MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án nạo vét 72 tỷ tăng sốc lên 2.595 tỷ: Chẳng lẽ không thương dân không cơm ăn, áo mặc!

29-05-2018 - 09:36 AM | Xã hội

Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, dự án nạo vét sông từ 72 tỷ đội vốn sốc lên 2.959 tỷ đồng ở Ninh Bình, vốn Nhà nước bỏ ra làm chỉ hơn 1.400 tỷ còn lại huy động từ xã hội hoá.

Tại phiên thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 chiều 28/5, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) bấm nút tranh luận và cho rằng, không hẳn các dự án điều chỉnh vốn đầu tư là "có mờ ám".

Nói rõ hơn về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) được Kiểm toán Nhà nước điểm tên vì đội vốn lên tới 36 lần, ông Phương cho hay, nếu chỉ nhìn con số từ 72 tỷ đồng lên gần 2.595 tỷ đồng, người dân sẽ đặt nhiều câu hỏi băn khoăn.

Ông thông tin, dự án này bắt đầu tư 2011 với mục tiêu nạo vét sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, nhưng do dòng sông chạy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình là vùng đất du lịch nên dự án được điều chỉnh lại so với ban đầu.

Với 4 mục tiêu sau điều chỉnh, gồm nhằm đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, phục vụ giao thông thuỷ và phát triển du lịch Ninh Bình, nên số vốn làm dự án tăng từ 72 tỷ đồng lên gần 2.595 tỷ.

 Dự án nạo vét 72 tỷ tăng sốc lên 2.595 tỷ: Chẳng lẽ không thương dân không cơm ăn, áo mặc! - Ảnh 1.

ĐB Bùi Văn Phương. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, vốn Nhà nước bỏ ra làm dự án này chỉ hơn 1.400 tỷ, số còn lại huy động từ nguồn xã hội hoá.

"Với dự án có ý nghĩa lớn với sự phát triển của tỉnh như vậy thì việc điều chỉnh đầu tư là hợp lý", ông Phương nói.

Ngay sau đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã giơ biển tranh luận lại ý kiến của đại biểu Phương.

Theo ông Nghĩa, trên thế giới một dự án đầu tư tăng vốn lên 36 lần như thế không thể có gì giải thích được, bởi đầu tư phát triển quan trọng nhất là chất lượng và hiệu quả.

Ông nói thêm, khi dự án kéo dài chưa nói đến tham nhũng, tiêu cực rõ ràng đã không hiệu quả rồi. Việc không hiệu quả của dự án sẽ tác động lại ngược nền kinh tế, gây gánh nặng.

Do đó, tôi đề nghị cần thanh tra dự án này để kết luận rõ ràng đâu là chủ quan, đâu là khách qua, nếu đáng khen thưởng sẽ khen thưởng còn cần rút kinh nghiệm thì phải làm.

"Việc thanh tra, kết luận rõ ràng cũng để Ninh Bình và cử tri đỡ băn khoăn", ông Nghĩa nêu rõ.

Giơ biển tranh luận sau đó, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) mở đầu đề cập tới hiện tượng "đầu chuột đuôi voi" rất phổ biến của các dự án đầu tư và đây là hội chứng lãng phí.

Ông cho rằng, khi xin dự án nhỏ bé nhưng cứ "nở dần, nở dần" ra nhưng Quốc hội hàng năm đã thông qua dự toán thì lấy tiền đâu ra bù đắp.

Ông nói, việc đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, dự án nạo vét sông chỉ có 1.400 tỷ đồng tiền Nhà nước còn lại huy động nguồn xã hội hóa của doanh nghiệp nhưng rõ ràng số tiền này là lớn.

"Tôi muốn nói, nở ra thì nở 2 - 3 lần còn nở nhiều như thế này nên xin hẳn một dự án. Tôi cũng làm tới 5 dự án nên tôi biết khó nhưng cần chừng mực", ông Trí nói.

Vị ĐBQH nêu rõ, Ninh Bình lấy lý do đây là kinh đô cũ, nơi vua ở nhưng "chẳng lẽ không thương những người dân ở Tây Bắc không có cơm ăn, áo mặc, phải di dân, không thương các đoạn đường Tây Bắc, Tây Nam rất khó khăn...."

Nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương chia sẻ, nước ta cũng đang có hàng nghìn người mang gen bệnh và chỉ cần 1.000 tỷ đồng thôi sẽ cải thiện được giống nòi, nhưng chúng tôi không dám xin và xin cũng không được".

Theo Hoàng Đan

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên