MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Drama chưa dứt trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 3 lịch sử Mỹ: Chủ tịch và 2 đời CEO bán chui cổ phiếu, thu lời 70 triệu USD

06-04-2023 - 00:11 AM | Tài chính quốc tế

Drama chưa dứt trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 3 lịch sử Mỹ: Chủ tịch và 2 đời CEO bán chui cổ phiếu, thu lời 70 triệu USD

Dòng tiền mặt dồi dào từ ngành tiền số bùng nổ đã giúp lượng tiền gửi vào Signature tăng 68% trong năm 2021. Đồng thời đẩy giá cổ phiếu tăng 140% trong năm đó.

Theo điều tra độc quyền của tờ Wall Street Journal, những người giao dịch nội gián tại ngân hàng đã sụp đổ Signature Bank đã bán ra số cổ phiếu trị giá hơn 100 triệu USD trong những năm sau khi ngân hàng chuyển hướng thu hút các công ty tiền số và trở thành “con cưng” của thị trường chứng khoán.

Trong 3 năm qua, số cổ phiếu mà Chủ tịch và 2 đời CEO của Signature bán ra chiếm gần một nửa tổng lượng cổ phiếu được bán ra. Tất cả 3 nhân vật này đều nằm trong ủy ban có nhiệm vụ kiểm soát rủi ro của ngân hàng trong năm gần nhất.

Ngày 12/3, các nhà quản lý New York ra quyết định đóng cửa Signature Bank sau khi ngân hàng này bị rút tiền gửi ồ ạt do ảnh hưởng từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank và Silvergate vài ngày trước đó. Ngân hàng cũng được cho là đang lâm vào một “cuộc khủng hoảng niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo”.

SVB và Signature lần lượt là các vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 và thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ, chỉ đứng sau vụ của Washington Mutual.

Drama chưa dứt trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 3 lịch sử Mỹ: Chủ tịch và 2 đời CEO bán chui cổ phiếu, thu lời 70 triệu USD - Ảnh 1.

Chủ tịch Scott Shay.

Ra đời 22 năm trước, Signature là một trong số ít các ngân hàng ủng hộ ngành tiền số. Dòng tiền mặt dồi dào từ ngành này đã giúp lượng tiền gửi vào Signature tăng 68% trong năm 2021. Đồng thời đẩy giá cổ phiếu tăng 140% trong năm đó.

Theo WSJ, Chủ tịch và 2 đời CEO đã thu lời 70 triệu USD từ giao dịch nội gián. Năm 2021 họ bán ra số cổ phiếu gấp đôi so với 2020.

Phần lớn các cổ phiếu được bán ra vào mùa xuân 2021, ở mức giá khoảng 220 USD. Năm đó cổ phiếu Signature vẫn tiếp tục tăng giá và đạt mức cao nhất mọi thời đại là 336 USD/cổ phiếu vào đầu năm 2022.

Tại Signature, những lãnh đạo chịu trách nhiệm quản lý rủi ro cũng là những người đứng sau chiến lược tập trung vào tiền số. Chiến lược này tập trung vào 1 nền tảng thanh toán nội bộ có tên Signet thường được các công ty tiền số sử dụng để quản lý tiền mặt của họ. Bản thân Signature không nắm giữ hay cho vay tiền số.

Tại 1 hội thảo năm 2022, Chủ tịch Scott Shay tự gọi mình là 1 “người rất hứng thú với tiền số”. Chính ông cũng là người đưa ra ý tưởng ban đầu về Signet. Những dòng chữ viết tay phác thảo nên Signet trên giấy vẫn được Shay đóng khung và treo trong phòng làm việc.

Trong năm 2021, Shay đã bán ra số cổ phiếu trị giá 5,4 triệu USD. Trong 3 năm từ 2020 đến 2021, ông mua vào tổng cộng 1,5 triệu USD. Riêng năm 2023 số lượng mua vào khoảng 644.000 USD, ngay trước khi ngân hàng sụp đổ.

CEO Joseph DePaolo bán ra 13,9 triệu USD trong năm 2021. COO Eric Howell cũng bán ra 14,9 triệu USD trong năm đó. Trong tháng 3/2022, 2 người bán tổng cộng 9,2 triệu USD.

3 người đã làm việc tại ngân hàng ngay từ những ngày đầu thành lập năm 2001 và phải chịu những khoản lỗ lớn từ số cổ phiếu họ đang nắm giữ khi ngân hàng sụp đổ. Trong ngày hoạt động cuối cùng trước khi Signature Bank đóng cửa, số cổ phần của Shay trị giá 35 triệu USD, của DePaolo vào khoảng 15 triệu USD và Howell vào khoảng 3 triệu USD.

Sở dĩ các giao dịch nội gián này không bị phát hiện là vì các tài liệu ghi chép được nộp lên Cơ quan tiền gửi liên bang FDIC thay vì Ủy ban chứng khoán SEC như thông thường. Signature là 1 trong 2 công ty duy nhất trong chỉ số S&P 500 không báo cáo các thông tin về giao dịch nội bộ lên SEC. Công ty còn lại chính là First Republic Bank, ngân hàng cũng đứng trên bờ vực và đã được nhóm các ngân hàng lớn bơm 30 tỷ USD giải cứu.

Năm 2022, cú đặt cược của Signature vào tiền số bắt đầu trở nên tồi tệ sau khi thị trường lao dốc mạnh và giá Bitcoin sụt giảm nhanh chóng. Cổ phiếu của Signature cũng bị kéo theo, giảm 64% trong năm đó. Cùng kỳ, lượng tiền gửi tại đây giảm 17%.

Drama chưa dứt trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 3 lịch sử Mỹ: Chủ tịch và 2 đời CEO bán chui cổ phiếu, thu lời 70 triệu USD - Ảnh 2.

Diễn biến của chỉ số S&P 500, SPDR S&P Regional Banking ETF, giá Bitcoin và cổ phiếu Signature Bank từ năm 2022 đến nay.

Đến tháng 12 năm ngoái, Signature thông báo có kế hoạch giảm mạnh mức độ liên quan đến ngành tiền số. Ngân hàng đã thiệt hại hàng tỷ USD Tháng 2 vừa qua, DePaolo tuyên bố từ chức. Howell trở thành người kế nhiệm chức CEO.

Signature không có những khoản lỗ khổng lồ trên bảng cân đối kế toán như một số ngân hàng khác, nhưng 90% tiền gửi tại đây không được FDIC bảo hiểm. Đó là lý do khiến khách hàng tháo chạy. Diễn biến tồi tệ của thị trường tiền số đã khiến niềm tin vào Signature bị xói mòn nghiêm trọng. Và sự kiện Silvergate Capital, 1 ngân hàng khác cũng đặt cược lớn vào tiền số, đóng cửa cùng với SVB đã kích hoạt phản ứng dây chuyền.

Ngày 8/3 Silvergate sụp đổ. Trong ngày hôm đó và ngày hôm sau, Howell đã mua vào số cổ phiếu ưu đãi trị giá khoảng 960.000 USD.

Ngày 10/3, cơ quan quản lý thông báo đóng cửa SVB. Các khách hàng đã rút 18 tỷ USD khỏi Signature, tương đương 20% tổng lượng tiền gửi. Cùng ngày, Shay mua vào số cổ phiếu trị giá khoảng 414.000 USD.

Những ngày sau đó, yêu cầu rút tiền được gửi tới ồ ạt trong khi ngân hàng ráo riết tìm kiếm bên mua lại hoặc tìm nguồn vốn mới. Đến tối ngày 12/3, các nhà quản lý thông báo đóng cửa Signature và bãi nhiệm toàn bộ bộ máy lãnh đạo.

Tham khảo Wall Street Journal

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên