Dòng vốn P-Notes và bài học từ lịch sử
Phân tích hoạt động mua vào của khối ngoại, CTCK BSC cho rằng dòng vốn P-notes sẽ vẫn tích cực, nhưng lưu ý rằng hiệu ứng tăng điểm lên thị trường đang giảm dần do nhà đầu tư trong nước đang thận trọng và áp lực chốt lãi ngắn hạn ngày càng lớn.
P-Notes - Bài học từ lịch sử
Trong một báo cáo phân tích đăng ngày 13/5 mang tên “Dòng vốn P-Notes - Bài học từ lịch sử”, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá dòng vốn ngoại, trong đó có sự góp mặt của P-Notes, là một phần nguyên nhân đẩy chỉ số VN-Index vượt qua mức 600 điểm và đang tiếp cận vùng kháng cự mạnh tại 615-620 điểm.
BSC cho biết P-Notes và các quỹ đầu tư chỉ số ETF đã xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian dài, nhưng chỉ mới bắt đầu thu hút sự chú ý của thị trường.
Giai đoạn đầu tiên thị trường chứng khoán Việt Nam nghe nói đến sự xuất hiện của P-Notes và ETF là từ cuối năm 2009 đến năm 2010, khi nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 15 tháng liên tiếp với tổng quy mô gần 18.000 tỷ đồng.
Giai đoạn này TTCK Việt Nam khá xấu, tiềm ẩn nguy cơ điều chỉnh mạnh sau khi tăng rất mạnh năm 2009 (VN-Index tăng từ đáy 235 điểm ngày 24/2 lên đỉnh 624 điểm ngày 22/10). Nếu không có dòng tiền mạnh từ nước ngoài, chỉ số VN-Index có khả năng đã giảm khá sâu. Điều này được thể hiện qua sự chênh lệch điểm số giữa VN-Index (giảm 2%) và HNX-Index (giảm 32%) trong năm 2010.
Trong năm 2010, dòng tiền P-Notes và ETF này đã góp phần cho mức mua ròng kỷ lục hơn 15.250 tỷ đồng của khối ngoại. Giá trị giao dịch của khối ngoại/giá trị giao dịch thị trường tăng từ 19,3% lên 21,9%, trong khi giá trị mua ròng/giá trị thị trường tăng từ 0,8% lên 4%.
Các quỹ đầu tư chỉ số ETF cũng đẩy mạnh hoạt động giao dịch trong năm 2010, với quỹ ETF VNM tăng quy mô được khoảng 139,4 triệu USD, tương đương 2.718 tỷ đồng; trong khi quỹ ETF FTSE VN tăng quy mô được 15,3 triệu USD, tương đương 298,1 tỷ đồng. Hai quỹ ETF này đóng góp 3.016 tỷ đồng trong tổng số 15.252 tỷ đồng mua ròng của khối ngoại trong năm 2010.
Như vậy, phần lớn giá trị mua ròng còn lại mang dấu ấn của hoạt động đầu tư P-notes.
Trong bối cảnh dòng vốn nội rút mạnh khỏi thị trường giai đoạn hậu gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 1 tỷ USD thì dòng vốn này đóng vai trò rất quan trọng giúp thị trường ổn định trong suốt năm 2010.
Tổng kết về dòng vốn P-notes năm 2010, BSC cho biết dòng vốn nóng này chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu lớn, có ảnh hưởng mạnh đến các chỉ số vào thời điểm đó như HAG, VIC, BVH, FPT, HPG, VNM, SJS, DPM, VCB, PVD, SSI và MSN. Ngoài ra, dòng vốn này chỉ tập trung mua cổ phiếu trên sàn HSX.
Dòng vốn P-notes sẽ vẫn tích cực
Đưa ra nhận định về dòng vốn đầu tư nước ngoài thời gian tới, BSC vẫn tiếp tục duy trì quan điểm tích cực về dòng vốn P-notes.
Tuy nhiên, do chỉ số VN-Index vượt qua mức 600 điểm và đang tiến vào vùng kháng cự mạnh 615-620 điểm, nên BSC lưu ý rằng hiệu ứng tăng điểm của dòng vốn ngoại lên thị trường đang giảm dần khi nhà đầu tư trong nước trở nên thận trọng và áp lực chốt lãi ngắn hạn ngày càng lớn.
“Nhìn chung, thị trường nhận định đang có rủi ro cao, khả năng đảo chiều đang lớn dần khi chỉ số tăng nhanh và thanh khoản sụt giảm, cùng với việc chờ đợi thông tin hỗ trợ mạnh. Nếu hoạt động mua vào vẫn tiếp diễn thì VN-Index sẽ còn tăng trong nghi ngờ và nhiều nhà đầu tư tiếp tục không vui với danh mục không có các cổ phiếu Bluechip như thời gian qua,” BSC viết trong báo cáo.
Điểm tích cực trong giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, theo BSC, là hoạt động mua ròng của khối này chỉ khoảng 3–5% giao dịch toàn thị trường, và trạng thái mua ròng tích lũy không lớn để tạo biến động mạnh trên thị trường khi xảy ra hoạt động rút vốn. Hơn nữa, cơ chế rút vốn của P-notes cũng không có biến động nhanh như các ETFs để có thể tạo hiệu ứng xấu cho thị trường.
Về điểm tiêu cực, BSC cho rằng khối ngoại đang có xu hướng rút vốn tại các nước trong khu vực sau 2 tháng mua ròng (tháng 3 và tháng 4). Việc dòng vốn này tại Việt Nam có sớm chấm dứt theo xu hướng chung của khu vực hay không rất khó dự đoán vì thị trường không có công cụ hữu hiệu để dự báo hoạt động mua vào của P-Notes.
Người đồng hành