Dự án lấn biển Vũng Tàu làm thủy cung vẫn triển khai ồ ạt
Dù tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết sẽ rà soát, xem xét lại nhưng những ngày qua, dự án lấp biển vẫn đang ồ ạt được triển khai, nhiều người dân bức xúc nói đừng để đến khi "ván đã đóng thuyền".
Hòn Rù Rì đã… "biến mất"?
Liên quan dự án lấp biển làm "thủy cung" thuộc tổng dự án du lịch của Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu, những ngày qua có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt có những ý kiến bức xúc phản đối của người dân. Dù tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết sẽ xem xét, rà soát lại nhưng việc lấp biển vẫn diễn ra rất ồ ạt.
Trong diễn biến hiện tại sau khoảng 1 tháng khởi công, dự án san lấp đang tiếp tục được triển khai. Hàng ngày xe tải, máy xúc hoạt động liên tục tại đây. Người đi ra biển có thể nhìn thấy cảnh thi công tấp nập, hàng ngàn m3 đất đá đã đổ tràn lấp ra xa bờ, một bãi đất rộng lấn biển đã hiện hữu.
Dự án lấp biển làm thủy cung vẫn ồ ạt chiều 12-10.
Tại khu vực này, một số người dân còn tố cáo việc một đảo nhỏ thơ mộng tại đây còn gọi là hòn Rù Rì hay hòn Ngưu, như tên gọi của dự án, hiện gần như "mất tích", bị bê tông hóa. Theo người dân tại đây, hòn Rù Rì hoang sơ là một bãi đá hay như một đảo nhỏ nổi lên gần bờ cách mấy trăm mét, có thể đi bộ ra từ đất liền. Tuổi thơ của nhiều thế hệ đã gắn liền với cảnh đẹp thiên nhiên ngày đêm gió thổi rù rì này nên gọi là hòn Rù Rì.
Thế nhưng, cách đây thời gian ngắn khi công ty làm du lịch về đây, hòn đảo này đã bị bê tông hóa và gần như bị san phẳng. Hòn Rù Rì này nằm sát ngay khu đang san lấp để làm thủy cung.
Cũng theo thông tin chúng tôi nắm được, dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo trên núi Lớn, hỗn hợp hạng mục dự án trong đó có khu "thủy cung" từng có những vi phạm bị phát hiện. Trong đó, năm 2011, đoàn kiểm tra của UBND TP Vũng Tàu đã phát hiện chủ đầu tư san lấp, lấn chiếm gần 2000m2 đất. Dự án này cũng từng bị người dân phản ứng vì một số hoạt động trên núi Lớn.
Ngoài ra, tại khu vực, nhiều nhà hàng, quán nhậu xung quanh cũng từng xây dựng lấn biển và bị kiểm tra, xử phạt. Chính quyền địa phương từng nhiều lần kêu "đau đầu" vì tình trạng lấn biển ở khu vực này, dù chỉ phạm vi lẻ tẻ.
Đừng để "ván đã đóng thuyền"
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Thế Hưng, người dân TP Vũng Tàu cho rằng địa phương, chủ đầu tư không nên suy luận kiểu "có phép là đúng", mà cần cầu thị lắng nghe dư luận trái chiều. Tỉnh nên tạm dừng để xem xét lại toàn bộ dự án lấp biển xây thuỷ cung Vũng Tàu "được và chưa được" ở chỗ nào để khắc phục.
Càng lúc càng ra xa.
"Hẳn nhiều người còn nhớ công trình "Cảng tàu khách Côn Đảo", đầu tư bằng vốn ngân sách gần 160 tỉ đồng, đã đạt khoảng 80% khối lượng nhưng vẫn phải dừng lại để xem xét khi dư luận có ý kiến tháp nước ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đối với Côn Đảo. Sự bất cập của công trình Cảng tàu khách Côn Đảo đã được lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn thấy và chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành liên quan cùng chủ đầu tư để rà soát. Ý kiến của nhiều ngành cho rằng công trình này đã bộc lộ nhiều vấn đề công năng chưa hợp lý, phần quy hoạch, kiến trúc trên bờ chưa được thiết kế phù hợp; các công trình bố trí manh mún, dàn trải, che mất tầm nhìn, gây mất mỹ quan. Sở Xây dựng và các ngành chức năng đã thống nhất trình đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh thiết kế tổng mặt bằng và kiến trúc của công trình...", ông Hưng nhắc lại.
Sẽ chiếm một khu vực rộng lớn ở trung tâm Bãi Trước.
Ông Hưng cho rằng rất nhiều ví dụ thực tiễn cho thấy "có phép vẫn sai như thường" và hy vọng với tinh thần lắng nghe, cầu thị và mạnh dạn sửa sai, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ nên dừng ngay dự án lấp biển làm thuỷ cung Vũng Tàu "để không mang tiếng vô cảm với tương lai, hạn chế tối đa thiệt hại cho chủ đầu tư vì có thể họ đang ra sức ngày đêm lấp biển để nếu có bị dừng thì "ván đã đóng thuyền".
Một người dân khác là anh Hậu Công, chiều 12-10 đi dạo biển Vũng Tàu qua khu vực trên và đã chụp nhiều hình ảnh việc lấp biển đăng lên trang cá nhân trên mạng xã hội. Anh viết những dòng chú thích: "Ảnh công trình lấn biển ở hòn Ngưu sáng nay, 12-10-2019. Lâu nay đi ngang khu vực này đã không còn nhìn thấy biển do đủ loại công trình che khuất tầm nhìn. Mai đây, những công trình đồ sộ mọc lên thì sao...? Đường cong mềm mại của bãi Trước sẽ chỉ còn là ký ức? Còn nhiều vấn đề lắm... Ở San Diego, một thành phố ven biển, người ta làm Sea World lùi sâu vào đất liền; các cao ốc đều có độ lùi đảm bảo tầm nhìn ra vịnh…".
Trong ngày 11-10, một thông tin phát đi về việc Công ty CP du lịch Cáp Treo Vũng Tàu miễn phí vé tham quan khu du lịch tại đây cho người dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong ngày cuối tuần. Tuy nhiên, nhiều người dân đã lên tiếng "tẩy chay" động thái này, đồng thời phản đối việc lấp biển làm "thủy cung", can thiệp lớn vào tự nhiên.
Một nguyên lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khẳng định việc lấp biển xây ga cáp treo và thủy cung ngoài làm mất đi một phần biển, quyền tiếp cận bờ biển của người dân, còn che mất tầm nhìn từ không gian cảnh quan của Di tích cấp Quốc gia Bạch Dinh, theo luật là bất khả xâm phạm. Hiện tại, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đang rà soát để cắm mốc hành lang bảo vệ bờ biển, nhưng với dự án này lại "làm ngơ".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS.TS Đào Trọng Tứ – Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Tư vấn Bền vững Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (CEWAREC), khẳng định phản đối việc lấp lấn biển, xây thủy cung, nhà hàng cao tầng ở Bãi Trước, TP Vũng Tàu. Ông Tứ khẳng định việc lấn biển, can thiệp vào tự nhiên chắc chắn sẽ để lại những hậu quả.
Bản vẽ giới thiệu dự án.
"Sông suối thì bị chặn dòng ngang dọc xây thủy điện, biển thì bị lấp lấn. Rồi đây con người sẽ lãnh hậu quả. Hơn nữa, những việc làm này cần phải được đối chiếu nghiêm túc trên hệ thống luật pháp, không thể cứ các công ty, tư nhân ai có tiền là có thể lấn biển lấn rừng để kinh doanh", ông Tứ bức xúc.