Đồng USD leo thang, nỗi lo của các thị trường mới nổi
Đồng USD mạnh lên, kéo theo sự mất giá của đồng tiền nhiều nước mới nổi, sẽ là tin xấu đối với các nền kinh tế này. Ước tính đồng USD mạnh lên 1% có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi khoảng 0,3%...
- 06-04-2021Người dân Mỹ thích mua nhà hơn đầu tư chứng khoán, đây là lý do tại sao
- 06-04-2021Cơn sốt bất động sản bùng lên ở Hàn Quốc, người dân ồ ạt đi vay để đầu cơ và... thuê nhà
Đồng USD có xu hướng tăng giá nhanh thời gian gần đây, và giới chuyên gia dự báo bạc xanh sẽ tiếp tục mạnh lên trong ngắn hạn. Điều có khả năng gây ra những tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế mới nổi.
Cùng với đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, chỉ số Dollar Index, một thước đo sức mạnh của USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 3,5% trong quý 1 vừa qua. Biến động này đối lập hoàn toàn với dự đoán mà các nhà phân tích đưa ra hồi đầu năm.
NGƯỢC DÒNG DỰ BÁO
"Chúng ta đang trở lại với một thế giới nơi đồng USD mạnh. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, phải mất tới 4 năm, từ 2009-2013, đồng USD mới mạnh trở lại. Giờ đây, việc này diễn ra chỉ sau vài tháng" - nhận định của ông Robin Brooks, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
Vào thời điểm đầu năm, dự báo ảm đạm về tăng trưởng kinh tế Mỹ và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại nước này đã khiến các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia đồng thuận rằng đồng USD sẽ có xu hướng suy yếu đáng kể trong năm 2021.
Một trong những tiền đề khiến giới phân tích cho rằng đồng USD sẽ mất giá trong năm nay là do lập luận về "thâm hụt kép" của Mỹ.
Thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới gần 15% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2021. Cùng với đó, thâm hụt tài khoản vãng lai năm 2020 đã ở mức khoảng 3,5% GDP và cũng có nguy cơ tăng lên. Trong dài hạn, thâm hụt kép này có khả năng tiếp tục gây áp lực giảm giá lên đồng USD.
Nhưng thực tế diễn ra ngược lại: đồng USD đã mạnh lên trong quý 1 năm nay, và có nhiều lý do giải thích cho sự tăng giá này của đồng tiền dự trữ số 1 thế giới.
Diễn biến chỉ số Dollar Index từ đầu năm đến nay - Nguồn: Trading View.
Bên cạnh gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden thúc đẩy ngay sau khi nhậm chức, tốc độ của chiến dịch tiêm chủng tăng đáng kể ở Mỹ - từ 900.000 mũi tiêm/ ngày lên gần 3 triệu mũi tiêm/ ngày - đang mở ra triển vọng tươi sáng về bình thường hóa các hoạt động kinh tế. Các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy rõ sự khởi sắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số chuyên gia Phố Wall đang kỳ vọng kinh tế Mỹ ghi nhận tăng trưởng GDP lên tới 8% trong năm nay.
Ngoài ra, nỗi lo về sự suy giảm của chứng khoán toàn cầu và khả năng hình thành bong bóng ở các tài sản rủi ro cũng là một nhân tố làm tăng sức mạnh đồng USD, bởi đồng tiền này đóng vai trò như tài sản trú ẩn an toàn truyền thống trong những thời điểm biến động của thị trường tài chính.
Chưa kể, mối quan ngại về làn sóng đại dịch tiếp theo ở châu Âu, Ấn Độ và nhiều khu vực khác trên thế giới cũng được đánh giá là một nguyên nhân làm tăng nhu cầu quốc tế với đồng USD.
Tất cả những yếu tố trên đều buộc các nhà quan sát nhìn nhận lại về sức mạnh đồng USD.
85% số chuyên gia tham gia cuộc khảo sát gần đây của hãng tin Reuters đồng tình rằng đồng bạc xanh sẽ còn tăng giá trong ít nhất 1 tháng nữa.
Trao đổi với Reuters, ông Steve Englander, nhà quản lý cấp cao tại G10 FX cho hay: "Chúng ta đã bắt đầu một năm với dự báo đồng USD suy yếu trong cả ngắn hạn và dài hạn, nhưng với những thay đổi quá lớn trong môi trường hiện tại, thì việc duy trì dự báo đồng USD giảm giá trong ngắn hạn là vô cùng rủi ro".
Giới quan sát lo ngại rằng một hệ quả của chính sách kích cầu của Chính phủ Mỹ sẽ là lạm phát tăng mạnh. Họ cho rằng Mỹ đang đánh mất kỷ luật tài khóa và điều đó có thể khiến lạm phát tăng vọt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách không nhận thấy mối nguy hiểm lớn ở đây.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gần đây phát tín hiệu sẽ không sớm siết chặt các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế cho đến ít nhất năm 2023. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất hồi giữa tháng 3 của Fed, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) đã bỏ phiếu tiếp tục duy trì mức lãi suất 0-0,25% kèm theo chương trình mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng.
Trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng trung ương khác đang duy trì lãi suất âm, mức chênh lệch lãi suất như vậy được đánh giá là có lợi cho đồng bạc xanh. Thêm vào đó, việc tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cam kết không can thiệp vào giá trị đồng USD mà để "thị trường quyết định" cũng làm giảm rủi ro bàn tay chính phủ cố gắng làm suy yếu đồng USD nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
NỖI LO CỦA CÁC NỀN KINH TẾ MỚI NỔI
Gần 60% các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Reuters dự báo đồng tiền của nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ suy yếu trong 3 tháng tới.
Còn theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đồng USD mạnh lên, kéo theo sự mất giá của đồng tiền nhiều nước mới nổi, sẽ là tin xấu đối với các nền kinh tế này. Các chuyên gia của BIS nói rằng đồng USD mạnh lên 1% có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi khoảng 0,3%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng không phải quốc gia nào cũng hưởng lợi khi đồng USD mạnh. Dù tốc độ tăng trưởng nhanh của Mỹ góp phần hỗ trợ mức tăng trưởng của các thị trường mới nổi, nhưng theo IMF, đồng USD mạnh lên sẽ kìm hãm đáng kể xu hướng đó.
Những hàng hóa được định giá quốc tế bằng đồng USD sẽ bị đẩy giá lên khi tính theo đồng tiền khác, dẫn đến thu nhập thực tế thấp hơn và nhu cầu ở các thị trường mới nổi giảm đi. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng USD cũng như tính ưu việt của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu sẽ biến các thị trường mới nổi thành nơi dễ bị ảnh hưởng nhất khi tỷ giá hối đoái thay đổi.
Ngoài ra, khối nợ bằng đồng USD ở những nền kinh tế mới nổi phình to hơn, làm tăng nguy cơ gây ra khủng hoảng nợ. Rủi ro khủng hoảng nợ tiềm ẩn như vậy có thể kéo theo nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời tác động ngược trở lại Mỹ.
VnEconomy