MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đột ngột giảm gần 20 điểm chỉ sau 15 phút cuối phiên, chuyện gì đang xảy ra với chứng khoán Việt Nam?

Đột ngột giảm gần 20 điểm chỉ sau 15 phút cuối phiên, chuyện gì đang xảy ra với chứng khoán Việt Nam?

Dù sắc xanh vẫn le lói xuất hiện, song cú “đánh úp” phiên ATC tựa như cơn lốc xoáy cuốn bay hết mọi nỗ lực gượng dậy của thị trường.

Sau phiên lao dốc đứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp hôm qua, nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch 17/10 bằng tâm thế thận trọng. Bên bán không ngần ngại đẩy lệnh bán giá thấp, trong khi bên mua chỉ tung lệnh nhỏ mua thăm dò khiến thị trường rơi vào trạng thái giằng co. Dù sắc xanh vẫn le lói xuất hiện, song cú “đánh úp” phiên ATC tựa như cơn lốc xoáy cuốn bay hết mọi nỗ lực gượng dậy của thị trường.

Nhiều cổ phiếu lớn như dòng chứng khoán, ngân hàng, bất động sản đầu phiên vẫn tăng mạnh nhưng bất ngờ đảo chiều giảm sâu cuối phiên. Chốt phiên 17/10, VN Index giảm 19,77 điểm (tương đương 1,73%) xuống còn 1.121 điểm, sắc đỏ bao trùm thị trường với 648 mã giảm áp đảo hoàn toàn so với mã tăng giá.

Đột ngột giảm gần 20 điểm chỉ sau 15 phút cuối phiên, chuyện gì đang xảy ra với chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 1.

Thanh khoản dù dâng cao vào vào cuối phiên song vẫn “hụt hơi” so với phiên trước khi giá trị khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt 12.600 tỷ đồng. Thanh khoản liên tục tụt dốc trong phiên giảm mạnh cho thấy tâm lý thị trường đang rất thận trọng và có thể các nhà đầu tư tổ chức vẫn đang “nằm im”.

Dù không còn quá ngạc nhiên với sự sụt giảm điểm mạnh ngay trước và trong phiên ATC, song cú xoay chiều bất ngờ của thị trường vẫn khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi hoang mang.

Nguyên nhân khiến lực bán kích hoạt mạnh trong phiên ATC

Lý giải về điều này, ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc Phân tích FIDT cho rằng diễn biến thị trường sau phiên ATC khá bất ngờ khi khi lực bán tăng vọt.

Thực tế, sau khi thị trường phục hồi hơn 50 điểm từ vùng 1.100 (gần 5%) thì bắt đầu có lực chốt lời ngắn hạn từ phiên 12/10 và thị trường liên tục chứng kiến những lúc thị trường xanh trong phiên thì lực bán lớn dần. Theo đó, ông Phương cho rằng lực bán có thể kích hoạt từ hai nguyên nhân:

Thứ nhất, dòng tiền trên thị trường yếu vì nhiều biến động gần đây từ các yếu tố quốc tế phức tạp như xung đột giữa Isreal và Palestine gây lo ngại về giá dầu có thể tăng trở lại. Khi các xung đột địa chính trị, chiến tranh xảy ra thì dòng tiền thường rút khỏi các lớp tài sản rủi ro như cổ phiếu và tâm lý này đã trở thành lực cản lớn cho đà phục hồi của VN-Index.

Thứ hai, thứ 5 tuần này sẽ diễn ra phiên đáo hạn phái sinh và thị trường thường có những biến động tương đối bất thường trong vài phiên trước ngày đáo hạn.

Thanh khoản dồn vào ATC, song nhìn chung vẫn sụt giảm trong phiên thị trường lao dốc cho thấy cho thấy tâm lý thị trường yếu nên hành động của các nhà đầu tư đa phần là chờ đợi KQKD của các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời cẩn trọng trước các diễn biến quốc tế khó lường và quan sát “đứng ngoài thị trường”.

VN-Index có thể test lại vùng 1.100 điểm

Dự báo về phiên giao dịch tới, chuyên gia FIDT cho rằng khả năng cao VN-Index sẽ test lại biên dưới của vùng dao động là 1.110 trước khi cân bằng trở lại. Xu hướng sau đó của thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả kinh doanh quý 3 đang được công bố và diễn biến tình hình quốc tế. Nếu không có gì bất ngờ thị trường sẽ cân bằng ở vùng này và sẽ vẫn sideways trong vùng 1.110-1.200 trong ngắn hạn.

Trong những giai đoạn có nhiều diễn biến quốc tế khó lường, vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần quan tâm quản lý rủi ro danh mục đầu tư, hạ tỷ trọng hoặc hạn chế margin. Ngoài ra, nhà đầu tư cần quan tâm tình hình chiến sự để đánh đưa ra các hành động phù hợp sắp tới.

Xét về trung và dài hạn, chu kỳ kinh tế thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi (Early Recovery) nên xu hướng trung hạn của thị trường là vẫn đi lên. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy khi phục hồi về vùng định giá trung bình, thị trường dễ xảy ra nhiều đợt điều chỉnh mạnh. Do đó, nhịp điều chỉnh của thị trường vẫn là cơ hội tốt để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu tầm nhìn trung và dài hạn.

Mai Chi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên