Đồng rúp mất giá mạnh, Nga muốn thay đổi cách tính tỷ giá hối đoái
Kế hoạch trên được đưa ra sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến thị trường tiền tệ của nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn và đồng rúp mất giá mạnh.
- 14-03-2022Nga đã chuẩn bị hàng trăm tấn vàng châu Phi trước khi hứng chịu các lệnh trừng phạt
- 13-03-2022Nga tiếp tục đóng cửa thị trường chứng khoán trong tuần tới, đồng rúp mất gần 40% giá trị từ khi xung đột bùng phát
- 12-03-2022Sau Goldman Sachs và JPMorgan, làn sóng ngân hàng rời Nga mới chỉ bắt đầu?
Theo tờ The Wall Street Journal, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) cho biết họ có kế hoạch thiết lập một phương pháp mới để tính tỷ giá hối đoái chính thức giữa đồng rúp và USD. Kế hoạch trên được đưa ra sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến thị trường tiền tệ nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Ngân hàng Trung ương Nga hôm thứ Hai cho biết họ sẽ tính toán tỷ giá hối đoái của đồng rúp dựa trên số lượng giao dịch nhiều hơn. Theo đó, cơ quan này sẽ xác định tỷ giá hối đoái chính thức bằng các giao dịch tại Sở Giao dịch Moscow trong thời gian từ 10h sáng đến 16h 30 chiều, thay vì khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 11h30 như hiện tại.
Ngân hàng trung ương Nga vẫn chưa thông báo thời gian chính xác áp dụng cơ chế mới.
The Wall Street Journal dẫn lời các nhà giao dịch tiền tệ cho biết, đang có sự cách biệt lớn giữa tỷ giá RUB/USD tại Sở giao dịch Moscow và thị trường quốc tế. Tình trạng này một phần bắt nguồn từ các biện pháp kiểm soát vốn mà CBR đã áp dụng nhằm ngăn chặn xu hướng của giảm của đồng rúp; cũng như việc các ngân hàng nước ngoài không muốn giao dịch bằng đồng tiền của Nga sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Khó khăn trong việc mua và bán đã khiến đồng rúp biến động mạnh.
Các nhà giao dịch cho biết, tỷ giá RUB/USD chính thức có vài trò đặc biệt quan trọng đối với một số hợp đồng mua bán ngoại tệ. Trước khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát, hầu hết các hợp đồng tương lai đều sử dụng tỷ giá chính thức do CBR công bố để xác định giá trị.
Theo dữ liệu của Reurers, đồng rúp đến nay đã mất gần 30% giá trị kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát, xuống chỉ còn 113 RUB/USD.
Để hỗ trợ đồng rúp, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản, từ 9,5% lên 20% vào ngày 28/2. Cơ quan này cho biết việc tăng lãi suất "được thiết kế để bù đắp rủi ro mất giá của đồng rúp và lạm phát". Trước đó, Nga đã cấm các nhà đầu tư nước ngoài bán chứng khoán nhằm ngăn thị trường sụp đổ.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng trung ương Nga mới đây đã quyết định tiếp tục đóng cửa thị trường chứng khoán trong tuần 14/3-18/3. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ và thị trường repo sẽ vẫn hoạt động.
Trước đó, Sàn giao dịch chứng khoán Moscow đã đóng cửa 10 phiên liên tiếp trong bối cảnh giới chức Nga đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế tác động kinh tế từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine.