động trong kêu gọi đầu tư và mang tiềm năng, lợi thế của tỉnh đi giới thiệu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Long An cũng đưa ra nhiều chính sách để đồng hành cùng nhà đầu tư. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An đã giải quyết 100% hồ sơ đúng hẹn, 90% hồ sơ trước hẹn và nhất là có trên 35% Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp trong ngày.

Ông Phạm Duy Bân, đại diện nhà đầu tư FDI đánh giá: “Tỉnh Long An có nhiều hỗ trợ đối với nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp FDI như Tập đoàn Messer Cộng hòa Liên bang Đức bên chúng tôi. Kể từ khi bên mình có chủ trương đầu tư tháng 6/2022 thì đến tháng 9 vừa qua đã nhận được quyết định đầu tư, điều này cho thấy Long An họ rất thông thoáng giải quyết rất nhanh các thủ tục”.

Đột phá trong quản lý

Năm 2021, các doanh nghiệp trong KCN đã đóng góp 5.171 tỷ đồng chiếm gần 30% tổng thu ngân sách tỉnh. Năm 2022 ước đạt gần 5.600 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp ngân sách tăng thêm 12% mỗi năm. Với trên 1.560 doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp đã giải quyết việc làm gần 180.000 lao động, góp phần chuyển đổi hiệu quả cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp.

Động lực phát triển từ các khu công nghiệp ở Long An - Ảnh 2.

Phát triển công nghiệp mang tính bền vững, hài hòa với hình thành khu dân cư sinh thái.

Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Long An-LAEZA cho biết: Địa phương sẽ tiếp tục tạo quỹ đất sạch và hệ thống nhà xưởng xây sẵn để nhà đầu tư khi bước vào Long An có thể hoạt động ngay.

“Các vấn đề bồi thường giải phóng mặt, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở ngành các địa phương tạo cho bà con sự đồng thuận để chúng ta sớm giải quyết mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Đồng thời cũng thúc đẩy nhà đầu tư hạ tầng, xây dựng các kết cấu hạ tầng đủ điều kiện tiếp nhận thêm nhà đầu tư. Từ đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp có thêm nhiều sự lựa chọn khi đến đầu tư ở Long An” - ông Nguyễn Thành Thanh nói.

Để có những đột phá trong phát triển khu công nghiệp, theo ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, và của các sở ngành liên quan, sự ủng hộ, đồng tình của người dân trong vùng dự án. Bên cạnh đó là nỗ lực tích cực của các doanh nghiệp đối với việc phát triển các KCN. Tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển bền vững, ngoài việc hoàn chỉnh quy hoạch của tỉnh đến 2030, tầm nhìn đến 2050, Long An sẽ tiếp tục đột phá về quản lý nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục cho nhà đầu tư trên tinh thần có chọn lọc.

“Để đầu tư hiệu quả, Long An tập trung vào những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics gắn với cảng biển quốc tế và phát triển đô thị sinh thái. Long An khẳng định, phát triển công nghiệp phải mang tính bền vững, không vì sự phát triển công nghiệp mà đánh đổi vấn đề môi trường” - ông Nguyễn Minh Lâm cho biết.

Với 25 năm xây dựng và phát triển, có thể nói các KCN ở Long An góp phần thúc đẩy sự phát triển đô thị trên địa bàn. Trong giai đoạn phát triển mới, các KCN, khu kinh tế tại Long An đang tập trung chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chuyển dịch cơ cấu đầu tư thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường./.

Theo Nguyễn Quang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên