MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dragon Capital: Chúng tôi nhìn kế hoạch Imexpharm 2-3 năm tới thì rất tiếc nhưng buộc phải bán

02-06-2020 - 19:48 PM | Doanh nghiệp

"Chúng tôi rất thích ngành dược Việt Nam, và từng có những khoản đầu tư vào DHG, DMC. IMP chúng tôi dành lại cuối cùng, và đến nay buộc phải bán để tái cơ cấu danh mục. Tôi nhìn kế hoạch 2-3 năm tới thì rất tiếc", đại diện Dragon Capital chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên Imexpharm mới đây.

Ngày 29/5, SK Investment Vina III – đơn vị đầu tư trực thuộc tập đoàn đa ngành Hàn Quốc SK Group – đã nhận chuyển nhượng 12,32 triệu cổ phiếu, tương đương 24,9% cổ phần của Dược phẩm Imexpharm (IMP). Phần lớn số cổ phiếu trên được mua lại từ nhóm quỹ Dragon Capital với 11,3 triệu cổ phiếu.

Ghi nhận tại biên bản ĐHĐCĐ thường niên IMP mới đây, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Dragon Capital chia sẻ: "Chúng tôi đã đầu tư vào IMP từ 12 năm về trước, và trở thành cổ đông lớn từ năm 2010. Chúng tôi rất thích ngành dược Việt Nam, và từng có những khoản đầu tư vào DHG, DMC. IMP chúng tôi dành lại cuối cùng, và đến nay buộc phải bán để tái cơ cấu danh mục. Tôi nhìn kế hoạch 2-3 năm tới thì rất tiếc".

Đại diện Dragon Capital cũng nói thêm, đầu tư tại IMP trên 20% là phải có sự phê chuẩn đặc biệt của Hội đồng đầu tư. Dragon Capital cũng muốn đầu tư thêm nhưng nếu trên 25% phải chào mua công khai thì sẽ gây lo ngại cho IMP liên quan đến vấn đề thôn tính. Dragon Capital đã phải lựa chọn đối tác chuyển nhượng rất kỹ. Theo Dragon Capital, khi sang tay lại cho SK với lợi thế đa ngành, trong đó có ngành dược, SK sẽ hỗ trợ IMP phát triển thời gian tới.

Dragon Capital: Chúng tôi nhìn kế hoạch Imexpharm 2-3 năm tới thì rất tiếc nhưng buộc phải bán - Ảnh 1.

Ông Trương Minh Hùng được đề cử là thành viên hội đồng quản trị


Đại hội cũng đã thông qua bổ sung ông Trương Minh Hùng vào vị trí Thành viên HĐQT thay cho ông Huỳnh Văn Nhung. Hiện, ông Hùng đang là Giám đốc đầu tư cấp cao tại SK Việt Nam.

Về ngành dược, Chính phủ đã ban hành Thông tư 15 (có hiệu lực từ tháng 10/2019) nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ thuốc ngoại sang thuốc nội, thông qua các thay đổi có lợi cho các cơ sở sản xuất tiêu chuẩn EU-GMP. Theo đó, doanh nghiệp trong nước với dòng sản phẩm tiêu chuẩn EU-GMP sẽ được hưởng lợi từ những thay đổi trên, bao gồm IMP.

Kết thúc năm 2019, IMP ghi nhận 1.421 tỷ doanh thu (tăng 18%), trong đó hàng tự sản xuất tăng đáng kể 16,5%. LNST tương ứng tăng hơn 17% lên hơn 162 tỷ đồng. Với kết quả trên, IMP sẽ chia cổ tức 2019 với tỷ lệ 20%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 10% cổ phiếu (dự kiến thực hiện trong quý 3/2020). Công ty cũng sẽ phát hành gần 10 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tỷ lệ 20% từ nguồn thặng dư, thời gian thực hiện tầm quý 2-3/2020.

Về phía cán bộ chủ chốt, IMP dự kiến phát hành ESOP với số lượng 2,5 triệu cổ phần, giá chào bán 12.000 đồng/cp (chưa đến 1/4 thị giá hiện tại ~56.000 đồng/cp), dự kiến thực hiện vào quý 3-4 năm nay.

Năm 2020, IMP đặt kế hoạch tăng hơn 23% doanh thu lên 1.750 tỷ đồng, LNTT tăng hơn 28% lên 260 tỷ đồng. Công ty dự kiến chia cổ tức 2020 ở mức 15-18%, tùy thuộc vào kết quả kinh doanh thực tế.

Dragon Capital: Chúng tôi nhìn kế hoạch Imexpharm 2-3 năm tới thì rất tiếc nhưng buộc phải bán - Ảnh 2.

Chủ tịch Nguyễn Quốc Định: Biên lợi nhuận giảm mạnh do ngành bắt đầu kiểm soát chặt giá bán thuốc

Phần thảo luận, cổ đông ý kiến IMP hiện nay phụ thuộc vào hàng nhập khẩu quá nhiều, đồng thời các hãng bây giờ cũng sản xuất thuốc generics nhiều. Cùng với đó, liên quan đến phân phối, cổ đông ý kiến phân phối kênh ETC qua bên thứ ba hiện còn lớn, do đó phải ưu tiên củng cố lại việc phân phối đồng thời quản trị bán hàng và công nợ. Có như vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp (hiện chỉ quanh quẩn 35-36%) có thể tăng về mức 46-50% như trước đó, khi nhà máy đạt công suất cao.

Trả lời, ban lãnh đạo cho biết luôn theo dõi công nợ chặt, quy định hạn mức từ 1/2, 1/3 hiện giảm về 1/5, 1/6. Công nợ khách trên thị trường cũng đã giảm từ 75 ngày xuống 60 ngày, rồi giảm tiếp về 45 ngày. Đến nay, Chủ tịch Nguyễn Quốc Định cho biết OTC chỉ còn 30 ngày, và u hướng chỉ còn 20 ngày. Điều này buột IMP phải có lộ trình, còn cắt giảm ngay thì phải chịu giảm doanh số và thị phần, trong khi thị phần là yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp.

"Về biên lãi gộp 3-4 năm về trước ở mức cao 54%, hiện nay có xu hướng giảm do ảnh hưởng của quản lý kê khai giá, kiểm soát giá của ngành. Muốn tăng giá bao nhiêu phải chứng minh được nguyên nhân và phải có quyết định của Nhà nước. Thời gian qua IMP cũng đầu tư rất nhiều nhà máy, chi phí khấu hao tăng. Quan trọng nhất là nếu IMP phân phối trực tiếp thì doanh thu 2020 có thể cao hơn 1.420 tỷ đồng nhưng lợi nhuận không được 220 tỷ do chi phí bán hàng nhiều", ông Định phân trần.

Chủ tịch cũng nói thêm, với ETC, công nợ phụ thuộc vào bảo hiểm rất lớn, khoảng 90 ngày đối với thuốc thiết yếu, còn lại thì thời gian đó có thể lên đến 180 ngày cho đến cả năm. Chính vì vậy một phần IMP tham gia đấu thầu dựa trên khả năng, một phần cắt cho đối tác, làm giảm biên lãi gộp nhưng không làm giảm biên lãi ròng. IMP không chịu công nợ hệ điều trị. Hiện, IMP bắt nhà phân phối phải cọc (20-30%) mua nguyên liệu, IMP được giảm công nợ.

Giải đáp thắc mắc cổ đông về việc cân đối lại các kênh phân phối, đại diện IMP cho biết kênh ETC mang lại giá trị cao do bán thông qua nhà phân phối, IMP xây dựng mức chiết khấu cao cho họ bù đắp chi phí bán hàng. Các sản phẩm EU-GMP chỉ có 1/5 tự bán, còn lại là bán cho nhà phân phối, làm vậy tiết kiệm được rất nhiều chi phí bán hàng.

Dragon Capital: Chúng tôi nhìn kế hoạch Imexpharm 2-3 năm tới thì rất tiếc nhưng buộc phải bán - Ảnh 3.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên