Dự án cao tốc gần 81.000 tỷ nối các tỉnh miền Tây Việt Nam với Campuchia có gì đặc biệt?
Dự án này đi qua 4 tỉnh Kiên Giang với 82km, Hậu Giang 18km, Sóc Trăng 13km và Bạc Liêu 25,3km.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là đơn vị sự nghiệp công lập và là Ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông trực thuộc Bộ Giao thông vận tải; có chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án và chủ đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật; hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng.
Mới đây, báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi, trình Bộ Giao thông Vận tải về dự án đầu tư xây dựng cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu vừa được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận hoàn thành.
Theo đó, dự án cao tốc này có điểm đầu tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) và điểm cuối kết nối với quốc lộ 1 tại TP. Bạc Liêu. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 175,5km.
Cao tốc gồm 4 làn xe cao tốc và 2 làn khẩn cấp, với tốc độ thiết kế tối đa là 100km/h. Cao tốc sẽ đi qua bốn tỉnh vùng nam sông Hậu gồm: Kiên Giang với 82km, Hậu Giang 18km, Sóc Trăng 13km và Bạc Liêu 25,3km.
Để xây dựng tuyến cao tốc theo thiết kế này, cần giải phóng mặt bằng hơn 1.275ha đất. Trong đó, đất trồng lúa khoảng 1.187,5ha, đất ở khoảng 58,4ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 45,8ha, còn lại là các loại đất khác.
Tuyến đường sẽ kết nối cửa khẩu Hà Tiên của Kiên Giang với hệ thống cao tốc trục dọc (Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Cần Thơ - Cà Mau), hình thành trục ngang với năng lực vận tải lớn, tốc độ cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Đồng thời tuyến từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong...
Cao tốc này cũng kết nối với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và trở thành trục đường vận chuyển hàng hóa quan trọng từ Campuchia đi qua các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trong khu vực.
Cùng với đó, tuyến cao tốc này còn góp phần giảm áp lực cho Quốc lộ 1 hiện đang quá tải, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là khoảng 80.836 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự án dự kiến sẽ khởi công vào năm 2026 và hoàn thành vào năm 2030.
Hướng tuyến về cơ bản được tuân thủ theo quy hoạch Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng, trong đó 8/9 dự án đang thi công.
Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia.
Định hướng đến năm 2050, hoàn thiện mạng lưới đường bộ đồng bộ trong cả nước, hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải.
Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển đường cao tốc, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch đến năm 2025 sẽ phải hoàn thành 3000km đường bộ cao tốc.
Nhịp sống thị trường