MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đợt cơ cấu cuối cùng 2016 của ETF

Theo kế hoạch, 2 quỹ ETF tại TTCK Việt Nam là FTSE Vietnam Index (FTSE) và Market Vectors Vietnam ETF (V.N.M) sẽ bước vào đợt tái cơ cấu cuối cùng trong năm 2016. Là 2 trong số các quỹ nước ngoài lớn nhất trên thị trường, mọi hành động của 2 quỹ này sẽ ảnh hưởng tới tất cả các CP liên quan trong danh mục đầu tư và cả thị trường chung trong tháng 12 này.

VNM khiến nhiều mã bị loại

Dựa trên số liệu công bố tại ngày chốt dữ liệu của 2 quỹ (25-11), CTCK Ngân hàng Á Châu (ACBS) vừa đưa ra những dự báo về đợt cơ cấu này. Cụ thể, đối với quỹ FTSE, 2 mã CII (CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM) và ROS (CTCP Xây dựng Faros) thỏa mãn các điều kiện để được thêm vào danh mục trong đợt tái cơ cấu cuối của năm 2016. Với ROS, các điều kiện về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ CP trôi nổi (free float) và room cho khối ngoại không phải là vấn đề.

Theo kế hoạch, FTSE sẽ thông báo danh mục mới vào ngày 2-12, trong khi V.N.M sẽ công bố vào ngày 9-12. Cả 2 quỹ sẽ kết thúc đợt tái cơ cấu cuối cùng của năm 2016 vào ngày 16-12.

Vấn đề chính là thời gian niêm yết, khi mã CP này mới chào sàn trong phiên giao dịch ngày 1-9. Do FTSE chỉ yêu cầu CP niêm yết tối thiểu 3 tháng trước kỳ tái cơ cấu nên ROS hoàn toàn hội đủ các điều kiện để được quỹ này mua vào 5,4 triệu CP. Theo tính toán, số lượng CP được mua vào này tương đương 30 triệu USD (chiếm 9,71% và có tỷ trọng lớn thứ 5 trong danh mục của FTSE). Với CII, do doanh nghiệp này vừa thông qua quyết định nới room ngoại lên 70% nên FTSE sẽ phải mua vào 7 triệu CP (tương đương 9 triệu USD).

Ngược lại, trong đợt tái cơ cấu danh mục này, dự báo FTSE sẽ loại ra hàng loạt mã CP như: STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín), PGD (CTCP Phân khối khí thấp áp dầu khí Việt Nam), PVT (TCTCP Vận tải dầu khí), PDR (CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt), HNG (CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), HQC (CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân), VHG (CTCP Hùng Vương), BHS (CTCP Đường Biên Hòa), HHS (CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy).

Việc FTSE loại hàng loạt mã CP trong đợt cơ cấu này bắt nguồn từ mã CP vừa được thêm vào trong đợt tái cơ cấu trước đó là VNM (CTCP Sữa Việt Nam). Sự xuất hiện VNM (chiếm 15% danh mục đầu tư) trong rổ danh mục của FTSE đã đẩy tổng vốn hóa thị trường có thể đầu tư được lên rất cao. Do đó, các mã CP nhỏ có vốn hóa thị trường có thể đầu tư được có tỷ trọng dưới 0,5% sẽ bị quỹ ETF này loại ra.

STB sẽ không nằm trong tầm ngắm của ETF trong năm 2017. Ảnh: LONG THANH
STB sẽ không nằm trong tầm ngắm của ETF trong năm 2017. Ảnh: LONG THANH

Theo tính toán, tổng giá trị các CP bị FTSE bán ra khoảng 26,6 triệu USD, tương ứng khoảng 70% số tiền quỹ ETF này dự định phải bỏ ra để mua vào 2 mã ROS và CII. Phần thiếu hụt còn lại, FTSE sẽ phải chào bán một phần các CP còn lại trong danh mục, ngoại trừ các mã VNM, KDC (CTCP Tập đoàn Kido) và NT2 (CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2). Trong đó, VIC (CTCP Tập đoàn Vingroup), HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) và DPM (TCTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí) sẽ bị bán ra mạnh nhất với giá trị lần lượt hơn 5,5 triệu USD, hơn 2,8 triệu USD và gần 2,1 triệu USD. Ngược lại, VNM tiếp tục được FTSE mua vào hơn 4,6 triệu USD.

ROS không được vào rổ V.N.M

Với V.N.M, theo dự báo của ACBS, quỹ này sẽ thêm vào danh mục 2 mã hội đủ các điều kiện là CII và HSG (CTCP Tập đoàn Hoa Sen). Dự báo, V.N.M sẽ mua vào hơn 3,7 triệu CP HSG và gần 3,5 triệu CP CII (tương đương với tổng giá trị mua vào gần 12,4 triệu USD). Nếu FTSE đưa ROS vào rổ danh mục do điều kiện về thời gian niêm yết ngắn hơn, V.N.M sẽ không đưa vào do không đủ điều kiện “một CP phải có giao dịch tối thiểu 250.000 CP/tháng suốt thời gian giao dịch 6 tháng trước kỳ tái cơ cấu, đồng thời phải thỏa mãn điều kiện này trong 2 kỳ tái cơ cấu trước đó”. Điều này đồng nghĩa, một mã CP phải đủ điều kiện thanh khoản trong 1 năm mới được đưa vào danh mục đầu tư của V.N.M.

Do V.N.M đã thêm vào CP Mcnex Co Ltd của Hàn Quốc vào quý III nên tỷ trọng CP của quỹ này tại TTCK Việt Nam giảm xuống chỉ còn 82%. Đáng chú ý, trong rổ CP của của V.N.M có 3 mã CP ngoại được xếp vào nhóm CP tệ nhất trong danh mục đầu tư nên nhiều khả năng sẽ bị quỹ này bán ra gồm: SIA LN, 105630 và DNA AU. Do vậy, trong đợt cơ cấu danh mục này, V.N.M sẽ không loại bất cứ mã CP nào tại TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, trong danh mục của V.N.M vẫn còn hơn 1 triệu CP PVT chưa bán hết trong đợt tái cơ cấu quý III. Chính vì vậy, khả năng V.N.M sẽ tiếp tục bán ra số CP PVT này trong đợt cơ cấu danh mục cuối cùng của năm 2016.

Bên cạnh đó, V.N.M cũng sẽ tăng/giảm tỷ trọng CP nhằm phù hợp với các thay đổi về free float, room NĐTNN và giá trong suốt 3 tháng qua (kể từ đợt tái cơ cấu quý III). Theo đó, những mã CP bị bán bớt gồm: VIC 3,6 triệu USD, STB hơn 3 triệu USD và VCG (TCTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam) hơn 6 triệu USD. Trong khi đó, KDC sẽ được mua vào hơn 2,1 triệu USD.

Theo Hải Hồ

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Trở lên trên