MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đột phá điều trị ung thư giành giải Nobel Y học 2018, nhưng cụ thể đó là gì?

02-10-2018 - 19:45 PM | Sống

Đột phá trong điều trị ung thư đã giúp 2 nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo giành được giải Nobel Y học 2018. Nhưng cụ thể thì đột phá đó như thế nào?

Như đã đưa tin, giải Nobel Y học năm 2018 đã được trao cho 2 nhà nghiên cứu James P. Allison và Tasuku Honjo, nhờ một đột phá trong điều trị ung thư. Đó là một loại thuốc ức chế điểm (checkpoint inhibitor) có khả năng khiến hệ miễn dịch chống lại được ung thư, từ đó mở ra tiềm năng giúp con người điều trị tận gốc căn bệnh chết người này.

Nhưng cụ thể phương pháp của Allison và Honjo là như thế nào? Bài viết này hy vọng sẽ giúp bạn giải đáp được phần nào.

Phương pháp thứ 4 để điều trị ung thư

Cụ thể, Allison và Honjo thực sự đã cách mạng hóa việc điều trị ung thư, bằng cách loại bỏ cơ chế kìm hãm hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư. Đó là một loại thuốc ức chế, và hiện tại chắc chắn sẽ trở thành phương pháp thứ 4 trong điều trị ung thư, bên cạnh phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Cần biết rằng ung thư không phải tự nhiên mà khó chữa. Các tế bào ung thư sở dĩ trở nên nguy hiểm một phần là nhờ khả năng "tàng hình" trước các tế bào lympho T thuộc hệ miễn dịch.

Thông thường, tế bào T đóng vai trò tìm kiếm các phần tử ngoại lai qua việc kiểm tra mã protein. Nhưng tế bào ung thư, chúng có thể chặn quá trình này, nên không phải chịu đựng sự truy quét của hệ miễn dịch.

Đột phá điều trị ung thư giành giải Nobel Y học 2018, nhưng cụ thể đó là gì? - Ảnh 1.

Allison đã xác định được loại protein có khả năng kìm hãm hệ miễn dịch, trong khi Honjo tìm ra một loại protein khác ngăn chặn hiệu ứng của hệ miễn dịch. Kết hợp lại, chúng ta có loại thuốc xử lý được 2 protein này, và hệ miễn dịch sẽ bắt đầu tấn công cả các tế bào ung thư.

"Ban đầu tôi không thực hiện nghiên cứu này để chữa ung thư, mà chỉ muốn hiểu về cách tế bào lympho T hoạt động," - Allison chia sẻ. Mẹ ông đã qua đời vì ung thư bạch cầu trước cả khi ông dậy thì, và đây là một động lực rất lớn.

Tiềm năng lớn, nhưng hạn chế vẫn còn nhiều

Với khả năng loại bỏ protein kháng miễn dịch, loại thuốc mới mang lại có khả năng điều trị vô số loại ung thư khác nhau, bao gồm melanoma (ung thư da ác tính), ung thư bàng quang và ung thư phổi. Nó mang lại tiềm năng lớn cho thị trường thuốc trị giá đến hàng tỉ đô.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một câu chuyện dài phía trước. Loại thuốc này không cho thấy tác dụng trên các bệnh nhân u não và ung thư tụy. Ngoài ra, liệu pháp để lại những tác dụng phụ thực sự nghiêm trọng, và chi phí thì khổng lồ - lên đến 100.000 USD mỗi năm (khoảng 2,3 tỉ đồng).

Đột phá điều trị ung thư giành giải Nobel Y học 2018, nhưng cụ thể đó là gì? - Ảnh 2.

Theo Allison, phát hiện mới chỉ đang dừng ở mức độ tiềm năng tạo ra phương pháp điều trị mới dành cho các bệnh nhân ung thư, và phải sử dụng kết hợp cùng các liệu pháp hiện hành.

"Thử thách lớn nhất hiện nay là làm sao để phát triển công thức phù hợp để thuốc có tác dụng lên tỷ lệ bệnh nhân cao nhất. Điều này cần thời gian."

Với Honjo - năm nay đã 76 tuổi, ông bắt đầu nghiên cứu sau khi chứng kiến một người bạn học của mình qua đời vì ung thư dạ dày.

Quá trình tìm ra một bước đột phá

Trên thực tế, giới y khoa đã tốn đến hàng thế kỷ để nghiên cứu về việc sử dụng hệ miễn dịch chống lại ung thư. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất thì phải đến bây giờ mới có.

Allison đã thực hiện nghiên cứu này từ khi còn làm việc tại ĐH California, Berkeley vào đầu thập niên 1990, và sau đó là Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering (New York).

Khi đang tìm hiểu về một loại protein mang tên CTLA-4 đã từng được xác nhận là có khả năng kìm hãm hệ miễn dịch, ông chợt nhận ra nó có tiềm năng điều trị ung thư. Ông đã phát triển ra loại kháng thể có khả năng chống lại protein này, và mang lại các kết quả đáng kinh ngạc khi thử nghiệm trên chuột.

Năm 1994, Allison cùng các công sự đã làm thực nghiệm và cho thấy ung thư có thể được chữa trên chuột. Ông tiếp tục dành nhiều năm sau đó để phát triển một loại thuốc dành cho con người.

Đột phá điều trị ung thư giành giải Nobel Y học 2018, nhưng cụ thể đó là gì? - Ảnh 3.

Hai vị giáo sư đã đạt được thành tựu đáng kinh ngạc.

Đến năm 2001, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã cấp phép cho thuốc Yervoy do ông phát triển, dành cho bệnh nhân mắc melanoma giai đoạn cuối. Đó là bước ngoặt đầu tiên dành cho loại thuốc ức chế điểm mà chúng ta có ngày nay.

Còn Honjo, ông tìm ra một loại protein khác mang tên PD-1, cũng có khả năng ức chế hệ miễn dịch nhưng theo một cơ chế khác. Ông sau đó cũng tạo ra kháng thể chống lại PD-1 - sau này phát triển thành thuốc Keytruda được cấp phép vào năm 2014.

Cựu tổng thông Jimmy Carter là một trong những người đã được Keytruda cứu. Ông mắc phải melanoma, nhưng đã được điều trị thành công vào năm 2015, kết hợp cùng phẫu thuật và xạ trị.

Đột phá điều trị ung thư giành giải Nobel Y học 2018, nhưng cụ thể đó là gì? - Ảnh 4.

Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ Jimmy Carter đã được chính loại thuốc chống PD-1 - Keytruda cứu.

Trong thông báo của ban tổ chức giải Nobel có chỉ ra rằng thuốc chống PD-1 dường như có hiệu quả cao hơn so với CTLA-4. Nhưng nếu kết hợp cả hai, chúng ta sẽ có một loại thuốc với công dụng hết sức to lớn. Nhưng đổi lại, tác dụng phụ có thể rất nguy hiểm, vì nó dễ khiến hệ miễn dịch trở nên cuồng loạn dẫn đến tình huống sốc phản vệ cho bệnh nhân, nên cần phải kiểm soát rất nghiêm ngặt.

Thành tựu đột phá cho y học và phần thưởng cho sự nỗ lực

Trong nhiều năm, Allison đã xuất hiện trong danh sách đề cử giải Nobel Y học, nhưng chưa lần nào được vinh danh. Các giải thưởng khác thì lại quá nhiều, nằm chồng chất trong văn phòng vốn đã chật chội của ông.

Trong buổi lễ vinh danh Nobel Y học 2018, rất nhiều nhà khoa học đã cảm thấy thực sự hài lòng khi nỗ lực của ông đã đạt được thành quả.

"Trong hơn 100 năm, chúng ta đã cố gắng nghiên cứu về hệ miễn dịch, nhưng không cho thấy tác dụng với ung thư”, trích lời Antoni Ribas, nhà miễn dịch học từ ĐH California, Los Angeles.

"Ông ấy đã tìm ra cách cho phép hệ miễn dịch tấn công ung thư. Nó mở ra cánh cửa cho một phương pháp điều trị hoàn toàn mới".

Theo Allison chia sẻ, ông dấn thân vào lĩnh vực này một phần là vì mong muốn trở thành người đầu tiên tìm ra thứ gì đó, và phải là điều đúng đắn.

"Khi bạn là bác sĩ, bạn phải làm đúng; nếu không, bạn sẽ gây hại cho người khác. Tôi muốn đứng ở lằn ranh ấy, trở thành người sai nhiều nhất để người khác được đúng" - ông chia sẻ.

Các công trình nghiên cứu liên quan đến sử dụng hệ miễn dịch chống ung thư đã có được thành quả, nhờ công của Allison và Honjo. Thành quả này thực sự xứng đáng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả 2.

Tham khảo: Science Alert

Theo T.O.P

Helino

Trở lên trên