MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân: Quyền sở hữu đất đai cần được xem xét

Bên cạnh vấn đề nóng về cắt giảm chi phí, thời gian tuân thủ các quy định pháp luật, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp cho rằng điểm nghẽn đối với khu vực tư nhân còn nằm ở độ an toàn trong kinh doanh, trong đó nhấn mạnh đến quyền tài sản như đất đai, sở hữu trí tuệ chưa được đảm bảo.

Đường đi vẫn còn nhiều gai

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết có 3 rào cản với doanh nghiệp. Điều này đã được ông nói nhiều trước đó, nay nhắc lại. Đó là gánh nặng chi phí, thời gian tuân thủ các quy định pháp luật, rủi ro pháp lý và độ an toàn trong kinh doanh, trong đó, nhấn mạnh đến quyền tài sản. Tất cả những điều này, theo ông Hiếu, chính sách trong thời gian gần đây mới chỉ đủ sức tập trung vào một khía cạnh là gánh nặng chi phí, còn những cái khác thì chưa.

Bởi vậy, bức tranh kinh tế tư nhân trong mắt vị Viện phó CIEM vẫn là một màu ảm đạm.

Ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam - Ủy viên ban chấp hành VCCI thì nói thêm về việc bị phân biệt đối xử. Ông nói rằng sự phân biệt giữa DNNN với doanh nghiệp tư nhân đã là chuyện xưa rồi, giờ đây là sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với nhau. Bởi lẽ, hiện thực đang diễn ra chủ nghĩa thân hữu, lợi ích nhóm, khiến cho doanh nghiệp chân chính không có động lực phát triển.

Ông Tạ Quyết Thắng, TGĐ Công ty TNHH Sơn Trường cho biết một ngày ông phải dành ra 1 tỷ để trả lương cho cán bộ, công nhân viên, trả lãi ngân hàng. Ở tuổi 70, ông vẫn có khả năng một ngày kiếm thêm được vài tỷ nữa, nhưng, điều kiện hiện tại về thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp không cho phép ông. Đơn cử như việc ông có 2 dự án đầu tư gần 200 tỷ, làm trong 6 tháng là xong nhưng thủ tục xin giấy phép xây dựng 7 tháng cũng chưa xong.

“Tôi đã mấy lần gửi thư cho Thủ tướng, nhưng chắc là không đến được tay Thủ tướng. Dưới Thủ tướng có bao nhiêu phòng ban, cán bộ, sao thư tôi tới được”, ông nói. Ông cũng chia sẻ thêm: “Đừng hi vọng về cải cách hành chính vì với một bộ máy đồ sộ như thế này, một ngày đẻ ra không biết bao nhiêu văn bản. Lượng văn bản sinh ra còn nhiều hơn những cái chúng ta khắc phục, bỏ đi”.

Cũng theo ông, mặc dù Thủ tướng nói rất nhiều ở các Hội nghị, nhưng các công chức thừa hành vẫn căn cứ vào Luật, Nghị định, Thông tư, vậy nên cái điểm duy nhất đang được Chính phủ tháo gỡ cũng không biết phải hiểu như thế nào.

Các nút gỡ tạo động lực cho kinh tế tư nhân

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 dù đã đưa ra được nhiều giải pháp nhưng mới chỉ tập trung giảm gánh nặng chi phí và thời gian ở mức gia nhập thị trường. Còn những vấn đề cạnh tranh, quản trị chưa được nói nhiều đến. “Vẫn còn nhiều dư địa để cải cách nhưng chúng ta chưa nói đến”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ví dụ như ở vấn đề quyền tài sản, ông Hiếu cho rằng cần phải ưu tiên xem xét hàng đầu về sở hữu đất đai, nếu cần thì điều chỉnh lại cho phù hợp. Sau đó là vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ.

Vấn đề đất đai về sau cũng được GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường làm rõ. Theo GS. Võ, không chỉ doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận đất, doanh nghiệp lớn cũng tương tự. Họ cũng phải xách “cái này, cái kia” thì mới tiếp cận được.

“Nhiều người hiểu rằng, doanh nghiệp lớn thì tiếp cận đất đai dễ hơn, thực ra không phải như vậy. Doanh nghiệp lớn thì họ chỉ có nhiều tiền hơn thôi chứ không hề tiếp cận dễ hơn. Đất đai là câu chuyện bất bình đẳng trong thị trường hiện nay", ông nói.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thì nhận định để kinh tế tư nhân phát triển phải có 3 điểm cần quan tâm là thể chế (văn bản pháp luật), tổ chức bộ máy và con người, trong đó, tổ chức bộ máy có vai trò quan trọng.

Ông Phan Đức Hiếu phản biện, cho rằng con người dù đóng vai trò quyết định nhưng cơ chế lại tạo ra và điều chỉnh hành vi của con người.

Ông Phạm Đình Đoàn thì để xuất trong bộ máy chính quyền nên được mở ra để doanh nghiệp tư nhân, doanh ngiệp thành công có cơ hội tham gia vì tổ quốc, vì nhân dân.

Đồng ý với các ý kiến trên, GS. Đặng Hùng Võ cũng góp ý là vẫn cần thêm một trụ cột nữa để kinh tế tư nhân có thể trở thành động lực thực sự. Đó chính là trụ văn hoá thị trường.

Ông Võ cho rằng văn hóa thị trường là điều vô cùng quan trọng nhưng văn hóa thị trường của doanh nghiệp chúng ta kém. Chúng ta muốn khắc phục để doanh nghiệp tư nhân thành động lực thì văn hóa là câu chuyện cần nhấn mạnh. Nhiều người nói không ở đâu như Việt Nam cả nếu chúng ta không xây dựng văn hóa thị trường, cần phải chấn chỉnh lại những điều đó, theo GS. Đặng Hùng Võ.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên