MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án luật đặc biệt chưa thuyết phục được Thường vụ Quốc hội

18-08-2017 - 21:25 PM | Xã hội

Đây là dự án luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính nhà nước...

Do hồ sơ dự án luật chưa có ý kiến của Chính phủ nên chưa thể thẩm tra, song Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng những lý do về sự cần thiết ban hành luật chưa có tính thuyết phục.

Như VnEconomy đã đưa tin, sáng 18/8 sáng kiến lập pháp của cá nhân đại biểu Quốc hội - dự án Luật Hành chính công- đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Thường trực cơ quan được giao thẩm tra dự án luật - Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - khẳng định hành chính công là dự án luật đầu tiên do một cá nhân đại biểu Quốc hội trình trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Đây là dự án luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính nhà nước.

Trong thời gian ngắn, ban soạn thảo dự án luật đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn. Hồ sơ chuẩn bị rất đầy đủ, rất nhiều loại tài liệu. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận và trân trọng. Các ý kiến đều đánh giá rất cao tâm huyết và nỗ lực của đại biểu Quốc hội - trưởng ban soạn thảo dự án luật - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Tuy nhiên, qua tổng hợp từ các thành viên uỷ ban và chuyên gia, các ý kiến tham gia đều cho rằng, những lý do về sự cần thiết ban hành luật được nêu trong tờ trình chưa có tính thuyết phục. Tờ trình chưa xác định được những tồn tại, bất cập cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành, chưa lý giải, làm rõ được với những nội dung điều chỉnh trong dự thảo luật thì sẽ giải quyết được những thiếu sót, bất cập, cụ thể nào của nền hành chính nước ta hiện nay.

Do đó, chưa làm nổi bật được sự khác biệt giữa việc có Luật Hành chính công với việc không có luật này, chưa lý giải thuyết phục được luật này thể chế các quan điểm, chính sách nào của Đảng, quy định nào của Hiến pháp, nội luật hóa được các cam kết quốc tế nào như mục đích đặt ra trong tờ trình.

Vẫn theo thường trực cơ quan thẩm tra thì nội dung quy định trong dự thảo luật mới chỉ mang tính khái quát, liệt kê, quy định chung chung, không xác định rõ vấn đề cần điều chỉnh, không rõ đối tượng phải áp dụng cũng không chỉ rõ nội dung nào cần quy định chi tiết. Nội dung dự thảo luật chưa đưa ra được những nội dung, chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn cho nền hành chính hoạt động hiệu quả, làm cơ sở cho việc thực hiện.

Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hành chính công để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung và phạm vi điều chỉnh với các văn bản luật hiện hành - ông Định cho biết.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chủ trì xây dựng dự án luật này trên cơ sở tiếp nhận sáng kiến và kết quả nghiên cứu của đại biểu Quốc hội và ban soạn thảo.

Chưa thể yên tâm với hồ sơ dự án luật, cần cân nhắc về sự cần thiết ban hành luật này cũng là điều được thể hiện rất rõ qua các ý kiến tại phiên thảo luận.

Liên quan đến sự đầy đủ của hồ sơ dự án, Trưởng ban soạn thảo Trần Thị Quốc Khánh cho biết, Chính phủ mới có bản dự thảo ý kiến của Chính phủ đối với dự án Luật Hành chính công (theo công văn số 4197/BNV-PC ngày 9/8/2017 của Bộ Nội vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt câu hỏi: tại sao luật khó thế này mà Chính giao cho Bộ Nội vụ mà không giao cho Bộ tư pháp?. Theo nhận xét của bà Nga thì ý kiến đóng góp của một số cũng rất hời hợt, có bộ đóng góp chưa đầy 4 dòng.

Vậy các bộ có đọc không? điều đó chứng tỏ đóng góp xây dựng luật có vấn đề. Cách làm việc như vậy là chưa ổn. Bộ tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm hệ thống luật mà không thẩm định lại giao cho Bộ Nội vụ. Như vậy không yên tâm với hồ sơ chuẩn bị trình - bà Nga phát biểu.

Chính phủ chưa có quan điểm rõ. Có ý kiến Chính phủ đồng tình thì mới đưa ra Quốc hội được - Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ góp ý.

Nhận xét các lý do về sự cần thiết ban hành luật còn rời rạc, chưa gắn kết với nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ khái niệm hành chính công bởi đây là khái niệm then chốt trong dự thảo luật, là cơ sở xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật.

Theo Nguyễn Lê

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên