Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân liệu có thể tiếp tục duy trì tích cực?
Các chuyên gia đánh giá dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục duy trì trong năm 2022 trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn đang ở vùng thấp so với thời điểm trước dịch.
Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự bùng nổ về dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong năm 2021 đạt 1,53 triệu tài khoản, gấp gần 4 lần so với cả năm 2020. Lượng mở mới tài khoản của cá nhân trong nước năm 2021 cũng lớn hơn cả 5 năm trước cộng lại. Tháng 12 tiếp tục đạt kỷ lục với 226.580 tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Như vậy, 10 tháng liên tiếp số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới duy trì trên 100.000 đơn vị/tháng và là tháng thứ 2 ở mức trên 200.000 đơn vị/tháng.
Số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Đơn vị: Tài khoản.
Theo dữ liệu từ FiinPro, cá nhân trong nước năm 2021 mua ròng kỷ lục 88.800 tỷ đồng trên HoSE, trong đó có trên 93.000 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân chính là động lực quan trọng nhất giúp VN-Index liên tục chinh phục các đỉnh cao mới với hàng loạt kỷ lục được thiết lập.
Trái ngược với dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối ngoại có một năm giao dịch tiêu cực khi bán ròng kỷ lục 62.325 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán năm 2021, gấp 3,3 lần năm 2020. Nếu như trước đây, quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 20% giá trị giao dịch/phiên thì hiện tại chỉ 7%.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Các chuyên gia cho rằng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước có thể tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn đang ở vùng thấp so với thời điểm trước dịch.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, VNDirect nhận định lãi suất huy động kỳ hạn một năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức 5,6%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm bình quân giai đoạn 2017-2019 (trước đại dịch Covid-19) là 6,8%-7,0%/năm. Mặc dù lãi suất huy động được dự báo có thể tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn khoảng 1 điểm % so với mặt bằng lãi suất trước đại dịch. Trong bối cảnh lãi suất huy động thấp, nhà đầu đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có lợi nhuận kỳ vọng cao hơn, tiêu biểu là kênh đầu tư chứng khoán. Hiện tỷ lệ tài khoản trên quy mô dân số của Việt Nam chỉ ở mức khoảng 4,5%, do đó tiềm năng tăng trưởng vẫn còn lớn (tỷ lệ này ở Hàn Quốc là 74%, Mỹ 55%, Trung Quốc 20% hay Thái Lan là 7%).
Dù vậy, một thực trạng đáng chú ý trong năm 2021 là dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân tập trung rất mạnh vào nhóm cổ phiếu có yếu tố đầu cơ cao gây ra những lo ngại nhất định cho thị trường chung. Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích chứng khoán Yuanta Việt Nam, điều này sẽ là rủi ro tiềm ẩn của thị trường do tính nghịch lý, tức là giá cổ phiếu tăng mạnh và ngược với đà tăng trưởng hoạt động kinh doanh. Đồng thời, lượng margin ở mức cao và nhóm cổ phiếu đầu cơ có thể gây ảnh hưởng đến giảm đồng loạt nhiều nhóm cổ phiếu do ảnh hưởng từ các đợt bán giải chấp của công ty chứng khoán.
Trong khi đó, ông Hinh đánh giá sự tham gia ngày càng nhiều hơn của các nhà đầu tư mới có thể làm tăng mức độ biến động của thị trường. Một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư cá nhân theo đuổi giao dịch theo dòng tiền hoặc tin đồn, điều này tiềm ẩn rủi ro cao. Thực tế gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp nhà đầu tư cá nhân tham gia những hội nhóm đầu cơ cổ phiếu với mong muốn kiếm được lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Chính điều này đã khiến nhiều cổ phiếu có sự biến động tăng giảm mạnh tương đối bất thường trong thời gian qua. Bên cạnh đó, trong những thời điểm có nhiều thông tin xấu xuất hiện và thị trường điều chỉnh thì nhà đầu tư cá nhân cũng thường mất bình tĩnh bán tháo, dẫn đến gặp nhiều thiệt hại.
Đánh giá về dòng vốn ngoại, chuyên gia đến từ VNDirect cho rằng xu hướng trong thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào diễn biến dịch bệnh, tốc độ mở cửa trở lại của nền kinh tế, lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. Trong nửa đầu năm 2022, khả năng cao khối ngoại sẽ tiếp tục duy trì xu thế bán ròng bởi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới nguy hiểm và Fed dự kiến đẩy nhanh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, ông Hinh kỳ vọng dòng tiền khối ngoại sẽ tích cực hơn trong nửa sau năm 2022 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nhờ hoàn thành tiêm chủng vaccine cho người dân, tác động từ việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ lắng dịu và Chính phủ đẩy nhanh triển khai gói kích thích kinh tế lớn, thúc đẩy sự phục hồi của các doanh nghiệp.
Bên cạnh các yếu tố về kiểm soát tốt dịch bệnh hoặc thích ứng tốt trong giai đoạn mới, chuyên gia đến từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận việc đẩy nhanh thoái vốn hoặc niêm yết các doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ là động lực để thu hút dòng vốn nước ngoài. Cùng với đó, việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng sẽ là động lực lớn để khối ngoại tìm cơ hội tại Việt Nam.
Ông Minh kỳ vọng tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện tích cực trong năm 2022, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giải quyết được nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vì các quỹ đầu tư nước ngoài thường có chu kỳ đầu tư dài hạn hơn và ít biến động tỷ lệ sở hữu hơn so với nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, tỷ lệ khối ngoại gia tăng cũng sẽ giảm tính biến động mạnh của thị trường.
Trong khi đó, ông Hinh cho rằng tác động của dòng vốn ngoại đến diễn biến thị trường Việt Nam trong năm 2022 sẽ không lớn do vai trò ngày càng tăng của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Tác động của nhà đầu tư ngoại chủ yếu sẽ đến từ mặt tâm lý và lực đỡ khi thị trường điều chỉnh giảm sâu thì khối ngoại thường có động thái mua ròng các cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu trụ để hỗ trợ thị trường.
Người Đồng Hành