Đồng Nai: Điều tra công ty môi giới bất động sản có dấu hiệu lừa đảo
Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện Công an tỉnh Đồng Nai đang tiến hành điều tra làm rõ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các công ty môi giới bất động sản Việt Hưng Phát, Kim Phát.
Theo đó, các công ty trên có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới rao bán các dự án như:
Dự án khu dân cư Boulevard City nằm trên quốc lộ 1A, huyện Trảng Bom, Đồng Nai do Công ty Cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh làm chủ đầu tư và sau đó chuyển nhượng một phần dự án lại cho Công ty Việt Hưng Phát.
Dự án khu dân cư An Phước (xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) do Công ty Cổ phần Long Thuận Lộc làm chủ đầu tư. Sau đó công ty này đã chuyển nhượng lại 112 nền đất cho Công ty Việt Hưng Phát.
Dự án khu dân cư xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai do Công ty TNHH Long Đức làm chủ đầu tư (Urban Land). Sau đó Công ty Long Đức Urban Land và Công ty Việt Hưng Phát đã ký kết hợp đồng hợp tác với nhau.
Dự án khu dân cư Phước An ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Sau đó HUD chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty Cổ phần Xây dựng Phúc Khang, Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Phúc. Công ty Cổ phần Xây dựng Phúc Khang và Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn ký hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền dự án cho Công ty Việt Hưng Phát.
Ngoài ra còn có Dự án Khu dân cư thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) có diện tích hơn 26ha có tên thương mại là Gold Hill; Dự án khu dân cư theo quy hoạch có diện tích 6,5 ha (tại Đồi 621, huyện Trảng Bom).
Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian qua trên địa bàn tỉnh này xuất hiện tình trạng một số công ty có trụ sở tại TP.HCM môi giới chào bán đất tại một số địa bàn trong tỉnh nhưng thực tế chỉ là đất trên giấy. UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị công an tỉnh phối hợp với UBND các cấp kịp thời ngăn chặn, điều tra xử lý nghiêm minh để đảm bảo trật tự quản lý đất đai.
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát (Công ty Việt Hưng Phát) và Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát ( Công ty Kim Phát ) chủ yếu nhận sang nhượng một phần các dự án từ nhiều công ty bất động sản ở Đồng Nai và TP.HCM.
Sau đó, họ tổ chức quảng bá, môi giới, tư vấn, tiếp thị... các dự án này với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Khi khách hàng đồng ý mua đất nền, họ ký kết các dạng “hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất”…
Nội dung các hợp đồng thường trái với nội dung hợp đồng môi giới mà hai công ty đã ký với các chủ đầu tư; sau đó họ thu tiền và không giao đất, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Mới đây nhất, UBND huyện Long Thành cũng đã có báo cáo cho biết qua kiểm tra, rà soát, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã thành lập thêm 1 chi nhánh tại xã Long Phước do ông Nguyễn Đình Trung phụ trách, đồng thời liên kết với Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp (ở ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành, do bà Trương Thị Hồng Ngọc làm Giám đốc) để rao bán nhiều lô đất tại những dự án không có thật trên địa bàn huyện.
Trong đó, tại xã Phước Bình Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba rao bán 3 vị trí là dự án Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III. Xã An Phước có 1 dự án Alibaba An Phước ở ấp 5. Xã Long Phước, Phước Thái có 17 dự án là Alibaba 1, 2... đến Alibaba 16 và dự án Khu dân cư quốc tế Lilama.
Những vị trí mà Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp rao bán phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch làm giao thông và đang thuộc quyền sở hữu của các cá nhân.
Cụ thể, dự án Alibaba Central Park được quảng cáo trên website và nhiều trang mạng bất động sản có quy mô 20 hécta, với 1.259 lô đất thực chất đang thuộc quyền sử dụng đất của bà Trần Thị Phương Trang, ông Phan Văn Hết, bà Nguyễn Thị Chiêu. Khu đất trên được huyện Long Thành quy hoạch làm Cụm công nghiệp Phước Bình.
Thế nhưng, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp tự thiết kế giao thông ngang dọc khu đất kết nối ra quốc lộ 51 và chia đất ra những lô nhỏ rồi bán. Tại nhiều dự án mà 2 công ty trên quảng bá, rao bán cũng thuộc đất sở hữu riêng của các cá nhân và đều là đất sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành, ông Võ Tấn Đức khẳng định, Công ty CP địa ốc Alibaba cho đến thời điểm hiện tại không được cấp phép dự án nào trên địa bàn huyện Long Thành. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc làm rõ việc công ty này đang rao bán dự án đất nền tràn lan tại địa phương.
Theo UBND huyện Long Thành, từ cuối năm 2017 huyện đã có thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, cắm biển cấm mọi hình thức mua bán, làm hạ tầng, tự ý tách thửa... tại xã Long Phước nhằm ngăn chặn một số công ty bất động sản lừa dân bán đất dự án khi chưa được cấp phép đầu tư.