Động thái của các chủ đầu tư với ngân hàng liên kết giữa vòng vây “siết” cho vay bất động sản
Giữa lúc “siết” vay với BĐS, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn kí kết với các ngân hàng, tăng niềm tin cho người mua nhà. Đây là động thái cho thấy, người mua không nên quá lo ngại vì không thể tiếp cận vốn để mua BĐS.
Thị trường BĐS vẫn xôn xao về thông tin một số ngân hàng siết khoản vay với BĐS nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng ở giai đoạn này. Đây cũng là động thái của các tổ chức tín dụng nhằm ngăn tình trạng đầu cơ, giá đất tăng dựng đứng, giảm thiểu tình trạng gây nhiễu loạn thị trường BĐS. Điều này là hợp lý theo góc nhìn của người trong cuộc.
Tuy vậy, việc siết này không đồng nghĩa các ngân hàng cấm hết các khoản vay mua BĐS. Nhiều ngân hàng vẫn đang cho vay cả với nhà phát triển dự án BĐS lẫn người vay mua nhà. Đặc biệt, với các chủ đầu tư có quỹ đất, pháp lý đầy đủ, uy tín trên thị trường luôn nằm trong danh sách được các ngân hàng ưu tiên cho vay.
"Những dự án BĐS do các chủ đầu tư uy tín phát triển vẫn được vay bình thường, thậm chí nhận được nhiều lời đề nghị vay vốn từ các ngân hàng", một doanh nghiệp địa ốc cho hay.
Đó là lý do, giữa bối cảnh dấy lên lo ngại việc ngân hàng "siết" cho vay BĐS, các chủ đầu tư tung dự án mới ra thị trường vẫn áp dụng chính sách vay vốn ngân hàng bình thường đối với người mua nhà. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp BĐS tiến hành kí kết với các ngân hàng lớn để hỗ trợ vốn vay cho khách hàng. Động thái này phần nào thể hiện "bảo chứng" cho niềm tin giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Chẳng hạn như mới đây, Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HODECO) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh Vũng Tàu đã tiến hành ký kết hợp tác tài trợ tín dụng cho khách hàng dự án Khu Đô thị The Light City, P.12, Tp.Vũng Tàu. Theo đó, CĐT và ngân hàng sẽ hỗ trợ cho khách hàng của dự án được vay vốn lãi suất ưu đãi với hạn mức tối đa 70% giá trị hợp đồng trong thời gian vay lên đến 20 năm. Được biết, dự án này đã khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 với diện tích hơn 27 ha trên tổng diện tích 49 ha, bao gồm bao gồm nhà phố, biệt thự, chung cư.
Trước đó, Hưng Thịnh Land cũng ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cung cấp các giải pháp tài chính cho dự án MerryLand Quy Nhơn. Theo đó, ngân hàng Quân Đội sẽ là một trong những đầu mối cung cấp tín dụng để thực hiện đầu tư các dự án bất động sản, cấp vốn lưu động và các dịch vụ tài chính khác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Hưng Thịnh Land cùng các đơn vị thành viên.
Nhiều dự án BĐS được quan tâm bởi có sự liên kết chặt chẽ giữa CĐT và ngân hàng, hỗ trợ tài chính cho người mua nhà.
Mới đây, HDBank ký kết hợp tác với Novaland, cung cấp gói tài chính cho người mua nhà. Theo đại diện Tập đoàn Novaland, trong bối cảnh thị trường bước vào mùa đầu tư cao điểm, sự đồng hành của ngân hàng liên kết sẽ giúp đa dạng các giải pháp tài chính cho người mua nhà. Doanh nghiệp này hiện sở hữu danh mục hơn 50 dự án với nhiều loại hình sản phẩm đa dạng như: Căn hộ, biệt thự, nhà phố thương mại, lô văn phòng 24/24, second home, biệt thự nghỉ dưỡng…
Tương tự, mới đây, chủ đầu tư Phú Đông Group đã công bố chính sách hỗ trợ người mua nhà vay ngân hàng. Theo đó, với dự án Sky Garden, chủ đầu tư này ra chính sách thanh toán 20%, ngân hàng cho vay 50% trong suốt 2 năm xây dựng với lãi suất 0%, ân hạn nợ gốc trong vòng 24 tháng đến khi nhận nhà.
Một CĐT khác như Nam Long Group cũng đang tung nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng vay ngân hàng khi mua nhà, giảm tối đa áp lực tài chính. Với việc liên kết với các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, OCB, ACB, doanh nghiệp này đang chứng minh việc CĐT liên kết với ngân hàng để hỗ trợ khách mua nhà, tạo sự an tâm.
Theo các chuyên gia, hợp tác giữa doanh nghiệp BĐS và ngân hàng tạo giải pháp tín dụng giàu ưu đãi, giảm chi phí cơ hội và tăng lợi nhuận cho người mua.
Đại diện một doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM cho biết, trong bối cảnh BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lời được ưa chuộng hàng đầu và mặt bằng lãi suất thấp, người mua đặt kỳ vọng rất cao vào nguồn vốn vay ngân hàng, đặc biệt tại những dự án có sự hợp tác chặt chẽ giữa chủ đầu tư và ngân hàng liên kết.
"Các ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều trong việc sàng lọc và chọn lựa dự án BĐS để tham gia đồng hành cung cấp các sản phẩm tài chính, tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua", vị này nói.
Do đó, với lộ trình triển khai quy định siết tín dụng vào BĐS, những dự án có sự tham gia của ngân hàng đồng hành đồng nghĩa được bảo chứng về uy tín, năng lực chủ đầu tư và khả năng thành công cao hơn trong tương lai.
Những "thương vụ" hợp tác triển khai trong giai đoạn này cũng được cho là chín muồi khi thị trường BĐS đang trên đà phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19.
Tuy vậy, theo một chuyên gia trong ngành, do hướng đến nhu cầu mua ở thực, ngân hàng vẫn hỗ trợ khoản vay cho phân khúc BĐS này, nhưng định giá thận trọng lại, thấp hơn 15% - 20% so với giá thị trường. Ví dụ, gần như 1 năm vừa qua, nhà phố trung tâm khi định giá lại tăng không quá 5%, trong khi thực tế thị trường giao dịch tăng 15%. Bên cạnh đó, họ cũng kiểm soát chặt hơn nguồn thu nhập trả nợ của người đi vay, và tính tăng thêm khoản dự phòng bên cạnh ảnh khoản phải trả nợ và chi phí sinh hoạt.