MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đồng USD từ mức đáy 3 tháng hiện nay sẽ hồi phục hay còn trượt giá lâu dài?

24-05-2021 - 12:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Đồng USD từ mức đáy 3 tháng hiện nay sẽ hồi phục hay còn trượt giá lâu dài?

Đồng đô la đang trên đà lao dốc, đã mất đi gần như toàn bộ mức tăng của năm 2020 so với rổ các đồng tiền chủ chốt. Nguyên nhân của sự đảo ngược xu hướng này là do ngân hàng trung ương Mỹ thể hiện quyết tâm rõ ràng rằng sẽ tiếp tục in tiền với tốc độ như hiện tại, bất chấp các dấu hiệu cho thấy lạm phát tăng và kinh tế hồi phục.

USD sáng nay ở mức thấp nhất trong vòng 3 tháng, trái với xu hướng tăng của đồng euro.

Chỉ số dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – sáng nay 24/5 dao động ở mức 90,027 USD, gần sát mức thấp nhất 3 tháng là 89,646 của ngày thứ Sáu (21/5).

Trong khi đó, EUR giao dịch ở mức cao nhất gần 3 tháng vào sáng 24/5, là 1,2245 USD; bảng Anh vẫn quanh mức thấp nhất 3 tháng là 1,4144 USD/GBP như phiên liền trước, trong khi yen dao động quanh mức 108,92 USD.

Đồng USD từ mức đáy 3 tháng hiện nay sẽ hồi phục hay còn trượt giá lâu dài? - Ảnh 1.

Mức giảm giá của USD so với tiền tệ của nhóm G10 kể từ đầu quý II/2021 đến nay

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhìn chung đều bác bỏ ý tưởng lạm phát tăng nóng, cho rằng lạm phát chỉ tăng tạm thời và xuất phát từ những tác động cơ bản.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 4 của Fed được công bố vào tuần trước cho thấy một số quan chức Fed đã muốn bàn tới việc giảm bớt tốc độ mua trái phiếu. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed, ông Fed Jerome Powell, chưa từng đề cập đến ý tưởng này. Tất cả các phát ngôn của ông đều luôn lặp lại rằng lạm phát chỉ là nhất thời.

Chúng ta sẽ có một cơ hội nữa để kiểm chứng quan điểm của Fed, đó là ngày 28/5 tới, khi Mỹ công bố các chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) mới nhất.

PCE lõi, không bao gồm lương thực và năng lượng, là chỉ số mà Fed thường sử dụng để làm căn cứ đánh giá mục tiêu lạm phát trung bình – hiện là 2%. Lạm phát ở mỹ đã tăng 1,8% trong vòng 12 tháng tính tới tháng 3/2021.

Chưa dừng lại ở đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tiếp tục tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020, tăng mạnh so với mức tăng 2,6% hồi tháng 3 vừa qua. Trong đó, giá ô tô đã qua sử dụng tăng 10% so với tháng 3, mức tăng hàng tháng cao kỷ lục; giá thực phẩm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá dịch vụ ăn uống tại nhà hàng tăng 3,8%; giá thuê xe ô tô đã tăng 82% và giá vé máy bay tăng tới 9,6%.

Nếu Fed vẫn bất chấp những dữ liệu hiện tại để duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng như hiện nay, đồng USD sẽ còn tiếp tục giảm giá, và điều đó sẽ như "lửa đổ thêm dầu" cho cơn sốt giá hàng hóa hiện nay.

Trong khi đó, các số liệu kinh tế của Mỹ không đồng nhất, khi một vài chỉ số cho thấy tốc độ hồi phục kinh tế chậm lại.

Shinichiro Kadota, chiến lược gia tiền tệ cấp cao của Barclays cho biết: "Số liệu lạm phát đã khá mạnh nhưng doanh số bán lẻ có thể bắt đầu chậm lại. Triển vọng kinh tế vẫn chỉ xoay quanh tác động từ chính sách tài khóa chứ chưa chắc chắn".

Nhà Trắng hôm 21/5 cho biết họ đã giảm kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng xuống 1,7 nghìn tỷ USD từ mức 2,25 nghìn tỷ USD dự kiến ban đầu bằng việc giảm đầu tư vào băng thông rộng và cầu đường, song Đảng Cộng Hòa vẫn chưa nhất trí với kế hoạch này.

Tuy nhiên, hãy quan sát thị trường tiền điện tử, việc giá tiền điện tử tuần qua lao dốc thê thảm có thể khiến USD lại trở thành điểm đầu tư mới cho dòng tiền chảy từ thị trường tiền điện tử, bởi dẫu sao USD cũng là một nơi ẩn náu an toàn.

Bitcoin kết thúc tuần (phiên thứ Sáu 21/5) giảm hơn 7% xuống 34.157 USD. Chưa dừng lại ở đó, Bitcoin tiếp tục mất thêm 13% trong ngày Chủ nhật (23/5), xuống khoảng 31.000 USD do hoạt động bán tháo tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. So với thời điểm giá cao nhất của năm 2021, giá bitcoin đến cuối ngày 23/5 đã mất khoảng 50%. Đồng tiền điện tử Ether hôm Chủ nhật cũng giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng là 1.730 USD, mất 60% so với mức đỉnh kỷ lục chỉ 12 ngày trước.

Trong tháng qua, nhiều nhà phân tích Phố Wall đã dự báo, các cơ quan quản lý Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ có thể sẽ sớm đóng vai trò tích cực hơn trong việc quản lý tiền điện tử.

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo rằng họ đang thực hiện các bước để siết lại thị trường tiền điện tử, đồng thời sẽ yêu cầu bất kỳ khoản chuyển khoản nào trị giá 10.000 USD trở lên đều phải báo cáo cho Sở Thuế vụ (IRS).

Trung Quốc cũng đang liên tiếp công bố những biện pháp siết chặt việc quản lý tiền điện tử. Những điều đó có thể khiến một lượng tiền nhất định sẽ chảy từ tiền điện tử sang USD.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu đang tăng trên toàn cầu.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức vừa trải qua một bước ngoặt lớn khi chuyển từ trạng thái âm trong suốt 10 năm qua sang mức 0% hiện nay. Đó là dấu hiệu cho thấy những bi quan về kinh tế Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đang mờ dần.

Cũng giống như Châu Âu, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời gian qua cũng tăng lên, và các nhà hoạch định chính sách tài chính nước này không quá lo lắng với hiện tượng đó mà vẫn duy trì các biện pháp kích thích kinh tế.

Như vậy, có thêm một yếu tố để có thể tin rằng, xu hướng giảm giá của đồng USD sẽ còn tiếp diễn.

Đồng USD từ mức đáy 3 tháng hiện nay sẽ hồi phục hay còn trượt giá lâu dài? - Ảnh 2.

Lợi suất trái phiếu kho bạc của những nền kinh tế lớn

Tham khảo: Refinitiv, Cnbc

Thu Ngân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên