Đồng yên giảm giá mạnh nhất trong số 9 loại tiền tệ của các nền kinh tế lớn: Thêm một yếu tố mới nổi dẫn đến sự suy yếu của đồng tiền Nhật Bản
Dòng vốn đổ vào các quỹ chứng khoán nước ngoài thông qua chương trình NISA được cho là gây thêm áp lực lên đồng yên.
- 10-05-2024Bị nghi ngờ can thiệp hỗ trợ đồng yên 2 lần, Nhật Bản đã thu về bao nhiêu tiền lãi vốn từ động thái này?
- 07-05-2024Nhật Bản tuyên bố cứng rắn: Sẽ chống lại mọi động thái nhằm lũng đoạn đồng yên
- 04-05-2024Nhật Bản có thể vực dậy đồng yên khỏi đáy lịch sử?
- 03-05-2024Reuters: Nhật Bản có thể đã bơm tới 60 tỷ USD để giải cứu đồng yên và đang đứng trước một “cơ hội tốt” để hành động
Các nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản nổi lên như một nhân tố mới khiến đồng yên trượt giá liên tục và gây trở ngại đối với nỗ lực hỗ trợ đồng tiền này của chính phủ.
Đồng yên giảm 1,7% so với đồng đô la Mỹ trong tuần tính đến thứ Sáu, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong số 9 loại tiền tệ của các nền kinh tế lớn.
Giá trị đồng yên sụt giảm kể từ năm 2022 chủ yếu là do chênh lệch lãi suất cùng với thâm hụt thương mại ngày càng tăng. Nhưng hiện tại, chênh lệch tỷ giá đã ngừng tăng và thâm hụt thương mại đang giảm dần.
Do đó, một lý do đáng chú ý khiến đồng yên tiếp tục giảm bất chấp những thay đổi này có thể là do chương trình Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nhật Bản Nippon (NISA) cải tiến.
Đầu tư chứng khoán nước ngoài của các nhà đầu tư cá nhân thông qua các quỹ tín thác đạt 4.000 tỷ yên (25,7 tỷ USD) trong bốn tháng đầu năm, mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng tính từ năm 2005, theo dữ liệu do Bộ Tài chính công bố hôm thứ Sáu.
Các quỹ chứng khoán nước ngoài hấp thụ lớn các dòng vốn này. Quỹ đầu tư thế giới eMAXIS Slim World của Mitsubishi UFJ Asset Management đã ghi nhận dòng vốn ròng 943,7 tỷ yên trong bốn tháng đầu năm nay, mức cao nhất đối với bất kỳ quỹ tín thác đầu tư chào bán công khai nào tại Nhật Bản, ngoại trừ các quỹ ETF. Chỉ riêng quỹ này đã chiếm 18% dòng vốn ròng đổ vào các quỹ tín thác đầu tư trong kỳ và đã vượt mức 3.000 tỷ yên tài sản ròng vào tháng 4.
Một số nhà phân tích nhận thấy tác động của xu hướng này đối với đồng yên vượt xa tác động của mức thâm hụt thương mại 1.800 tỷ yên của Nhật Bản trong quý 1.
Sự suy yếu của đồng yên có thể liên quan đến bản chất của chương trình NISA. Các nhà đầu tư thường bỏ khoảng 10.000-50.000 yên vào cùng một quỹ mỗi tháng, bất kể thị trường đang diễn biến như thế nào.
Daisaku Ueno, chiến lược gia ngoại hối trưởng tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho biết: “Đổ tiền vào các quỹ đầu tư toàn cầu có nghĩa là bán đồng yên để mua đồng nội tệ”. “Nó có thể có tác động đến các cặp tiền tệ được giao dịch, ngay cả khi mỗi giao dịch chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thể.”
Sự hồi sinh của hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) – cho vay đồng yên với lãi suất thấp để mua các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn – cũng góp phần vào sự sụt giảm của đồng tiền này.
Trên thị trường quyền chọn, biến động tỷ giá giữa đồng đồng đô la và yên trong một tháng đã giảm xuống 8% từ mức khoảng 12% vào cuối tháng 4. Điều này cho thấy rủi ro thua lỗ giảm từ biến động tỷ giá hối đoái, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động carry trade.
Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là đã chi tổng cộng 8.000 tỷ yên để can thiệp hỗ trợ đồng yên 2 lần, vào ngày 29/4 và 2/5. Bộ Tài chính và BOJ từ chối bình luận về việc này.
Daiju Aoki, giám đốc đầu tư Nhật Bản tại UBS SuMi Trust Wealth Management, cho biết việc đồng yên suy yếu trở lại sau những đợt tăng giá đột biến cho thấy “rất khó để đảo ngược xu hướng mất giá của đồng yên bằng can thiệp”.
Theo Nikkei Asia
Nhịp sống Thị trường